Chứng minh nhân dân ta luôn sống theo đạo lý ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Trong kho tàng ca dao, dân ca có nhiều câu phản ánh đạo lí sống của nhân dân Việt Nam. Ví dụ như: Con người có tổ có tông Như cây có cội như sông có nguồn. Hay: Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Hoặc: Cây có cội mới nảy cành, xanh lá, Nước có nguồn mới bể rộng, sông sâu… Điều đó cho thấy nhân dân ta từ xưa đến nay sống theo đạo lí Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Uống nước nhớ nguồn.
Ý nghĩa của hai câu tục ngữ trên nhắc nhở chúng ta phải trân trọng, biết ơn những người đi trước đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương để đem lại thành quả tốt đẹp mà chúng ta đang được hưởng thụ hôm nay.
Lòng biết ơn là biểu hiện của truyền thống coi trọng nghĩa nhân. Lòng biết ơn được nhắc tới trong mọi hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Nâng bát cơm trên tay, người ta khuyên nhau đừng quên sự vất vả, lam lũ của người nông dân: Ai ơi bưng bát cơm đầy, Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần. Uống ngụm nước mát lành giữa trưa hè oi bức, lại nhắc nhau phải nhớ nguồn. Nâng niu một trái chín mọng vừa hái trên cành, chớ quên công lao của kẻ trồng cây.
Tại sao lòng biết ơn lại được nhân dân ta trân trọng đặt lên hàng đầu như vậy ? Bởi vì đó chính là tình cảm thiêng liêng của con người, là cơ sở của mọi hành động tốt đẹp ở đời. Ông bà xưa nay đã dạy: ơn ai một chút chẳng quên… và lòng biết ơn phải được thể hiện qua lời nói, hành động, sự việc cụ thể hằng ngày.
Trong mỗi gia đình, dù giàu sang hay nghèo khó đều có bàn thờ gia tiên. Dẫu chỉ nén nhang, chén nước nhưng con cháu gửi gắm vào đó tấm lòng thành kính tưởng nhớ tới công đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Có một mối quan hệ vô hình nhưng vô cùng khăng khít giữa các thế hệ với nhau. Người đã khuất dường như luôn có mặt bên cạnh người đang sống, tiếp thêm sức mạnh cho họ trên bước đường mưu sinh vất vả. Lớp hậu sinh bày tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân bằng cách gìn giữ, phát huy truyền thống để làm vẻ vang cho gia đình, dòng họ.
Trải qua hơn bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải đương đầu với hàng chục đạo quân xâm lược hung hãn, tàn bạo như Hán,Tống, Minh, Thanh rồi thực dân Pháp, phát xít Nhật và cuối cùng là đế quốc Mĩ. Bao nhiêu xương máu đã đổ xuống để bảo vệ chủ quyền tự do, độc lập cho Tổ quốc. Trên khắp đất nước, đâu đâu cũng có những đền miếu, chùa chiền và đài tưởng niệm để ghi nhớ công ơn của những anh hùng liệt sĩ đã cống hiến và hi sinh cho Tổ quốc. Đền thờ các vua Hùng trên đất tổ Phong Châu, đền thờ Hai Bà Trưng ở Hà Tây, đền thờ Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình, đền thờ các vị vua đời Trần có công ba lần đánh tan quân Nguyên Mông ở Nam Định, Quảng Ninh, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội, đền Bến Dược ở Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, nghĩa trang Trường Sơn ở Quảng Bình… và hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ quanh năm được nhân dân ta chăm sóc khói nhang với tấm lòng biết ơn vô hạn.
Một trong những biểu hiện thiết thực của lòng biết ơn là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng. Biết bao bà mẹ Việt Nam anh hùng được cả nước tôn vinh, được các cơ quan, đoàn thể, trường học nhận phụng dưỡng để các mẹ yên hưởng tuổi già. Phong trào đền ơn đáp nghĩa nhân rộng khắp nơi. Những ngôi nhà tình nghĩa mọc lên từ miền xuôi cho đến miền ngược. Những đội quân tình nguyện ngày đêm miệt mài đi tìm hài cốt đồng đội ở các chiến trường xưa nơi rừng sâu núi thẳm để quy tập về nghĩa trang liệt sĩ hoặc đưa các anh về với mảnh đất quê hương… Đó là biểu hiện sinh động của đạo lí Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây của nhân dân.
Ngoài ra, còn nhiều hình thức khác như xây dựng bảo tàng lịch sử, bảo tàng cách mạng, nhà truyền thống… để nhắc nhở mọi người phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống bất khuất, hào hùng của dân tộc; nhắc nhở các thế hệ sau không phải chỉ biết hưởng thụ mà còn phải có nhiệm vụ giữ gìn, vun đắp và phát triển các thành quả lao động, chiến đấu do các thế hệ trước tạo dựng nên.
Có thể khẳng định rằng lòng biết ơn là nền tảng của đạo lí, là thước đo phẩm chất, đạo đức của mỗi con người. Nhận thức được điều đó, chúng ta sẽ sống tốt hơn, có ích hơn cho gia đình và xã hội. Tuy vậy, lòng biết ơn không phải tự nhiên mà có. Nó là kết quả của cả một quá trình rèn luyện, tu dưỡng lâu dài suốt cả cuộc đời.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |