Đọc, có phải được khởi phát từ khi con người bắt đầu xuất hiện nhu cầu rời khỏi ranh giới cá nhân bản thể, để bước chân vào địa hạt hay một khung trời mới, đặng muốn khám phá một điều gì khác lạ? Cũng là từ và bằng thị giác, nhưng đâu chỉ khuôn hạn trong việc đọc chữ, mà có lẽ cả trước khi có chữ, và rộng hơn nữa là bao gồm cả nhìn (kiểu như sau này gọi là "đuổi hình bắt chữ")?
Những bức vẽ trên vách hang đá cổ thấp thoáng tiếng rìu thô sơ, bồi hồi cảm giác mùi mồ hôi mằn mặn thấm rịn trên vai áo người xưa, và tươi rói nắm rau với mấy quả chuối rừng, ngoài kia gió u u chuyển mùa và đôi mắt nào sâu thẳm,…
Những chữ in trong sách báo, chữ nọ giằng níu chữ kia, thế rồi như thể bị hút hồn, bỗng chốc bị cuốn vào một thế giới - khi thì hăm hở nhiệt thành, khi lang thang dè dặt, khi lại tách ra, lùi xa ngắm nghía, khi vun vút bay qua khi suy tư chầm chậm…
Đọc có phải là cái đích? Hay đọc là động thái mở cửa, bước lên tầm bệ phóng, bởi đọc gắn liền với tưởng tượng - mà trí tưởng tượng từng tạo ra định luật hấp dẫn nhị thức Niutơn, câu chuyện buồn thảm về chàng Trixtăng và nàng Idơ, sự phá vỡ nguyên tử, tòa nhà của Bộ Hải quân ở Lêningrát, bức "Mùa thu vàng" của Lêvitan, bài "Mácxâye", vô tuyến điện, hoàng tử Hămlét, tương đối luận và bộ phim "Bembi" – như K. Pauxtốpxki từng nói.
Bởi vì, gấp trang sách, gấp tờ báo, gấp mẩu tin,… thậm chí đã rất lâu, vậy mà sao có khi lòng dạ vẫn bời bời, khôn nguôi ám ảnh?
(Cũng như dứt cuộc điện thoại, đã cúp máy lâu rồi sao còn bồi hồi vương vấn bao điều khác nữa, và để rồi ngẫm nghĩ mông lung…).
Con chữ có gì mê hoặc, có gì huyền bí mà người đọc cứ đời đời tự nhiên phải nối tiếp nhau? Vì tìm kiếm thông tin, hẳn thế. Nhưng phải chăng còn vì đắm mê sự tinh túy (dù vô ngôn hay hữu ngôn) cũng giàu sức gợi và đa tầng ngữ nghĩa, vì tài năng của người viết?