Ý nghĩa của việc tìm ra con đường cứu nước
Năm 1920, khi Hồ Chí Minh bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lê nin thì vào giai đoạn này, Việt Nam thuộc quyền thống trị của thực dân Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa, nổi dậy đã diễn ra nhưng thất bại. Nhiều xu hướng cải cách, đổi mới được dấy lên nhưng cũng chưa đạt kết quả khả quan. Trong thời gian này, có nhiều lý thuyết, nhiều chủ nghĩa, nhiều con đường và phương pháp để đấu tranh, thời điểm này cũng có nhiều người Việt Nam đi ra nước ngoài theo nhiều diện khác nhau.
Từ việc tìm hiểu, nghiên cứu những bài học lịch sử và khảo nghiệm thực tiễn, Nguyễn Tất Thành thấy rằng mọi cách tiến hành ở trong nước, hay đi ra nước ngoài, sang Trung Quốc hay Nhật Bản (phong trào Đông Du) đều không đạt kết quả tốt. Vì muốn: Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu.
Sự kiện Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 05/6/1911 có ý nghĩa vô cùng to lớn. Trước hết thể hiện sự thính nhạy về thực tiễn tình hình với sự lựa chọn hành trình xuất phát từ thành phố Sài Gòn. Đây là bước ngoặt lớn, việc Hồ Chí Minh chọn Sài Gòn sau này được lý giải là do lúc bấy giờ Sài Gòn là cửa ngõ của xứ Nam Kỳ có những công ty tàu biển lớn chạy đường Pháp - Đông Dương rất thuận lợi cho việc sang Pháp. Đây cũng là nơi tự do hơn các xứ khác ở Việt Nam trong việc đi lại, tìm kiếm công ăn việc làm, dễ kiếm cơ hội xuất ngoại. Sài Gòn, nơi ông dừng chân trong thời gian ngắn nhất nhưng lại có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước do được tiếp xúc với nhiều luồng thông tin đa dạng làm cho chủ nghĩa yêu nước của con người Việt Nam phát triển, mà sau này đã trở thành biểu tượng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, và trong cuộc tái thiết và phát triển đất nước lên xã hội chủ nghĩa. Nhưng ở độ tuổi 21 - người thanh niên của vùng xứ Nghệ cách Sài Gòn hàng nghìn km của thời cát cứ phong kiến, đi lại khó khăn của những năm đầu thế kỷ 20 ở nước ta mà nhìn ra và chọn thành điểm xuất phát để đi nước ngoài đó quả là một sự thấu suốt kinh ngạc.
Thứ hai, cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ đã tạo nên những bước ngoặt lớn trong cách mạng Việt Nam, đã làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử và thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20.
Thứ ba, việc lựa chọn đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Lê nin đã mở ra ở Cách Mạng tháng 10 năm 1917 đã đem lại những thành tựu vĩ đại trong thực tế cho nước ta như: hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, với thắng lợi của Cách mạng tháng 8 - 1945, Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 giải phóng Miền Bắc, chiến thắng 30/4/1975 giải phóng đất nước. Tiến hành cách mạng XHCN với sự nghiệp đổi mới 33 năm qua thành công, đem lại những thành tựu trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, tính đến cuối năm 2018 tăng trưởng kinh tế nước ta đạt 6,98%, thu nhập bình quân của người Việt 2640 USD, tuổi thọ người Việt đạt 73 tuổi, 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt phổ cập trung học cơ sở....
Dù đã đi xa, nhưng người chiến sỹ cộng sản kiên trung và dũng cảm Nguyễn Ái Quốc đã để lại cho chúng ta một mẫu mực trong việc nhanh nhạy với tình hình thời cuộc, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện nước ta, từ đó định hướng cho sự nghiệp đổi mới hiện nay ở nước ta, hướng vào mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh mà Đảng ta đang phấn đấu.