LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Giải bài có thưởng!

Tóm tắt câu truyện trên


SỢI LANH DÀI
                                                                                Tác giả: Chu Thị Minh Huệ
Chiều bò xuống chân núi mà tôi chưa muốn về nhà. Tôi sợ khoảng thời gian đứng chờ mẹ chồng lần sờ con bò cái của bà. Lúc ấy không dễ chịu chút nào. Tôi lùa đàn bò vào chuồng luôn phải để con bò của mẹ chồng đứng gần bờ tường chỗ máng ăn. Bà sẽ vịn vào cái máng mà sờ khắp người nó xem có no không, có bị sứt sát gì không. Bà sợ đêm nay lên đường đi gặp tổ tiên mà con bò của mình bị làm sao thì lại khó nhận ra nhau.
“Gà của người ta gáy gà ngươi không gáy thì đấy không phải tổ tiên ngươi – Gà của người ta gáy gà của ngươi đáp thì đấy mới là tổ tiên ngươi…”
Bà lẩm nhẩm lời hát chỉ đường trong bài khèn của người Mông tiễn người quá cố về với tổ tiên. Điều cấm kỵ, không được cất lên bài khèn ca khi không có người qua đời. Bà không phải là thầy cúng nên không dám cất lời, nhưng bà muốn gặp tổ tiên lắm rồi nên không đừng được. Đáng lẽ chỉ được nghĩ thôi, ấy thế mà cái ý nghĩ ấy mạnh quá nên nó bật thành thứ lẩm nhẩm của người già. Chiều nào tôi cũng phải nhìn đến cái mặt mẹ chồng nên mới bắt gặp.
Tôi thừa biết không được nói điều này với ai, nhưng dẫu sao cũng không giữ mãi được, nên đã nói với chồng.
“Này, không được nghĩ thế, không được nói thế nhé. Mình mong nhà có lời khèn ca hay sao?”
“Không phải thế. Nhưng đúng là mẹ lẩm nhẩm mà.”
Chồng chỉ nói vậy thôi. Thế có nghĩa là không được phép nhắc lại điều ấy nữa. Vậy là từ hôm ấy, lúc tôi dong đàn bò về thường không thấy chồng ở nhà.
Tôi biết vậy mà không phải vậy. Lúc lẩm nhẩm câu hát cúng, mẹ chồng đã để một con cào cào chết trong dây đai váy rồi. Điều mà ai cũng biết, khi muốn cất lên bài khèn ca thì phải có người qua đời, bất quá thì có con cào cào chết thay thế.
Mẹ chồng đã gần tám mươi tuổi. Dễ đến hai chục năm nay bà chờ ngày gặp tổ tiên mà vẫn chưa đi được. Tôi không biết mình thích hay không thích ngày bà về với tổ tiên. Từ bé đến giờ tôi chưa bao giờ phải chứng kiến ngày ấy với bất kỳ ai. Mặc dù từ khi về đây được các bà thím dạy rất nhiều việc phải làm trong ngày ấy nếu mẹ chồng, bố chồng hay người nhà chồng nằm xuống. Kỳ lạ, họ nhà chồng lại rất thọ. Bao nhiêu người rất già mà chưa đi gặp tổ tiên.
Những người già họ nhà chồng không bệnh tật nên chắc ai cũng muộn phải cắp nách con gà lên đường đi gặp tổ tiên. Có lẽ vì thế mà nhà này gà mẹ đẻ gà con đông đàn nhiều lũ lắm. Điều khác hơn nữa là họ nhà này có rất nhiều bò. Bò nuôi để cày, để đẻ khác, bò của người già khác.
Tôi cũng có một con bò nhà cho khi về đây làm dâu. Tôi ra khỏi nhà niềm hãnh diện là tay dắt một con bò. Những đồ đạc khác không thu hút ánh nhìn của các gái cùng lứa. Của cải lớn nhất khi tôi sang nhà chồng khác với hai cô dâu trước và khác cả con dâu nhà khác là tôi có sợi chỉ buộc từ con bò đến ngón tay.
Tôi là con dâu thứ ba nhà họ Thào cưới cho Thào Chờ Sán. Chị Máy, chị Cán đã đi trước đến cả chục năm. Hai người vợ trước của chồng đã được trả về nhà cùng với của hồi môn và lấy lại lễ vật. Các chị đã được người khác mang về làm dâu để đẻ những đứa con cho nhà chồng mới. Thế có nghĩa là đã làm xong trách nhiệm của một đứa đàn bà rồi.
Tôi là con dâu thứ ba. Chính vì thế mà của hồi môn của tôi khác các chị là có thêm con bò cái đi theo. Đó là điều mà cả tháng trời mẹ phải thuyết phục bố cho tôi mang theo. Con bò là nhà nước cho vay nuôi đẻ, để nhà tôi thoát khỏi hộ nghèo chứ có phải của ăn của để gì đâu. ấy vậy mà mẹ chấp nhận mất nó, chịu mang tiếng với xóm bản.
Mẹ bảo để tôi không phải như chị Máy, chị Cán thì con bò sẽ làm vía tránh cho tôi khỏi phải làm hòn đá kê chân cột nhà họ Thào. Mẹ chép miệng thương hại, nhưng cũng mừng cho các chị khi không bị bắt làm hòn đá kê chân cột nhà người cả đời mà được trả lại nhà đẻ để sang nhà khác làm dâu. Thế là người trên bản này đã nghĩ thoáng hơn xưa rồi. “Cứ như xưa á, ngồi góc nhà cả đời mà nhìn dâu em vui với chồng nhé” – Tôi ghét cái kiểu chép miệng ấy.
Con bò sẽ giúp tôi thoát khỏi cảnh quay trở lại nhà mẹ. Vì trước khi được dắt ra buộc vào tay tôi nó đã được ông Khản cúng vía rồi. Mẹ chấp nhận bỏ ra cả triệu bạc để xuống tận làng người Tày ở Mường Chang mời ông thầy giỏi nhất vùng lên làm vía. Mẹ thừa biết người Mông và người Tày không chung thầy cúng, nhưng cúng vía thay thì chỉ có ở người Tày nên mẹ chấp nhận làm điều trái khoáy, tất nhiên là bố không biết.
Tôi đã chăn con bò của tôi, bò của mẹ chồng, của bố chồng cùng đàn bò gần hai chục con. Từ khi nhà này chia con bò cái đầu tiên cho mẹ chồng đến nay nó đã đẻ được bao nhiêu là con. Nó đã đi gặp tổ tiên trước bà cũng gần hai chục năm.
Bà đã qua bao nhiêu bò mẹ, bò con đến cả bò cháu rồi mà vẫn bình an sống trên mãi đỉnh núi mù sương này.
Tôi không biết cảm giác sống để chờ ngày đi gặp tổ tiên thì dễ chịu hay khó chịu. Nếu là tôi thì không dễ chịu, vì tôi thích sống hơn chết. Với bà thì khác, đời người có bấy nhiêu thôi. Sống làm con dâu nhà họ Thào đã hơn sáu chục năm, có lẽ quá đủ rồi nên muốn làm con ma nhà họ Thào thôi.
Mẹ chồng tôi đã sống trong cảm giác đau khổ, day dứt mấy chục năm. Khi mẹ chồng bà tay nắm mảnh vải lanh mà đi vào thế giới bên kia đã không nhắm mắt được vì chưa nhìn thấy đứa cháu nối họ.
Đến bao nhiêu năm nữa mới có Thào Chờ Sán ở nhà họ Thào này. Cả họ mừng khi thấy Sán chào đời là con trai. Nhưng không ai nói gì khi Sán chẳng giống người họ Thào tí nào.
Nhà họ Thào vẫn chấp nhận Sán. Cái day dứt của mẹ chồng bà đã trút sang mẹ chồng tôi ba chục năm nay. Vì thế mà chị Máy và chị Cán mới được đưa trả về nhà đẻ. Người phải gánh trách nhiệm duy trì giống nòi cho nhà họ Thào bây giờ là tôi.
Đàn bò tôi chăn đã có ba con đẻ, trong đó có con của tôi. Ngày con bò của tôi đẻ, chồng tức lắm, vì cái mong đẻ thì không đẻ, con không mong đẻ lại đẻ. Tôi cũng không vui gì.
“Tôi sẽ không đổi con bò mẹ sang bò con đâu mình ạ!”
“Tuỳ thôi, bò của vợ mà, đổi hay không cũng không có gì cả.”
“Sao lại nói thế! Tôi muốn chỉ là con bò mẹ ấy thôi. Tôi muốn làm con bò mẹ mà.”
“Thế thì làm đi. Nói nhiều.”
“Tôi nói thế là muốn bảo chồng đưa con bò con vào đàn bò chung thôi.”
“Cán bộ lên đếm từ tuần trước rồi.”
Nói đến câu này thì chồng đã ra đến chỗ cổng đá im lìm. Tôi chẳng thể nói được điều gì nữa. Dù rất muốn gào lên rằng: “Tôi biết thế, biết là cán bộ lên đếm bò cả xóm này từ tuần trước rồi, nhưng ý tôi là con bò của tôi mang theo sang nhà này đã đẻ được bò con rồi. Thế có nghĩa là nó đã có chửa từ khi còn ở nhà tôi. Tôi đã không đưa bò con về cho nhà tôi mà có ý để lại nhà này, nó sẽ là bò chung của nhà. Tôi không như mẹ chồng, bò đẻ là nhăm nhăm nhận lấy bò con để chăm cho lớn rồi nhận mang nó đi gặp tổ tiên…”
Tôi không biết, mà cũng không cần biết khi chết con bò, con gà được cúng cho có đi theo mình không, có phải là dấu hiệu để nhận nhau khi gặp tổ tiên không. Thế nên tôi không cần thiết là bò trẻ sẽ khoẻ hơn con bò già, sẽ nhanh đi gặp tổ tiên hơn.
Mà tôi chán nghĩ đến những điều ấy, cũng như chán phải nhìn thấy cảnh mẹ chồng sờ nắn, kiểm tra con bò mỗi chiều lắm rồi. Mẹ chồng đã vậy, bố chồng cũng muốn kiểm tra con bò của mình, nhưng vì lẽ bố chồng con dâu phải đứng xa nhau nên không kiểm tra con bò của mình ngay lúc tôi đưa vào chuồng. Vì tôi còn phải đứng trông mẹ chồng sờ nắn con bò. Tôi sợ bà đi ra đi vào vấp ngã thì khổ. Thế nên khi tôi đưa mẹ chồng vào ngồi lại cái bậu cửa sau thì bố chồng mới đi cửa trước vòng ra đầu nhà đến chỗ chuồng bò kiểm tra con bò của ông.
Cái bậu cửa sau, chỗ trông ra chuồng bò đã nhẵn thín, bóng lên soi được cả ánh mặt trời vàng. Mỗi khi mẹ chồng không ngồi đấy, tôi nấu cám cứ bị ánh sáng hắt vào mặt. Tránh đằng nào cũng thấy loá. Cả hôm không có mặt trời nó vẫn cứ ánh lên.
Chỗ ấy đã được không biết bao nhiêu cái vì sau của váy mẹ chồng mài nhẵn. Chắc nó được mài từ khi nhà này chia cho con bò đầu tiên sẽ dẫn theo khi đi gặp tổ tiên. Cũng từ khi bà có thói quen ngồi đấy trông ra chuồng bò mà nhìn con bò của mình thì đống sợi lanh được chuyển ra theo để vừa nhìn bò vừa nối lanh.
Mãi về sau tôi mới phát hiện bà có một sợi lanh trắng bóng và mịn quấn quanh người. Bà đã chuẩn bị sợi lanh này để nối từ con bò đến tay mình lúc nằm treo trên cáng ở góc nhà kia. Một ngày bà đã lần từ đám nương trước đến chỗ vách nhà sau. Chỗ ấy sẽ treo chiếc cáng của bà. Sợi lanh được đo dài bằng ấy bước chân run rẩy. Nó đã mịn lắm rồi, nhưng tôi chắc rằng sợi lanh ấy dài bằng sợi lanh trong lòng bà. Bề ngoài thì mịn mà trong lòng gợn nhiều lắm. Từng chỗ mấp mô đá, chỗ gờ nương, chỗ ngáng cổng, chỗ bậu cửa chính… là những nấc của sợi lanh đánh dấu nấc cuộc đời bà. Tôi cũng thừa biết, cái nấc lớn nhất là ngày Sán ra đời. Ngày ấy là một mớ bùng nhùng không vuốt cho mịn được.
Đã từ lâu lắm bà không tự đi được. Phải nhờ tôi dìu hoặc chống cây gậy to tướng mà chầm chậm di chuyển. Đến đâu cũng chực bấu vào cái gì đấy để thêm độ cân bằng mà đỡ cái thân hình dấu hỏi cứ chực đổ về đằng trước như có lực vít.
ấy vậy mà tuần trước, khi cán bộ thống kê lên đếm bò thì con bò của bà đã ra khỏi chuồng trước khi cán bộ vào đến cổng. Bố chồng cũng đưa bò của mình đi. Tôi đáng lẽ cũng phải đưa bò của mình đi nhưng đã chả thèm làm thế.
Đếm bò xong, cán bộ không hiểu gì cả. Dù được mời uống rượu nhưng vẫn không vui vì không tự giải thích được sự vô lý của số bò nhà này. Mà không hỏi thì không đúng số liệu mang về. Anh ta vẫn uống rượu để làm thân nhưng vẫn phải hỏi.
“Anh Sán này, sao bò nhà mình đẻ nhanh thế nhỉ? à, mà không phải đẻ, hay là anh mua bò mới đấy?”
“Không mua đâu. Chỉ có thế thôi. Có thêm mỗi một con nghé thì chưa được tính nhé!”
“Mùa đông vừa rồi nhà anh bị chết ba con bò cơ mà?”
“Vâng. Thì sao?”
“Thế thì nhà anh chỉ còn mười lăm con thôi chứ.”
“Đúng thế! Thì mười lăm con đấy thôi. Thế cán bộ đếm ra mấy con?”
“Mười tám con mà. Mẹ anh dắt đi một con. Bố anh dắt đi một con. Một con buộc mãi chỗ cổng kia.”
“Thì sao?”
“Thì là mười tám con!”
“Sao lại mười tám? Chỉ mười lăm thôi.”
“Ơ, trong chuồng mười lăm con với ba con ấy là mười tám con mà.”
“Tôi không biết đâu.”
“Hay là anh khai nhầm ba con chết lúc mùa đông?”
“Cán bộ đừng nghĩ tôi xấu bụng nhé! ý anh là tôi khai gian lên để lấy hỗ trợ của nhà nước à? Tôi không xấu thế đâu! Anh cứ hỏi ông Chờ trưởng thôn xem, hỏi cả thôn xem tôi có khai gian không. Hôm ba con bò chết tôi mổ ra mời cả thôn cùng ăn rồi mà.”
“Đúng thế, hôm ấy chúng tôi lên kiểm tra đúng là nhà anh bị chết ba con. Sao hôm nay lại vẫn có mười tám con nhỉ.”
“Tôi không biết đâu!”
“Hình như hôm ấy không có con bò mẹ đang ở cổng kia thì phải.”
“Không, có chứ!”
“Thế hôm ấy nó ở đâu mà chúng tôi không thấy?”
“Ô, hay nhỉ! Đấy là bò của vợ tôi mà.”
“Thì của vợ anh vẫn là của nhà anh chứ, vẫn phải tính vào tổng số bò.”
“Không được! Của vợ là mang từ nhà vợ sang lúc làm dâu. Nếu nó chết thì con bò ấy là của nó mang đi gặp tổ tiên chứ sao lại đếm vào đàn bò nhà tôi được.”
“à!... Thế mẹ anh dắt một con, bố anh dắt một con cũng là bò để dành đi gặp tổ tiên à?”
“Đúng thế!”
“Thảo nào mùa đông chúng tôi lên thì không thấy ba con bò này, vì chúng đã không được đếm vào đàn bò phải không?”
“Đúng thế!”
“Thế thì tôi hiểu rồi. Tức là bò nhà anh trước đó là hai mốt con, bị chết rét ba con, giờ còn mười tám con nhé!”
“Ô, cán bộ này hay nhỉ! Đã bảo là chỉ còn mười lăm con thôi. Ba con kia đã chia cho bố, cho mẹ với của vợ rồi thì không được tính vào đàn bò chung mà.”
“Không sao đâu, tôi cứ ghi thế thôi. Anh điểm chỉ vào đây cho tôi là được.”
“Không được. Thế là làm gian đấy! Tôi không điểm chỉ đâu. Thế nhỡ mẹ tôi chết thì không được mang con bò ấy đi à? Không được đâu. Mười lăm con thì tôi mới đồng ý.”
Mãi thì cán bộ không bắt chồng điểm chỉ vào tờ khai được. Thuyết phục mãi không được, vì chồng tuy không biết chữ nhưng vẫn biết số. Cán bộ đã ghi mười tám con thì nhất định không thể điểm chỉ. Cán bộ phải đến nhà trưởng thôn nhờ xác nhận về số bò nhà tôi.
Mẹ chồng nằm ệp dưới chân đống thân ngô khô. Con bò đứng cạnh đấy. Chân nó còn giẫm lên dây thừng bà đang cầm. Con bò muốn đi ăn cỏ, nhưng lại bị giữ chặt thừng. Mẹ chồng giữ bò như đang đi gặp tổ tiên vậy.
Bà để tôi đỡ dậy mà mặt khoằm xuống và nhả từng từ nặng như đá:
“Sao không dắt bò đi mà nhơn nhơn ra đấy?”
“Không sao đâu mà mẹ. Cán bộ chỉ đếm thôi chứ có lấy bò đi đâu.”
“Đếm vào rồi thì lúc đi gặp tổ tiên lấy gì mà mang theo hở con dâu?”
Việc đầu tiên khi vào nhà là buộc con bò cẩn thận, như thể sợ cán bộ lại vào đếm bò. Rồi không cần tôi đỡ, mẹ chồng tự lần vào chỗ bàn thờ. Đàn bà không được động đến bàn thờ, vậy mà hôm nay dám đứng gần chỗ ấy. Tất nhiên mẹ chồng, dù sắp đi gặp tổ tiên nhưng vẫn là đàn bà nên không dám thắp hương. Bà đến nơi ấy để gần với tổ tiên hơn, để trút những nỗi niềm của người đang chờ được đưa lên chỗ tổ tiên. Việc vừa rồi bà tâm sự với tổ tiên. Như thể đang khóc cho chính bản thân mình ở một nhà đám nào đó.
Tôi không bất ngờ, chỉ thấy lạ. Hôm nay bà dám làm nhiều việc kiêng của người mình quá. Có lẽ là sự dối già chăng? à, không! Dù gì đi nữa bà cũng chỉ dám làm những điều mình muốn khi bố chồng và chồng tôi không nhìn thấy thôi.
Tôi chợt nhớ là còn phải đi tìm bố chồng và con bò của ông nữa. Tìm ở đâu bây giờ? Chồng đang mải cày ở nương sau chắc là biết.
“Chồng à, bố ở đâu để tôi tìm về?”
“Bò dắt đi đâu thì đi đó. Khi nào tối khác về thôi.”
“Nhưng vẫn phải biết ở đâu chứ.”
“Giờ thì bò dắt. Lúc đi gặp tổ tiên thì dắt bò, biết thế nào mà tìm.”
“Người nhà này thích nhắc đến tổ tiên” - ấy là ý nghĩ trong đầu tôi thôi, không thể nói ra được.
Chồng đêm nay rất lạ. Chồng ôm tôi thật chặt, ôm mãi còn bảo tôi cứ để thế này nhé, đừng giẫy ra nhé. Sao nhỉ! Tôi biết chồng đang suy nghĩ, buồn bực, nóng lòng và lo lắng. Tất cả trộn vào và đang dâng lên trong lòng. Một lúc nữa thì tôi cảm nhận rõ ràng chồng đang thèm muốn, nhưng không làm gì cả, chỉ càng lúc càng ôm chặt tôi hơn. Hình ảnh mẹ chồng trước bàn thờ chiều nay sống lại rõ rệt trong tôi. Và tôi hiểu chồng đang nghĩ gì.
“Hay là tôi lấy một đứa gái nữa về nhà này nhé!”
Chồng im lặng. Không biết có nghe thấy tôi nói không hay nghe mà không nói gì, hoặc không biết nói gì.
“Tôi không đi khỏi nhà này đâu. Một đứa gái khác sẽ thay tôi nối họ Thào. Được không?”
“Đừng nói nữa. Không có chuyện ấy đâu.”
“Phải làm việc ấy chứ.”
“Có làm nữa cũng không được. Mình đã là đứa thứ ba rồi, không được tức là không được nữa rồi.”
“Nhưng…”
Tôi muốn nói, song đúng là không biết nói gì. Tôi đã là đứa thứ ba rồi. Còn muốn hơn nữa không. Chắc mẹ chồng cũng biết điều này.
“Tôi muốn bỏ con bò của vợ vào đàn bò chung.” - Chồng thít chặt vòng tay hơn và thì thầm vào tai tôi.
“Thì cũng có khác gì đâu. Nó vẫn chung nhau mà.”
“Không phải thế. Tôi không muốn mình phải mang con bò ấy theo. Tôi cũng không muốn nó phải theo mình về nhà đẻ.”
“Tôi không về đâu.”
Nói thế thôi. Nhưng tôi hiểu chồng đang muốn nói gì. Chồng không muốn bất kỳ điều gì xảy ra ở nhà này nữa. Thực sự thì tôi cũng không muốn về nhà mẹ đẻ cùng với con bò. Tôi không muốn như chị Máy và chị Cán. Không thể ai về nhà này cũng lại ra đi. Nếu có đứa con gái nữa về đây thì tôi vẫn ở lại. Người ấy sẽ nối họ Thào. Tôi chăm sóc bố mẹ chồng. Tôi chỉ muốn nấu nồi nước thơm đúng phận làm dâu cho bố mẹ chồng lúc đi gặp tổ tiên là mãn nguyện rồi. Đấy, có lẽ tôi đúng là người nhà họ Thào khi hay nhắc đến tổ tiên.
Tôi không muốn ra khỏi nhà này. Nhưng cũng rất sợ khoảnh khắc phải gỡ sợi lanh ra khỏi tay mẹ chồng để rồi lại phải giữ nó. Sợi lanh dài lắm rồi. Nó cũng đã đổi màu từ khi chồng tôi ra đời. Tôi không muốn giữ nó để rồi phải giặt gio bếp, phải nghiền trong cối đá hay phơi mãi ngoài bờ suối vì nó đã đổi màu quá lâu rồi.
Tôi cũng rất sợ ngồi bậu cửa sau trông ra chuồng bò và nghĩ về ngày đi gặp tổ tiên. Có lẽ tôi sẽ cô đơn và dằn vặt hơn mẹ chồng bây giờ. Vì tôi phải ngồi bậu cửa một mình, không có chồng con, không có cả đứa con dâu ngày ngày chăn đàn bò mà vẫn phải lưu tâm con bò của mẹ chồng để mà buộc cạnh máng cỏ.
Nằm trong vòng tay chồng đây, tôi phải nghĩ thế nào cho phải.
Hôm nay mẹ chồng đã nối đến sợi lanh cuối cùng của mùa rồi. Mùa sau không trồng lanh nữa – bà bảo tôi khi giắt nốt cuộn lanh lên vách. Tôi hiểu ý bà. Có thể tôi sẽ không phải làm những công đoạn sau của lanh nữa…

Câu hỏi: Tóm tắt truyện trên.

0 trả lời
Hỏi chi tiết
279

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 12 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư