Ca Huế khởi nguồn từ hát cửa quyền trong cung vua phủ chúa, với hình thức diễn xướng mang tính bác học dành cho giới thượng lưu say mê nghệ thuật. Theo thời gian, lối hát thính phòng này dần được dân gian hóa để có điều kiện đến được với nhiều tầng lớp công chúng.
Theo các nghiên cứu, thời điểm hình thành và phát triển của thể loại Ca Huế có thể từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII. Sang thế kỷ XIX, vào thời Tự Đức, là thời kỳ hưng thịnh nhất, Ca Huế được định hình với một số bài bản rút ra từ tế nhạc cung đình, như: “Long ngâm”, “Ngũ đối thượng”, “Ngũ đối hạ”; các bài bản trong hệ thống “Mười bài ngự” (thập thủ liên hoàn, liên bộ thập chương, mười bản tàu) như: “Phẩm tuyết”, “Nguyên tiêu”, “Hồ quảng”, “Liên hoàn”, “Bình bán”, “Tây mai”, “Kim tiền”, “Xuân phong”, “Long hổ”, “Tẩu mã”… Ca Huế thực sự phát triển cùng với sự tham gia sáng tác, biểu diễn của nhiều văn nhân, nho sĩ, quan lại, các ca nương, nhạc công tài năng dưới triều Nguyễn.
Môi trường diễn xướng của Ca Huế thường ở trong một không gian hẹp, số lượng người trình diễn và người nghe hạn chế, do tính chất của âm nhạc mang tính tâm tình, tự sự. Ca Huế có đặc điểm không trình diễn trước đám đông hoặc hát dưới ánh mặt trời. Số lượng người trình diễn cho một buổi Ca Huế có khoảng từ 8 đến 10 người, trong đó, số lượng nhạc công có từ 5 đến 6 người. Ca sĩ, nhạc công sẽ hoà đàn và hát các bài bản trong các nhạc mục của Ca Huế. Biên chế của dàn nhạc phải sử dụng đạt chuẩn 4 hoặc 5 nhạc cụ trong dàn ngũ tuyệt cổ điển, bao gồm: đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tranh, đàn tam và tuỳ theo từng trường hợp có thể không có cây đàn tam và bổ sung thêm cây đàn bầu với đầy đủ biên chế của dàn ngũ tuyệt, hoặc có thể dùng dàn “tứ tuyệt” bao gồm các nhạc cụ: nguyệt, nhị, tỳ và đàn tranh hoặc đầy đủ hơn là dàn lục ngự: tam, tỳ, nhị, nguyệt, tranh, bầu.
Trình diễn Ca Huế là một cuộc tao ngộ giữa các tao nhân mặc khách có hiểu biết về văn hóa và âm nhạc. Buổi biểu diễn không bị lệ thuộc vào quy trình cứng nhắc giữa người thưởng thức và người trình diễn mà có