Sử dụng điện cần chú ý an toàn đề phòng tai nạn xảy ra. Khi chẳng may xảy ra sự cố về cháy hoặc điện giật, cần phải xử lý khẩn cấp và đúng phương pháp để loại trừ nguy hiểm, không để sự thiệt hại lan rộng.
Khi bị cháy, việc đầu tiên là phải cắt nguồn điện sau đó mới dập lửa. Nếu chưa cắt điện đã vội vàng phun nước để cứu hỏa thì lửa chưa bị dập tắp người đã bị điện giật chết. Bởi vậy, khi bị cháy phải cắt điện hoặc dùng cát, bình bọt chữa cháy để dập lửa.
Đối với người bị điện giật phải cấp cứu kịp thời và đúng phương pháp. Đầu tiên là cắt nguồn điện, nếu không biết cầu dao cắt điện ở đâu thì dùng kìm cách điện cắt dây điện hoặc dùng gậy cách điện gạt dây điện ra. Tuyệt đối không được vội vàng túm lấy nạn nhân để kéo ra, làm như vậy người cứu cũng bị điện giật. Khi đi cứu người, bản thân mình cũng phải lót tay vật cách điện, đi ủng, đứng ở nơi khô ráo.
Bản thân người bị điện giật, nếu chưa bị hôn mê, còn tỉnh táo thì tìm cách nhẩy lên khỏi mặt đất để thoát khỏi dòng điện chạy qua người.
Nếu nạn nhân còn thở được, nhưng đã có lúc bị ngất thì cho nằm ở nơi yên tĩnh, thoáng mát, nếu là mùa đông lạnh thì đắp chăn, cởi quần áo, thắt lưng, xoa bóp toàn thân và mời bác sĩ hoặc đưa đi bệnh viện.
Trường hợp hô hấp khó khăn hoặc đã ngừng thở, thậm chí mạch hoặc nhịp tim đã ngừng vẫn có thể là hiện tượng “chết giả”. Nếu tích cực hô hấp nhân tạo giúp cho nạn nhân hồi phục hô hấp thì tuyệt đại đa số có thể được cứu sống. Do đó, người cứu nạn nhân phải hết sức kiên trì cứu người bị nạn đến cùng; chỉ khi nào phán đoán chính xác nạn nhân đã chết mới ngừng cấp cứu.
Cứu nạn nhân bị điện giật chỉ có phương pháp hô hấp liên tục không để phí một giây phút nào. Kinh nghiệm cho thấy, tiêm thuốc trợ tim cũng không thích hợp bằng hô hấp nhân tạo và các biện pháp xoa bóp tim. Người bị điện giật trong vòng 1 phút tỷ lệ cứu sống là 95%; trong vòng 6 phút tỷ lệ cứu sống dưới 1%. Nếu đại não bị ngừng cấp máu 5 phút, dẫn đến tế bào não không thể khôi phục được thì dù có cứu sống nạn nhân cũng bị di chứng nặng nề.
Hô hấp nhân tạo bằng phương pháp thổi ngạt trực tiếp vào miệng hiệu quả hơn dùng tay ép ngực. Trước khi thổi ngạt cần đệm một khẩu trang. Cởi quần áo vướng víu của nạn nhân, tháo thắt lưng, bỏ những vật vướng trong miệng nạn nhân, dùng tay kéo hàm dưới xuống, từ từ đưa cằm về phía trước cho hàm răng dưới xê dịch về phía trước, gắng đệm gối cho đầu hơi ngửa, đảm bảo cho đường hô hấp thông. Sau đó, miệng người cứu nạn và nạn nhân ngậm nhau thổi ngạt. Cứ 5 giây thổi một lần thật mạnh vào mồm nạn nhân, khi thổi phải bịt mũi lại. Khi nạn nhân có hiện tượng chuyển biến tốt, tạm ngừng vài giây cho người bị hại tự hô hấp.
Khi nạn nhân tự hô hấp được thì hô hấp nhân tạo tiếp tục theo đúng nhịp tự hô hấp của nạn nhân. Khi nạn nhân đã tự thở được thì cũng phải để nạn nhân nằm nghỉ một thời gian vì lúc đó tim còn yếu, nếu vội đứng lên sẽ bị ngất. Xoa bóp tim cũng rất cần thiết cho cấp cứu, dùng cùi bàn tay ấn xuống vùng tim nạn nhân lõm xuống khoảng 4 đến 5 cm, mỗi phút ấn 60 đến 80 lần. Mỗi phút 60 lần, tức 5 lần ấn thổi ngạt 1 lần.
Cấp cứu trẻ em cần chú ý lượng thổi ngạt và ấn cho vừa phải không làm thương tổn cơ thể trẻ.
Thực tế chứng minh, tuyệt đại bộ phận nạn nhân “chết giả” qua cấp cứu đều được cứu sống.