Xuất phát từ vị trí, vai trò của hậu phương, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1954), Đảng ta chủ trương thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam. Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc không chỉ có mục tiêu xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào ta ở miền Bắc mà còn nhằm xây dựng, củng cố căn cứ địa hậu phương chung của cả nước để tiến hành giải phóng miền Nam. Trong quan điểm chỉ đạo, Đảng ta luôn thống nhất: phải xây dựng miền Bắc thành hậu phương chiến lược vững mạnh toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, kết hợp giữa xây dựng và và bảo vệ vững chắc hậu phương.
Xây dựng hậu phương vững mạnh về chính trị tư tưởng là vấn đề cốt lõi và xuyên suốt toàn bộ quá trình cách mạng. Bác Hồ chỉ rõ, muốn xây dựng được hậu phương vững mạnh, vấn đề đầu tiên là phải xây dựng lực lượng chính trị, lấy xây dựng lực lượng chính trị là then chốt. Người còn khẳng định chỗ dựa vững chắc nhất của cách mạng là lòng yêu nước, lòng trung thành vô hạn của nhân dân đã giác ngộ đối với sự nghiệp giải phóng đất nước.
Xuất phát từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, với đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, tự lực, tự cường, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo phát triển tổ chức đảng, tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất. Thực tế đã chứng minh, nơi nào có tổ chức đảng mạnh thì hậu phương phát huy được sức mạnh, huy động được sức mạnh vật chất, tinh thần cho chiến trường. Đi đôi với xây dựng Đảng là vấn đề không ngừng củng cố, tăng cường và hoàn thiện hệ thống chính trị các cấp, làm cho hệ thống chính quyền các cấp thực sự có đủ trình độ và năng lực điều hành, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng hậu phương chiến lược, động viên sức mạnh cho chiến trường.
Tăng cường xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa đủ sức là hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, Đảng ta xác định rõ sức mạnh của chiến tranh nhân dân là sức mạnh tinh thần, vật chất của toàn dân, hậu phương vững chắc là nhân tố quyết định thắng lợi của chiến tranh. Tháng 12-1957, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (khóa II) đã xác định đường lối của Đảng về xây dựng hậu phương trong điều kiện mới. Đảng ta đã nêu phương hướng kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng để vừa có thể nhanh chóng phát triển kinh tế vừa củng cố quốc phòng ngày càng mạnh mẽ, làm tròn được nhiệm vụ hậu phương đối với cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa 2 (năm 1955) nhận định, miền Bắc là chỗ đứng của ta, bất kể trong tình hình nào miền Bắc cũng phải được củng cố. Hội nghị nhấn mạnh, muốn thống nhất nước nhà, điều cốt yếu là phải ra sức củng cố miền Bắc, đồng thời giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam… Đường lối củng cố miền Bắc của ta là củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến dần từng bước vững chắc đến chủ nghĩa xã hội…
Tại Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc (9-1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ lực lượng đấu tranh của nhân dân ta, nền có vững nhà mới chắc, gốc có mạnh cây mới tốt. Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960) chủ trương tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc - cuộc cách mạng gắn bó chặt chẽ với cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ sự nghiệp cách mạng chung cả nước. Năm 1965, khi đế quốc Mỹ dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, Trung ương Đảng tiếp tục xác định, miền Nam vẫn là tiền tuyến lớn, miền Bắc vẫn là hậu phương lớn, nhưng nhiệm vụ của miền Bắc là vừa xây dựng, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa chi viện cho tiền tuyến miền Nam.