Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Khu di tích Bạch Đằng Giang - quần thể di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng nổi tiếng của Thành phố Cảng. Trên cửa sông Bạch Đằng đã gắn liền với 3 trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta (năm 938 Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán; năm 981 Lê Hoàn đánh tan quân Tống và năm 1288 Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đánh tan quân Nguyên Mông).
Khu Di tích Bạch Đằng trải dài trên diện tích 20ha, được xây dựng bởi các nhà hảo tâm. Nơi đây nằm trong quần thể danh thắng Tràng Kênh, được Nhà nước công nhận năm 1962. Tại đây có ngôi miếu cổ thờ các vong linh tử sĩ chiến đấu, hy sinh trên sông Bạch Đằng. Sau đó, được doanh nghiệp và các nhà hảo tâm nâng cấp, tôn tạo.
Từ cổng vào, một vườn đá cuội và một trụ đá cao chừng 5m, mặt trước có 7 chữ “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”. Ba mặt trái, phải, sau khắc công lao và thần tích của vua Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và đại vương Trần Hưng Đạo.
Tiếp đến là Khu vực nhà khách khang trang, rộng rãi với sức chứa 1.000 người, có nước uống miễn phí; khu vực vệ sinh sạch sẽ, có nhân viên dọn dẹp thường xuyên. Khu vực bãi gửi xe rộng 2.000m2, có người trông coi miễn phí.
Đi sâu vào trong là các dãy bonsai, cây cổ thụ. Ngôi đền đầu tiên trong di tích là Tràng Kênh Vọng Đế, thờ vua Lê Đại Hành. Tiếp đó là Linh từ Tràng Kênh thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người chỉ huy chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, rồi đến đền Bạch Đằng Giang thời Ngô Quyền, đánh thắng quân Nam Hán năm 938.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là địa điểm cuối cùng trong tứ linh từ của di tích. Ngoài tứ linh từ, khu di tích Bạch Đằng Giang còn có: đền thờ Thánh Mẫu, khu nhà bảo tàng trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng trong bể thủy tinh. Từ ngôi chùa phỏng theo chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) được xây trên núi Tràng Kênh, du khách sẽ bao quát được toàn cảnh vẻ đẹp của cả vùng Tràng Kênh.
Khu di tích đã xây 3 pho tượng đồng tạc Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, mỗi pho tượng cao 11m, đặt trên một quảng trường nổi, hướng ra sông Bạch Đằng, xung quanh là một bãi cọc mô phỏng bãi cọc Bạch Đằng xưa kia…
Các lễ hội chính tại khu di tích gồm có: mùng 6 tháng Giêng: khai hội. 14 - 15 tháng Giêng: khai ấn. 18 tháng Giêng: giỗ vua Ngô Quyền. 8-3 âm lịch: giỗ vua Lê Đại Hành và giỗ trận Bạch Đằng. 15-4 âm lịch: đại lễ Phật đản. 15.7 âm lịch: lễ Vu lan. 20-8 âm lịch: giỗ Đức thánh Trần (đại vương Trần Quốc Tuấn).
Với các bạn sinh viên chuyên ngành quản lý văn hóa, tương lai sẽ là những cán bộ quản lý văn hóa cơ sở thì Khu di tích Bạch Đẳng Giang là một điểm sáng trong công tác quản lý di tích và lễ hội để các bạn có thể học tập và tìm hiểu. Tại di tích này, việc duy trì các hoạt động như: trông xe, dọn dẹp vệ sinh đều do người dân tự nguyện tham gia, như một hình thức công đức cho khu di tích. Do đó, Ban Quản lý không phải trả công nên không đặt nặng vấn đề kinh doanh. Mọi người đều rất tự nguyện, tự giác, mỗi người làm một phần việc. Khác biệt lớn nhất của khu di tích này so với nhiều điểm văn hóa tâm linh khác là tôn chỉ “3 không”: không mất tiền, không rác thải, không hàng quán. Đến đây tham quan, vãn cảnh, thầy và trò Khoa Nghiệp vụ Văn hóa và Du lịch cảm nhận được sự thanh tịnh, trang nghiêm và trật tự...
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |