Về phương pháp dạy đọc hiểu văn bản, bên cạnh các phương pháp và kĩ thuật dạy học quen thuộc như: phương pháp hỏi đáp, phương pháp đàm thoại gợi mở, phương pháp đọc diễn cảm, phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp đóng vai, phương pháp dạy học tình huống, kĩ thuật “động não”, kĩ thuật “sơ đồ tư duy”, kĩ thuật “công đoạn”, kĩ thuật “khăn trải bàn”, kĩ thuật “phòng tranh”…các chiến thuật đọc hiểu trên nên được sử dụng một cách thích hợp trong dạy học đọc hiểu:
+ Xác lập mục đích đọc: là chiến thuật giúp người đọc định hình, quyết định mục tiêu cần tập trung của hoạt động đọc hiểu văn bản.
+ Tổng quan/ xem trước văn bản: Giúp người đọc tiếp cận văn bản qua các việc quan sát, tìm hiểu tiêu đề phụ, hình ảnh minh họa, hình ảnh giới thiệu về tác phẩm hoặc đọc lướt đoạn đầu để có cảm nhận chung về văn bản.
+ Tóm lược những nội dung, ý tưởng quan trọng: Giúp người đọc tóm tắt nội dung chính của văn bản, định hình được những sự kiện, tình tiết chính. Đồng thời, hệ thống hóa những thông điệp mà người viết muốn chuyển tải qua văn bản.
+ Kết nối với những kinh nghiệm bản thân: Kết nối các sự kiện, bối cảnh, nhân vật…với những kinh nghiệm của bản thân để có thể lí giải, cắt nghĩa, chia sẻ những suy nghĩ, thái độ…của người viết.
+ Hình dung, tưởng tượng: là chiến thuật giúp người đọc hình dung trong đầu những hiện thực miêu tả trong văn bản. Dựa vào những chi tiết, sự kiện trong văn bản, người đọc có thể tưởng tượng ra khung cảnh, bối cảnh cụ thể của những sự kiện đó.
+ Dự đoán: Kết hợp những chi tiết trong văn bản với kiến thức, kinh nghiệm của bản thân để dự đoán hoặc đưa ra các phán đoán có sở về những gì có thể xảy ra trong văn bản. Chiến thuật này giúp học sinh rèn luyện tư duy suy đoán và tăng tính hấp dẫn, tạo hứng thứ, kích thích sự tò mò và duy trì hoạt động của người đọc, nhất là các văn bản dài..
+ Kiểm soát việc đọc: Giúp người đọc kiểm soát, duy trì được hoạt động đọc hiểu văn bản, nhất là khi phải tạm dừng đọc vì một lý do nào đó, hay việc đọc không thể diễn ra liên tục mà phải chia thành từng chặng. Để kiểm tra việc đọc, một trong những biện pháp phổ biến là hỏi chính mình về những gì đang đọc. Đôi lúc, để trả lời những câu hỏi đó, người đọc phải đọc lại. Chiến thuật này có thể áp dụng với những văn bản dài được học trong nhiều tiết, nhiều tuần; hoặc trước khi chuyển sang nhiệm vụ đọc hiểu văn bản truyện tiếp theo, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh kiểm tra lại kết quả đọc của mình trước đó để đảm bảo rằng mọi học sinh đều đã hiểu và sẵn sàng cho một việc đọc kế tiếp.
Ngoài ra, giáo viên cũng có thể tìm hiểu và vận dụng một số kĩ thuật đọc hiểu cụ thể khác để được hướng dẫn học sinh đọc như:
+ Xác định chuỗi sự kiện dựa trên từ ngữ chỉ báo trong văn bản
+ Xác định quan hệ nhân quả giữa các chi tiết, sự kiện
+ So sánh, đối chiếu
+ Ghi chú bên lề (ghi câu hỏi, bình luận…)
+ Tìm từ chìa khóa
+ Gạch chân những từ ngữ cần chú ý
+ Đánh dấu những từ, câu, đoạn…cần chú giải.
Một số phương pháp, biện pháp dạy đọc văn bản mà giáo viên có thể sử dụng để giúp học sinh đọc hiểu văn bản, đồng thời hình thành và phát triển kĩ năng đọc là cho học sinh đọc diễn cảm, đọc phân vai, kể chuyện, đóng vai để giải quyết một số tình huống, diễn kịch; tổ chức cho học sinh thuyết trình về một vấn đề, thảo luận, tranh luận về văn bản và về các vấn đề của cuộc sống do văn bản gợi lên: sử dụng câu hỏi hướng dẫn học sinh ghi chép trong tiến trình đọc bằng các phiếu ghi chép, phiếu bài tập, nhật kí đọc sách….