1. Tư duy phản biện là gì?Tư duy phản biện là một khái niệm phong phú đã được phát triển trong suốt 2.500 năm qua. Chắc chắn rất nhiều người đã nghe về tư duy phản biện, nhưng rất có thể họ không hoàn toàn chắc chắn về ý nghĩa thực sự của nó, và điều đó hoàn toàn lý giải được bởi vì tính đến hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa chính xác cho thuật ngữ này.
Nói một cách khái quát, tư duy phản biện chính là quá trình phân tích, tổng hợp và đánh giá thông tin để đưa ra một nhận định của riêng cá nhân về vấn đề nào đó. Thông tin này được thu thập thông qua việc quan sát, tìm hiểu, qua kinh nghiệm và được đánh giá dựa trên lập luận khách quan, logic, có bằng chứng của bản thân mỗi người. Hay nói một cách đơn giản, tư duy phản biện chính là quá trình phân tích vấn đề từ nhiều khía cạnh một cách cẩn thận, có hệ thống để đưa ra kết luận.
Tư duy phản biện có 2 loại:
– Tư duy tự phản biện: tự bản thân mỗi người phản bác lại những hành động, ý nghĩ và những bằng chứng mà mình đưa ra về sự vật, sự việc.
– Tư duy phản biện ngoại cảnh: xảy ra trong hoạt động tranh luận hoặc tranh biện khi nhiều người đưa ra những quan điểm lập luận riêng về một vấn đề chung nào đó. Sau đó mỗi người sẽ cùng nhau phân tích, đánh giá và phản bác để đưa ra kết luận chính xác nhất.
2. Học sinh và sinh viên Việt Nam có tư duy phản biện tốt hay không?Theo đánh giá chung, không chỉ riêng học sinh - sinh viên mà người Việt nói chung không giỏi tư duy phản biện. Nó phần lớn là kết quả từ cách giáo dục xưa nay của Việt Nam. Đối với cách học truyền thống, tư duy phản biện hầu như không được chú ý tới. Tại trường lớp và ngay cả tại nhà, hệ thống giáo dục Việt Nam bao trùm chủ nghĩa giáo điều. Thầy cô luôn cho mình là người nắm vững nội dung chuyên môn còn học sinh là những cái đầu rỗng tuếch. Còn trong gia đình, quyết định luôn thuộc về bề trên. Các bậc cha mẹ hay cho mình cái quyền quyết định mọi chuyện của con cái. Điều này dần dần làm hạn chế khả năng tư duy và tìm tòi của đứa trẻ, nó dạy chúng không nên thắc mắc mà chỉ chấp nhận rằng những điều người lớn nói là đúng.
Mặc dù hiện nay kỹ năng tư duy phản biện đang được dần dần chú trọng trong văn hóa và giáo dục Việt Nam, cụ thể là dần có nhiều cuộc thi tranh biện nổ ra như Trường Teen; ở cấp 3 và Đại học cũng bắt đầu thành lập các câu lạc bộ tranh biện. Đối với nhiều gia đình hiện nay, bố mẹ cũng lắng nghe ý kiến và chia sẻ với con cái nhiều hơn. Tuy nhiên, xét cho cùng, kỹ năng tư duy phản biện vẫn còn yếu kém đối với người dân Việt Nam.