ĐÁP ÁN
LÀNG
1. a) Đoạn trích đó nằm trong truyện Làng của nhà văn Kim Lân, truyện được viết năm 1948, thời kì đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
b) Truyện Làng đươc xây dựng dựa trên tình huống gay cấn để làm bộc lộ sâu sắc tình cảm yêu làng, yêu nước cảu nhân vật ông Hai. Tình huống ấy là cái tin làng ông theo giặc lập tể mà chính ông nghe được từ những người tản cư dưới xuôi lên.
c) Câu nói đó là lời dẫn trực tiếp.
d) Đoạn văn trích này chủ yếu dùng ngôn ngữ độc thoại nội tam, đó là những lời nói bên trong của nhân vật, không nói ra thành tiếng.
2. Phân tích diễn biến tâm trạng của ông Hai, kể từ khi nghe được tin làng mình theo giặc.
- Ông Hai yêu làng quê của mình bằng một tình yêu rất đặc biệt, ông thường hãnh diện khoe về làng.
- Ông bất ngờ nghe tin làng Việt gian theo Tây khi ở nơi tản cư. Cái tin ấy khiến ông sững sờ đau đớn như chết đứng.
Từ lúc ấy, trong ông Hai chỉ còn cái tin dữ kia xâm chiếm, nó thành một nỗi ám ảnh day dứt, nặng nề, thành sự sợ hãi thường xuyên trong ông cùng với nỗi đau xót, tủi hổ. Suốt mấy ngày sau, ông Hai không dám đi đâu, chỉ quang quẩn ở nhà, nghe ngóng binh tình.
- Trong ông Hai diễn ra một cuộc xung đột nội tâm và ông đã dứt khoát chọn theo cách của mình: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”, tình yêu nước đã lớn rộng hơn, bao trùm lên tình yêu làng. Nhưng ông Hai không dễ gạt bỏ tình cảm với làng, vì thế mà càng đau xót, tủi hổ.
- Ông Hai còn bị dồn đến tình thế bế tắc, tuyệt vọng khi bà chủ nhà muốn đuổi gia đình ông đi. Mặc dù không biết đi đâu, ông Hai vẫn quyết không về làng.
- Trong tâm trạng đó, ông Hai chỉ còn biết trút bầu tâm sự với đứa con nhỏ ngây thơ. Cuộc trò chuyện đó cho thấy tấm lòng gắn bó sâu xa, bền chặt của ông Hai với làng quê, với cách mạng, với kháng chiến.
- Cái tin đồn thất thiệt ấy được cải chính, ông Hai như được sống lại. Ông lại sung sướng, hoan hỉ chạy đu khoe với hết mọi người tin vui đó.
- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của Kim Lân sâu sắc, tinh tế.
3. Đặt tên truyện là Làng – một danh từ chung chứ không phải “Làng Chợ Dầu” – một danh từ riêng để tạo ý nghĩa khái quát cho tác phẩm. Nhà văn muốn nói đến mọi người làng trên đất nước và tình yêu làng của mọi người dân trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Nhan đề Làng đã nhấn mạnh được chủ đề của tác phẩm và gây ấn tượng đậm nét trong người đọc.
4. Ngôn ngữ đối thoại ở đoạn này rất sinh động, góp phần bộc lộ tâm trạng và tính cách nhân vật. Ngôn ngữ đối thoại mà mang tính chất độc thoại, như lời tự giãi bày, tự minh oan. Ông Hai nói với con những câu mà đã biết chắc câu trả lời. Những câu hỏi ấy cũng mang bao nhiêu nỗi nhớ, bao bộn bề, giằng xé trong lòng ông. Rất yêu làng, nhớ làng, muốn về làng, nhưng tình cảm với kháng chiến còn cao hơn. Đau buồn tưởng làng theo giặc nhưng bố con ông Hai một lòng thành kính theo Cụ Hồ, theo kháng chiến. Cả hai tình cảm ấy đều mãnh liệt nhưng thống nhất trong tình yêu nước, tinh thần kháng chiến. Đó cũng là nét mới trong tư tưởng, tình cảm của ông Hai – người nông dân trong thời đại cách mạng và kháng chiến.