Dưới đây là một số kết quả nổi bật của ngành giáo dục tỉnh Hà Tĩnh trong 30 năm tái lập tỉnh:
Ưu tiên cho giáo dục, trước hết đó là các chính sách phát triển giáo dục trong tình hình mới của tỉnh, bao trùm là Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Với nguồn lực tổng hợp được huy động, năm học 2019-2020, ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã được đầu tư gần 400 tỷ đồng để củng cố cơ sở vật chất trường lớp theo hướng kiên cố, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
=> Ngành giáo dục ở Hà Tĩnh nhận được sự quan tâm to lớn. Chính vì thế mà giáo dục Hà Tĩnh đã đạt được những thành công nhất định.
1.1 Kết quả nổi bật của giáo dục Hà Tĩnh: Kết quả học tập
Năm học 2019 - 2020, một năm học quá nhiều biến động với sự hoành hành của dịch bệnh, thiên tai, thế nhưng, vượt lên tất cả, phương châm “đảm bảo an toàn cho học sinh, ngừng đến trường nhưng không ngừng việc học” vẫn được các trường học ở Hà Tĩnh thực hiện nghiêm túc.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, Hà Tĩnh đã đạt nhiều thành tích đáng tự hào, tiếp tục giữ vững là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng học sinh giỏi quốc gia. Với tổng số 89/100 học sinh tham gia dự thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2019-2020 đạt giải (chiếm tỷ lệ 89%). Hà Tĩnh xếp thứ 2 cả nước về số lượng học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia (sau Hà Nội).
Toàn tỉnh hiện có 547/700 trường học đạt chuẩn quốc gia (đạt 78,1%); là tỉnh thứ 7 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và là tỉnh thứ 12 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Giáo dục Hà Tĩnh đang tiếp tục củng cố và khẳng định “thương hiệu” trên bản đồ thành tích giáo dục của cả nước.
1.2 Kết quả nổi bật của giáo dục Hà Tĩnh: Hệ thống trường lớp từng bước được qui hoạch hợp lý
Thực hiện chủ trương qui hoạch lại hệ thống trường lớp, đến nay hệ thống trường mầm non và phổ thông toàn tỉnh đã được sắp xếp khá hợp lý vừa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân vừa có qui mô phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục, khắc phục được tình trạng trường học có quá nhiều điểm trường.
Nếu như năm học 1992-1993 toàn tỉnh có 1.178 trường học (701 trường mầm non, 236 trường tiểu học, 217 trường tiểu học, 24 trường THPT) thì đến năm học 2020 - 2021 còn 667 trường (254 trường mầm non, 221 trường tiểu học, 147 trường THCS, 45 trường THPT).
Hiện nay các địa phương cấp huyện đang tiếp tục triển khai đề án sắp xếp trường lớp theo tinh thần Nghị quyết 96/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh với mục tiêu đến năm 2025 giảm thêm khoảng 20% số trường học.
1.3 Kết quả nổi bật của giáo dục Hà Tĩnh: Phổ cập giáo dục, xoá mù chữ
Công tác huy động trẻ đến trường, thực hiện phổ cập giáo dục, xoá mù chữ đạt kết quả cao và vững chắc. Năm 1992, Hà Tĩnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ (tỉnh thứ 7 đạt chuẩn); năm 2002, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở (tỉnh thứ 12 đạt chuẩn); năm 2013, đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi (tỉnh thứ 7 đạt chuẩn). Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2.
1.4 Kết quả nổi bật của giáo dục Hà Tĩnh: Đội ngũ nhà giáo được tăng cường về số lượng, trình độ
Do nhu cầu học tập của học sinh, số lượng cơ cấu đội ngũ cán bộ quản, giáo viên các cấp học có sự biến động qua từng giai đoạn. So với năm 2011 số lượng giáo viên mầm non tăng 1.632 người, THPT tăng 775 người, giáo viên tiểu học giảm 877 người, giáo viên THCS giảm 1.491 người.
Trình độ đào tạo của giáo viên mầm non và phổ thông không ngừng được nâng cao. Năm 1991 có 71.1% giáo viên mầm non, 97.4 % giáo viên tiểu học; 98.8% giáo viên THPT, 87.5% giáo viên THCS đạt chuẩn thì đến năm 2019 đã có 100% giáo viên các cấp học đều đạt chuẩn đào tạo, tỷ lệ trên chuẩn đào tạo ngày càng cao: mầm non 90.5%, tiểu học 96%, THCS 83%, THPT 17.5%.
Phần lớn các thế hệ cán bộ quản lý, giáo viên đều có phẩm chất, đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó với nghề, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được chú trọng và được tiến hành thường xuyên, liên tục; công tác qui hoạch, bổ nhiệm cán bộ quản lý có nhiều đổi mới tích cực như việc bổ nhiệm cán bộ quản lý các trường THPT thông qua thi tuyển từ năm học 2013-2014.
2. Cần phải làm gì để tiếp tục phát triển giáo dục Hà Tĩnh?
Những kết quả nổi bật của giáo dục Hà Tĩnh trong 30 năm tái lập tỉnh đã được nhìn nhận, biểu dương. Điều đó đặt ra vấn đề phải làm gì để tiếp tục phát triển giáo dục Hà Tĩnh?
Để tiếp tục phát triển giáo dục Hà Tĩnh, chúng ta có thể nghĩ tới các giải pháp sau:
- UBND các xã, phường làm tốt công tác điều tra hộ khẩu, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh đồng thuận việc phân vùng học sinh. Đồng thời, vận động phụ huynh có điều kiện cho học sinh vào học các trường tư thục.
- Trên cơ sở rà soát thực trạng tiếp tục tiếp nhận, điều chuyển giáo viên, sắp xếp, bố trí hợp lý; bổ nhiệm kịp thời cán bộ quản lý đảm bảo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn về trình độ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành.
- Đối với giáo viên mới tuyển dụng, giáo viên mới tiếp nhận nếu không thuộc diện thu hút sẽ bố trí về giảng dạy tại các trường ngoại thành để tạo động lực cho giáo viên phấn đấu...
- Cần quan tâm ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trên cơ sở rà soát cụ thể các công trình cấp thiết; các nhà trường chủ động, xây dựng kế hoạch xã hội hóa, đơn vị liên quan nên có tham mưu văn bản chỉ đạo đối với nhiệm vụ này.
- Về vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nên bám sát các tiêu chuẩn, khơi dậy được sự nỗ lực của giáo viên, thu hút nguồn lực đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; cần nghiên cứu để có giải pháp nâng cao chất lượng giáo viên kể cả giáo viên đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn...
- Kế hoạch tuyển sinh phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch. Đặc biệt phải phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác phân luồng tuyển sinh.