Câu 1:
Bạn cần thấu hiểu người khác bởi “nhân vô thập toàn”. Câu nói của Tôn Tử thường được dịch ra là “biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng” nên diễn dịch chính xác là “hiểu mình, hiểu người”. “Hiểu” sâu đậm và có chiều kích dài rộng hơn “biết”. Có nhiều người biết đến bạn, nhưng rất ít người hiểu bạn.
Có một thống kê điều tra xã hội học cho thấy, trung bình mọi người đều có khoảng 7 tiếng đồng hồ mỗi ngày để giao tiếp, chủ yếu là nghe, nói, đặt câu hỏi, trả lời, trò chuyện, bàn bạc... Nhưng đúng như Hemmingway nhận xét, khi người ta luôn nói và nghe như thế, rất ít người biết lắng nghe. Đôi khi, họ nghe để tìm cách trả lời, chứ không phải là để thấu hiểu.
Khi bạn thấu hiểu người khác, bạn sẽ giao tiếp với họ dễ dàng và dễ thành công hơn. Đó là một lý do quan trọng để rèn luyện kỹ năng này.
3 nhóm kỹ năng
Trước hết, thấu hiểu nghĩa là hiểu đầy đủ và sâu đậm, hiểu và cảm nhận, hiểu bằng sự suy nghĩ trong sáng, khỏe mạnh, lành mạnh và cởi mở, bằng tâm thế cũng trong sáng, khỏe mạnh, lành mạnh và cởi mở, nếu không nói là bao dung, thực sự muốn lắng nghe và thấu hiểu để hướng tới sự đồng cảm. Bạn nên tránh chờ đợi một người “thập toàn” (hay “toàn bích”, “hoàn hảo”). Một nền tảng đầy khoan dung là rất quan trọng để hiểu được người khác, cũng chính là giúp hiểu chính mình hơn.
Ở nhóm kỹ năng thứ hai, đó là khi có những kỹ năng xã hội để nhìn thấy cái tốt, cái đẹp của người khác, phân biệt giữa chán ghét một sự việc, một sự vật với chán ghét con người làm việc đó. Bạn có thể phê bình một việc mà bạn không hài lòng và bạn chỉ dẫn người làm việc ấy cách làm phù hợp và tốt hơn. Nếu bạn đặt mình vào góc nhìn hay quan điểm hay hoàn cảnh của người khác, con số 6 của bạn có thể là con số 9 đối với họ.
Abraham Lincoln đã nói về một vị tướng của ông ta như sau: Tôi không thích ông ấy, tôi phải tìm hiểu ông ấy nhiều hơn. Nhà lãnh đạo, nhà quản lý rất nên noi gương Lincoln và cần gạt bỏ mọi thành kiến. Khi bạn ghét một ai đó thì bạn không thể hiểu họ. Bạn chỉ bắt đầu hiểu được họ khi bạn ngưng ghét họ. Để có thể thấu hiểu, đôi khi bạn phải “yêu” những gì “có thể đáng ghét” và không nên ghét những gì thật ra “có thể đáng yêu”.
Trong nhóm kỹ năng thứ ba, sự lắng nghe thấu hiểu đòi hỏi kỹ năng đọc được ngôn ngữ của cơ thể, nghe được những gì chưa được nói ra cũng như ẩn ý trong những câu nói. Bạn nghĩ gì khi thấy một cô gái nói với đôi mắt ngấn lệ: “Bây giờ tôi rất hạnh phúc”? Người ấy có thể vừa trải qua hoặc có một quá khứ rất đau buồn, bất hạnh. Bạn cần gom nhặt những thông tin, sự việc và dữ liệu liên quan để không bị rơi vào vòng luẩn quẩn: suy nghĩ và cảm nhận sai dẫn đến phòng vệ/phòng thủ/đề phòng, dễ dẫn đến tranh luận/tranh cãi, rất dễ dẫn đến hiểu lầm rồi dẫn đến bất đồng, mà đã bất đồng thì càng củng cố những suy nghĩ cũ và cảm nhận có thể càng sai lạc hơn. Vòng xoắn đó chỉ làm người ta xa nhau.
Chấp nhận nhau, tôn trọng nhau là kỹ năng cần thường xuyên áp dụng và rèn luyện.
Vừa khoan dung, vừa đánh giá chuẩn xác là một phần của nghệ thuật “thấu hiểu người khác”.
5 lời khuyên
Cũng có thể tóm tắt như sau:
1. Hãy thực sự mong muốn được hiểu người khác với tấm lòng bao dung.
2. Hãy tách biệt con người và sự việc, không vội vàng phê phán suy nghĩ và hành động của bất cứ ai mà nên cố gắng hiểu sự việc từ góc nhìn của họ để đánh giá tốt hơn.
3. Hãy có sự đồng cảm và tạo điều kiện tốt để họ nói chuyện với bạn mà không bị áp lực.
4. Thu thập và kết nối xâu chuỗi các dữ liệu thông tin để có một cái nhìn đầy đủ hơn.
5. Hãy kiểm soát thái độ để nghe và thấu hiểu thực sự.
Đây là tóm lược của kỹ năng mềm “thấu hiểu người khác” nhưng không có nghĩa là con người của bạn phải “mềm” đi. Thái độ mềm mỏng của bạn, sự đồng cảm của bạn thể hiện một văn hóa ở bậc cao, nâng tầm thấu hiểu về cảm nhận của người khác. Chính đây là sự khác biệt trong cách tiếp cận và phân tích giữa con người và một cái máy. Để hiểu cái máy, có thể bạn chỉ cần sự hiểu biết về khoa học kỹ thuật, sự quan sát tinh tế và kinh nghiệm. Nhưng với con người, bạn cần nắm vững tâm lý, hiểu hoàn cảnh, thông cảm cho mọi khiếm khuyết và sửa đổi nó bằng tình thương.
Những lợi ích khi “thấu hiểu người khác”
Rất nhiều nỗi đau trong cuộc sống đều do không thấu hiểu chính mình và không thấu hiểu người khác. Ngay trong những lĩnh vực vĩ mô quan trọng như kinh tế chính trị, văn hóa, chủng tộc và cả tôn giáo, thế giới đã đúc kết được rằng: hòa bình, sự an bình để phát triển bền vững không phải được gìn giữ chỉ bằng sức mạnh mà trước hết và quan trọng hơn hết là bằng sự thấu hiểu.
Thấu hiểu để bạn làm việc đúng, làm việc hiệu quả hơn và để hiểu chính mình, biết cách vận động và vận dụng những yếu tố đưa đến thành công. Thấu hiểu không phải chỉ để thấu hiểu hay thỏa óc tò mò. Thấu hiểu giúp bạn hành động và phản xạ phù hợp, thể hiện được văn hóa và bản lĩnh.
Người lãnh đạo và quản lý rất cần rèn luyện kỹ năng thấu hiểu người khác. Chính trong quá trình tìm cách thấu hiểu người khác mà họ sử dụng tốt các ưu điểm của mọi người và của bộ máy, hạn chế khuyết điểm và những thiệt hại, rủi ro, nguy cơ có thể xảy ra. Bạn sẽ có một tầm nhìn xa và một cái tâm tuyệt vời dù gánh nặng mà vẫn đi xa.
Không thể có tình thương, tình yêu đúng nghĩa nếu không thấu hiểu. Hiểu mới thương và thương thì dễ thấu hiểu người khác hơn. Những cặp tình nhân thường hiểu được cả những điều không nói ra là vì vậy.
Nói tóm lại, thấu hiểu người khác vừa là yêu cầu vừa là mục đích, cũng vừa là phương cách tuyệt vời để xử lý tình huống và đưa ra các quyết định đúng, là khởi đầu cho mọi thái độ và hành động tốt, mọi hiệu quả dẫn đến thành công và hoàn thiện bản lĩnh.
Hiểu được người khác cần hơn cả việc mình được người khác hiểu. Hiểu được người khác để giao tiếp và làm việc tốt hơn, sống bao dung và được nể trọng hơn, có ảnh hưởng sâu rộng hơn. “Nhân vô thập toàn” nhưng luôn hướng đến sự hoàn hảo. Kỹ năng thấu hiểu người khác là một kỹ năng và cách sống không thể bị xao nhãng.
Bạn sẽ thành công hơn với khả năng hiểu mình, hiểu người và thấu hiểu thực sự. Chúc bạn thành công!