Những yếu tố tác động tới giá thành ngành chăn nuôi lợn
Thứ nhất, nguồn cung trong nước chưa cân đối với nhu cầu
Giá cả có mối tương quan đến nguồn cung, là đại lượng biểu hiện của sản lượng hàng hóa được cung ứng ra thị trường. Giá thịt lợn sẽ giảm, trở về mức cân bằng khi nguồn cung thỏa mãn về lượng theo nhu cầu của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng trong từng thời điểm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhu cầu lợn thịt xuất chuồng trung bình mỗi quý năm 2018, thời điểm trước khi nước ta xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi khoảng 920 nghìn tấn, nhưng sản lượng thịt xuất chuồng mới đạt hơn 811 nghìn tấn, còn thiếu hụt khoảng 100 nghìn tấn/quý.
Thứ hai, giá thịt lợn tăng cao do còn chịu tác động lưu thông qua nhiều khâu trung gian
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi lợn hơi được xuất chuồng, đến khi sản phẩm thịt đến tay người tiêu dùng phải qua từ hai đến năm khâu trung gian, như thương lái thu gom lợn hơi, trung gian giết mổ, thương lái bán buôn, thương lái bán lẻ, chi phí nhiều khâu trước khi đến chợ dân sinh… làm giá thành đội lên trên đơn vị thịt lợn tăng khoảng 43% khi đến tay người tiêu dùng.
Thứ ba, thịt lợn nhập khẩu đông lạnh chưa thay thế được thịt lợn tươi sống trong nước
Mặc dù được tăng cường nhập khẩu nhưng lượng thịt thực nhập vẫn chưa hỗ trợ, bù đắp sự thiếu hụt do sản xuất trong nước còn thiếu. Mặt khác, do thói quen sử dụng thịt tươi của người tiêu dùng trong nước nên thịt nhập khẩu khó tiếp cận thị trường dân sinh, người tiêu dùng ở nông thôn, thậm chí ở các đô thị.
Thứ tư, chi phí đầu vào chăn nuôi còn cao
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao làm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng. Thức ăn chăn nuôi hỗn hợp ở nước ta cao hơn một số nước trong khu vực có lúc trên 10%. Chi phí phòng, chống dịch bệnh tăng cao do phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng thuốc sát trùng,… đã đẩy giá thịt lợn tăng cao hơn.
Thứ năm, sản phẩm thịt và giống lợn còn gặp các nguy cơ thẩm lậu qua biên giới, các công cụ điều tiết thị trường còn thiếu
Giá thịt lợn của một số nước trong khu vực tăng cao, do không kiểm soát được dịch bệnh, nên nguy cơ thẩm lậu lợn thịt, lợn giống từ thị trường trong nước ra nước ngoài lớn. Mặt khác, một số mặt hàng thịt chưa được đưa vào danh mục mặt hàng thiết yếu, Nhà nước cần quản lý, bình ổn giá; các công cụ điều tiết thị trường của Nhà nước chưa thật sự phát huy hiệu quả...