NEW YORK, ngày 27 tháng 8 năm 2020 - Ít nhất một phần ba của trẻ em trên thế giới, tức là khoảng 463.000.000 trẻ em trên toàn cầu, đã không thể học từ xa khi các trường học bị đóng cửa vì COVID-19, theo một báo cáo mới của UNICEF công bố hôm nay, tại thời điểm các quốc gia trên thế giới đang chuẩn bị cho kế hoạch “trở lại trường” của trẻ em.
"Đối với ít nhất 463.000.000 trẻ em mà trường học bị đóng cửa do COVID-19, các em không hề biết đến cái gọi là học từ xa", bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF phát biểu. "Số lượng lớn trẻ em bị gián đoạn việc học tập trong nhiều tháng liên tục đe dọa nền giáo dục toàn cầu và sẽ để lại hậu quả cho kinh tế và xã hội trong nhiều thập kỷ tới."
Tại thời kỳ đỉnh điểm khi toàn quốc hoặc địa phương bị phong tỏa, có gần 1,5 tỉ học sinh đã bị ảnh hưởng do trường học bj đóng cửa. Báo cáo với tiêu đề “Học tập từ xa và khả năng tiếp cận” đã chỉ ra những hạn chế của việc học từ xa và cho thấy sự bất bình đẳng sâu sắc trong việc tiếp cận giáo dục.
Báo cáo sử dụng các phân tích mang tính đại diện toàn cầu về các trang thiết bị và công cụ kỹ thuật cần thiết cho việc học từ xa tại các gia đình của học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, với số liệu từ 100 quốc gia. Số liệu bao gồm khả năng tiếp cận truyền hình, phát thanh và Internet, cũng như việc có các chương trình giảng dạy được thực hiện trên các nền tảng này trong thời gian trường học đóng cửa.
Mặc dù các con số trong báo cáo đã cho thấy tình hình đáng lo ngại về việc nhiều trẻ em không được học từ xa trong thời gian trường học bị đóng cửa, nhưng UNICEF cảnh báo tình hình có thể còn tồi tệ hơn. Ngay cả khi gia đình có thiết bị và kết nối internet ở nhà, trẻ em vẫn có khả năng không được học từ xa vì các em phải làm việc nhà, bị buộc phải đi làm, hoặc do không được khuyến khích học tập hay thiếu sự hỗ trợ cần thiết để có thể theo học các chương trinh trực tuyến hoặc qua phát thanh truyền hình.
Báo cáo nêu bật sự bất bình đẳng lớn trong các khu vực. Học sinh ở châu Phi cận Sahara bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với một nửa học sinh không được học từ xa.
Theo báo cáo, học sinh từ các hộ gia đình nghèo nhất và những người sống ở các vùng nông thôn hiện là những nhóm có nhiều nguy cơ không được học từ xa trong thời gian trường học đóng cửa. Trên toàn cầu, 72% học sinh không được học từ xa là những em thuộc các gia đình đình nghèo nhất. Ở các quốc gia có thu nhập trung bình cao, trẻ em từ các hộ gia đình nghèo nhất chiếm tới 86% số học sinh không được học từ xa. Trên toàn cầu, ba phần tư của trẻ em không được học từ xa sống ở nông thôn.
Báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ học từ xa khác nhau trong các nhóm tuổi, theo đó, các học sinh nhỏ tuổi nhất có khả năng cao nhất bỏ lỡ học tập từ xa trong những năm tháng quan trọng nhất về học tập và phát triển:
- Khoảng 70% trẻ em ở lứa tuổi mầm non - khoảng 120 triệu trẻ em, không thể tiếp cận học từ xa, chủ yếu là do những thách thức và hạn chế trong việc học từ xa cho trẻ nhỏ, thiếu các chương trình học từ xa cho lứa tuổi này , và thiếu các trang thiết bị cho việc học tập từ xa tại gia đình.
- Ít nhất 29% học sinh tiểu học - khoảng 217 triệu học sinh và ít nhất khoảng 24% học sinh trung học cơ sở - khoảng 78 triệu học sinh, không được học từ xa.
- Học sinh phổ thông trung học là nhóm ít bị bỏ lỡ cơ hội học từ xa nhất với 18% - khoảng 48 triệu học sinh, không có trang thiết bị để học từ xa.
UNICEF kêu gọi các chính phủ ưu tiên mở cửa lại các trường học một cách an toàn khi tình trạng phong tỏa, cách ly được nới lỏng. Khi không thể mở cửa trở lại, UNICEF kêu gọi các chính phủ đưa các chương trinh học bù cho thời gian học tập bị gián đoạn vào chương trinh học tập thường xuyên và kế hoạch mở lại trường học. Các chính sách và quy định về việc đi học lại cần bao gồm việc mở rộng tiếp cận giáo dục, trong đó chủ yếu liên quan đến việc học tập từ xa, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương. Hệ thống giáo dục cũng cần được điều chỉnh và thiết lập để có khả năng đứng vững trong các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Hướng dẫn của UNICEF về việc mở cửa lại trường học, ban hành cùng với UNESCO, UNHCR, WFP và Ngân hàng thế giới, cung cấp lời khuyên thiết thực cho các cơ quan chính phủ cấp quốc gia và địa phương. Hướng dẫn đề cập chủ yếu đến việc cải cách chính sách; yêu cầu tài chính; hoạt động an toàn; học bù; chăm sóc sức khỏe, bảo vệ và tiếp cận đến những trẻ em bị thiệt thòi nhất.
Trong khuôn khổ chiến dịch Reimagine (Đổi mới tư duy) với mục đích ngăn chặn không để đại dịch COVID-19 trở thành cuộc khủng hoảng lâu dài đối với trẻ em, đặc biệt là với những trẻ em nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, UNICEF kêu gọi đầu tư khẩn cấp để giảm khoảng cách trong kỹ thật số, để tất cả trẻ em đều có thể học từ xa và đặc biệt là ưu tiên mở cửa lại các trường học một cách an toàn.
###
Ghi chú cho biên tập viên:
Báo cáo sử dụng dữ liệu từ các Khảo của chung của Ngân hàng thế giới, UNESCO và UNICEF về Hoạt động ứng phó của ngành Giáo dục của các quốc gia trong việc đóng cửa trường học do COVID-19. Số lượng trẻ em có thể tiếp cận được bằng các phương tiện phát thanh truyền hình hoặc Internet được tính toán dựa trên số các gia đình có trang thiết bị liên quan (TV, radio và Internet) ở nhà, không phải số liệu trẻ em thực tế sử dụng các trang thiết bị này. Do đó số lượng trẻ em "có thể tiếp cận được" là ước tính nhiều hơn thực tế của trẻ em "thực sự được tiếp cận". Số trẻ em tiếp cận được với tài liệu học tập in trên giấy không được tính đến do không có dữ liệu đáng tin cậy.
Báo cáo không phân tích các yếu tố liên quan đến trẻ em ngoài trường học. Các dữ liệu cập nhật về trẻ em ngoài trường học: https://www.UNICEF.org/Sites/Default/Files/2019-12/SOWC-2019.PDF
Tải tài liệu đa phương tiện tại đây.
Về các chiến dịch Reimagine (Đổi mới tư duy)
Nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, UNICEF đã thực hiện chiến dịch Reimagine (Đổi mới tư duy) - một kiến nghị khẩn cấp đối với các chính phủ, công chúng, các nhà tài trợ, các doanh nghiệp để hỗ trợ các nỗ lực của UNICEF trong việc ứng phó, phục hồi và đổi mới tư duy về một thế giới hiện đang bị đại dịch COVID-19 bao vây. Cùng nhau, chúng ta có thể ngăn chặn đại dịch này trở thành một cuộc khủng hoảng lâu dài cho trẻ em-đặc biệt là những trẻ em dễ bị tổn thương nhất-và đổi mới tư duy về một thế giới tốt hơn cho mọi trẻ em.