Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chín năm trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chính quyền giành được chưa đầy ba tháng, Đảng bộ mới ra đời đã phải trực tiếp chống địch tiến công lấn chiếm trên cả hai mặt trận phía tây và phía nam, rồi cả tỉnh trở thành vùng chiếm đóng của địch.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Bác Hồ, sự chỉ đạo của Liên khu ủy, được sự chi viện của cả nước, đặc biệt là của các tỉnh Trung Trung Bộ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết chiến đấu kiên cường, giành được những thắng lợi ngày càng to lớn. Từ chỗ bị địch ồ ạt tiến công chiếm đóng, cơ quan chỉ đạo và phần lớn lực lượng chuyển về vùng tự do Bình Định, quân và dân Gia Lai đã nhanh chóng tạo dựng bàn đạp tại chỗ, phát triển lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, xây dựng và mở rộng các khu căn cứ du kích, đánh địch cả về quân sự, chính trị, kinh tế, thực hiện phương châm: “biến hậu phương địch thành tiền phương ta”.
Cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân Gia Lai đã làm thất bại từng bước âm mưu nham hiểm, xảo quyệt của quân thù, tiến lên giải phóng, làm chủ đại bộ phận vùng nông thôn, siết chặt vòng vây quân địch ở thị xã Pleiku và thị trấn Cheo Reo, góp phaàn cùng quân và dân cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, chuẩn bị lực lượng để bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Từ thực tiễn sinh động của cuộc kháng chiến ở địa phương, Đảng bộ tỉnh Gai Lai đã đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báu:
- Đảng bộ quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc của Đảng trên chiến trường rừng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kiên trì tuyên truyền, vận động, phát động quần chúng đứng lên kháng chiến dưới mọi hình thức. Xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ cán bộ chính trị vận động xây dựng chính quyền, cán bộ các đoàn thể quần chúng, các đội vũ trang tuyên truyền, các bộ phần công tác chuyên môn trong công tác gây dựng cơ sở, giáo dục, giác ngộ quần chúng đấu tranh. Phối hợp chặt chẽ các hoạt động quân sự với việc duy trì, phát triển cơ sở, phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh.
- Nhanh chóng tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng và bảo vệ căn cứ kháng chiến làm nòng cốt cho phong trào chiến tranh nhân dân ở địa phương.
Cùng với xây dựng cơ sở chính trị, Đảng bộ đã nhanh chóng xây dựng nhiều chiến khu, làng kháng chiến trong tỉnh như Xóm Ké, Ya Hội, Sơtơr, La Bà, Hơnờng, Đất Bằng, hình thành những vùng căn cứ du kích rộng lớn, liên hoàn ở nam, bắc đường 19, tạo chỗ dựa vững chắc cho phong trào du kích chiến tranh phát triển và là căn cứ an toàn cho các cơ quan lãnh đạo của tỉnh và huyện. Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương từ những đơn vị dân quân trong làng, xã, phát triển thành những trung đội du kích, đại đội tập trung...bám trụ địa bàn, vừa xây dựng vừa chiến đấu, tiêu hao, tiêu diệt quân địch, củng cố cơ sở bảo vệ căn cứ, hỗ trợ quần chúng đấu tranh. Tổ chức và lãnh đạo phong trào du kích chiến tranh trên địa bàn miền núi, phát huy được sức mạnh tại chỗ của đồng bào dân tộc thiểu số phối hợp với lực lượng chủ lực, tiến công địch, giải phóng đất đai, nhân dân, là thành công lớn của Đảng bộ.
- Tăng cường khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc. Đảng bộ coi trọng công tác giáo dục quan điểm quần chúng, chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ; chăm lo củng cố và tăng cường khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết Kinh - Thượng để phục vụ kháng chiến lâu dài. Đảng bộ quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu đặc điểm, tâm lý, tập quán của từng dân tộc, từng vùng, có hình thức tổ chức, phương thức vận động phong phú, thích hợp; nhiều tổ chức đoàn thể, các giới thanh niên, phụ nữ, phụ lão; tranh thủ những người thuộc tầng lớp trên, các già làng, các chức sắc tôn giáo, đề cao nhân sĩ yêu nước tiêu biểu có uy tín trong dân tộc với vận động quần chúng lao động. Luôn nhận thức vấn đề đoàn kết dân tộc là yêu cầu tự thân của sự nghiệp cách mạng, là cốt lõi của chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ, Đảng bộ coi việc đào tạo, bồi dưỡng kèm cặp, đề bạt cán bộ người dân tộc thiểu số vào cơ quan chỉ đạo các cấp.
- Vừa kháng chiến, vừa xây dựng kinh tế, văn hóa để phục vụ kháng chiến lâu dài. Trong kháng chiến chống Pháp, Gia Lai là một tỉnh miền núi, kinh tế nghèo nàn lạc hậu, trình độ dân trí văn hóa thấp, lại bị địch bao vây, bóp nghẹt đời sống kinh tế, văn hóa, nhân dân suốt những năm kháng chiến chịu nhiều gian khổ. Phấn đấu thực hiện chủ trương “thực túc binh cường”, “tăng gia sản xuất, cải thiện dân sinh, tiến tới thực hiện tiếp tế tại chỗ”, là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.
Vận động nhân dân, cơ quan, bộ đội thực hiện các phong trào sản xuất, tổ chức các trạm thu mua, tiếp tế, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp giống, nông cụ, muối, đẩy mạnh sản xuất tự túc... Đồng thời, Đảng bộ chăm lo công tác giáo dục văn hóa cho con em các tầng lớp nhân dân; tổ chức các trường tiểu học nội trú cho con em các dân tộc ở trong tỉnh. Phong trào thực hiện đời sống mới được gây dựng; nạn đói cơm, thiếu muối kinh niên từng bước được giải quyết. Đời sống nhân dân trong các vùng căn cứ, vùng du kích được cải thiện dần. Nhân dân đã hăng hái đóng góp cho Nhà nước hàng trăm tấn lương lực, thực phẩm để phục vụ các chiến dịch quân sự và phục vụ nhu cầu các lực lượng trụ bám trên chiến trường Bắc Tây Nguyên. Tuy mới chỉ là những kết quả ban đầu, nhưng đó là một mặt kinh nghiệm của việc thực hiện đường lối cách mạng dân tộc dân chủ của Đảng trong việc tổ chức xây dựng phong trào, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng kinh tế, văn hóa kháng chiến phát triển của Đảng bộ.
- Xây dựng Đảng bộ vững mạnh là nhân tố quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến ở địa phương. Đảng bộ Gia Lai vừa ra đời đã tăng cường công tác xây dựng tổ chức Đảng, lãnh đạo cuộc kháng chiến. Đảng bộ vẫn duy trì liên tục hệ thống tổ chức Đảng các cấp, đảm bảo lãnh đạo thông suốt nhiệm vụ kháng chiến qua các thời kỳ. Qua chiến đấu thử thách, cùng với cán bộ, đảng viên do Trung ương và Liên khu V tăng cường cho tỉnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở phát triển hình thành lực lượng lãnh đạo, cốt cán đa dạng cho phong trào địa phương, phát triển nhiều đảng viên người dân tộc tại chỗ.
Đảng bộ đã kết hợp giáo dục chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa cộng sản; đưa lý tưởng của Đảng thâm nhập đạt kết quả vào phong trào quần chúng trong một xã hội chưa phân hóa giai cấp rõ nét, hầu hết nhân dân đều mù chữ. Những đảng viên từ nơi khác đến đã kiên trì giác ngộ quần chúng, hình thành được tổ chức chính trị, vũ trang; trên cơ sở đó tiến lên phát triển đảng viên, lập tổ chức Đảng trong các buôn làng. Quyết tâm khắc phục những tư tưởng lệch lạc như “tư tưởng dân tộc lớn”, coi thường những “đặc điểm dân tộc”, chống tư tưởng “dân tộc hẹp hòi”... của Đảng bộ Gia Lai trong kháng chiến chống Pháp đã tích cực kết nạp được những đảng viên đầu tiên trong nam nữ thanh niên ưu tú đồng bào dân tộc, cả nhân sĩ trí thức người dân tộc tiến bộ theo đúng điều lệ của Đảng, vận dụng điều kiện cụ thể của địa phương để xem xét kết nạp đảng viên người đồng bào dân tộc thiểu số; tăng thành phần đảng viên người đồng bào dân tộc thiếuố ở các cấp ủy Đảng. Chú trọng chỉnh huấn quân, bồi dưỡng nhận thức và tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, cán bộ người Kinh với cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số... tạo sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện đường lối kháng chiến của Đảng.
Những bài học kinh nghiệm quý báu của Đảng bộ, quân và dân Gia Lai trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược chính là cơ sở vững chắc để Đảng bộ và nhân dân Gia Lai bước vào thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam (1954-1975)