Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT
1. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm
Tính đến thời điểm 20/12/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 16,47% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 13,55%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 16,88% (cùng kỳ năm 2015 tăng 13,59%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 16,46%.
Thị trường bảo hiểm năm 2016 duy trì tăng trưởng tích cực. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước tính tăng 22,1% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 30,5%; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 12,5%. Tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc trong bảo hiểm phi nhân thọ ước tính 32,98% (cùng kỳ năm 2015 là 41,47%).
2. Xây dựng, đầu tư
b. Xây dựng
Giá trị sản xuất xây dựng năm 2016 theo giá so sánh 2010 ước tính tăng 10,1% so với năm 2015, bao gồm: Khu vực Nhà nước tăng 1,7%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 12,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 10,9%. Trong tổng giá trị sản xuất, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà ở tăng 13,6%; công trình nhà không để ở giảm 2,5%; công trình kỹ thuật dân dụng tăng 13,1%; hoạt động xây dựng chuyên dụng tăng 11,8%.
b. Đầu tư phát triển
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2016 theo giá hiện hành ước tính đạt 1.485,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2015 và bằng 33% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 557,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,6% tổng vốn và tăng 7,2%; vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 579,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 39% và tăng 9,7%; vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 347,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,4% và tăng 9,4%.
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện năm 2016 ước tính đạt 268,6 nghìn tỷ đồng, bằng 97,8% kế hoạch năm và tăng 15,1% so với năm 2015, trong đó vốn trung ương quản lý đạt 62,6 nghìn tỷ đồng, bằng 95,3% và tăng 14,9%; vốn địa phương quản lý đạt 206 nghìn tỷ đồng, bằng 98,6% và tăng 15,2%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 26/12/2016 thu hút 2.556 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15.182,3 triệu USD, tăng 27% về số dự án và giảm 2,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, có 1.225 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5.765,1 triệu USD, tăng 50,5% về số dự án và giảm 19,7% về vốn tăng thêm. Trong năm 2016 có 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần (với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện) với tổng vốn đầu tư là 3.425,3 triệu USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần trong năm 2016 đạt 24.372,7 triệu USD, tăng 7,1% so với năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2016 ước tính đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, đạt mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay.
3. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2016 ước tính đạt 943,3 nghìn tỷ đồng, bằng 93% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 744,9 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9%; thu từ dầu thô đạt 37,7 nghìn tỷ đồng, bằng 69,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 156,2 nghìn tỷ đồng, bằng 90,8%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2016 ước tính đạt 1.135,5 nghìn tỷ đồng, bằng 89,2% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 190,5 nghìn tỷ đồng, bằng 74,7%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 786 nghìn tỷ đồng, bằng 95,4%; chi trả nợ và viện trợ đạt 150,3 nghìn tỷ đồng, bằng 96,9%.
4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
a. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 ước tính đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm trước (Năm 2015 tăng 7,9%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 50,0 tỷ USD, tăng 4,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 125,9 tỷ USD, tăng 10,2% (Nếu không kể dầu thô, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 123,5 tỷ USD, tăng 11,8%). Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 đạt 179,2 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2015.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2016 ước tính đạt 173,3 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 71,1 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 102,2 tỷ USD, tăng 5,1%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2016 đạt 183 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2015. Cán cân thương mại hàng hóa tính chung cả năm 2016 xuất siêu 2,68 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21,02 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 23,70 tỷ USD.
b. Xuất, nhập khẩu dịch vụ
Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2016 ước tính đạt 12,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2015, trong đó dịch vụ du lịch đạt 8,3 tỷ USD, chiếm 67,3% và tăng 12,2%; dịch vụ vận tải 2,4 tỷ USD, chiếm 20% và tăng 0,7%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ năm 2016 ước tính đạt 17,7 tỷ USD, tăng 7% so với năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 8,9 tỷ USD, chiếm 50,6% và tăng 3,8%; dịch vụ du lịch 4,5 tỷ USD, chiếm 25,4% và tăng 27,9%. Nhập siêu dịch vụ năm 2016 là 5,4 tỷ USD, bằng 44,1% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.
5. Chỉ số giá
a. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2016 tăng 0,23% so với tháng trước, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 5,30% (dịch vụ y tế tăng 6,93%) do trong tháng có 4 tỉnh, thành phố[4] thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế bước 2 theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính (tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,27%). Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25% do nhu cầu mua sắm hàng mùa đông tăng lên; đồ uống và thuốc lá tăng 0,21%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,19% do giá gas còn ảnh hưởng từ đợt tăng giá tháng trước và nhu cầu sửa chữa nhà ở tăng cao trong những tháng cuối năm; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm: Giao thông giảm 0,89%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,03%, trong đó lương thực tăng 0,22%[5], thực phẩm giảm 0,12%; bưu chính viễn thông giảm 0,03%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%. Riêng nhóm giáo dục giá không đổi so với tháng trước.
CPI tháng 12/2016 tăng 4,74% so với tháng 12/2015, bình quân mỗi tháng tăng 0,4%. CPI bình quân năm 2016 tăng 2,66% so với bình quân năm 2015. Mức tăng CPI tháng 12/2016 so với cùng kỳ năm 2015 và mức tăng CPI bình quân năm 2016 so với bình quân năm 2015 tăng cao hơn so với năm trước, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng CPI bình quân của một số năm gần đây, đồng thời vẫn nằm trong giới hạn mục tiêu 5% mà Quốc hội đề ra.
Lạm phát cơ bản tháng 12/2016 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,87% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2016 tăng 1,83% so với bình quân năm 2015.
b. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 12/2016 giảm 2,52% so với tháng trước; tăng 10,98% so với cùng kỳ năm 2015; bình quân năm 2016 tăng 5,95% so với năm 2015. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2016 tăng 1,52% so với tháng trước và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2015; bình quân năm 2016 tăng 2,23% so với năm 2015.
c. Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016 tăng 1,71% so với năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,49%; chỉ số giá cước vận tải, kho bãi giảm 1,77%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 2,38%.
Chỉ số giá xuất khẩu năm 2016 giảm 1,83% so với năm trước; chỉ số giá nhập khẩu năm 2016 giảm 5,35% so với năm 2015. Tỷ giá thương mại hàng hóa[6] năm nay tăng 3,72% so với năm trước.
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Dân số trung bình năm 2016 của cả nước ước tính 92,70 triệu người, tăng 987,8 nghìn người, tương đương tăng 1,08% so với năm 2015, bao gồm dân số thành thị 32,06 triệu người, chiếm 34,6%; dân số nông thôn 60,64 triệu người, chiếm 65,4%; dân số nam 45,75 triệu người, chiếm 49,4%; dân số nữ 46,95 triệu người, chiếm 50,6%.
Theo kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2016, tổng tỷ suất sinh năm nay ước tính đạt 2,09 con/phụ nữ; tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh là 112,2 bé trai/100 bé gái; tỷ suất sinh thô là 15,74‰; tỷ suất chết thô là 6,83‰; tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi là 14,52‰; tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi là 21,80‰. Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2016 là 73,4 năm, trong đó nam là 70,8 năm và nữ là 76,1 năm.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2016 ước tính là 54,4 triệu người, tăng 455,6 nghìn người so với năm 2015, bao gồm: Lao động nam 28,1 triệu người, chiếm 51,6%; lao động nữ 26,3 triệu người, chiếm 48,4%. Xét theo khu vực, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 17,5 triệu người, chiếm 32,1%; khu vực nông thôn là 36,9 triệu người, chiếm 67,9%.
Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động của cả nước năm 2016 ước tính 47,7 triệu người, tăng 275,9 nghìn người so với năm trước, trong đó lao động nam 25,8 triệu người, chiếm 54,1%; lao động nữ 21,9 triệu người, chiếm 45,9%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động khu vực thành thị là 16,0 triệu người, chiếm 33,4%; khu vực nông thôn là 31,8 triệu người, chiếm 66,6%.
Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2016 ước tính 53,3 triệu người, tăng 451,1 nghìn người so với năm 2015. Trong tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2016, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 41,9%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 24,7%; khu vực dịch vụ chiếm 33,4%. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2016 khu vực thành thị chiếm 31,9%; khu vực nông thôn chiếm 68,1%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo năm 2016 ước tính đạt 20,6%, cao hơn mức 19,9% của năm trước.
Số người có việc làm trong quý I năm nay ước tính là 53,3 triệu người, tăng 861,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; quý II là 53,2 triệu người, tăng 708,7 nghìn người; quý III là 53,3 triệu người, tăng 104,6 nghìn người; quý IV là 53,4 triệu người, giảm 96,2 nghìn người.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2016 là 2,30%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,86%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (Từ 15-24 tuổi) năm 2016 là 7,34%, trong đó khu vực thành thị là 11,30%; khu vực nông thôn là 5,74%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động năm 2016 là 1,64%, thấp hơn mức 1,89% của năm 2015 và 2,40% của năm 2014, trong đó khu vực thành thị là 0,73%; khu vực nông thôn là 2,10%. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản[7] năm 2016 ước tính là 55,9%, trong đó khu vực thành thị là 47,0%; khu vực nông thôn là 64,1%.
Năng suất lao động xã hội[8] của toàn nền kinh tế năm 2016 theo giá hiện hành ước tính đạt 84,5 triệu đồng/lao động (Tương đương khoảng 3853 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2016 ước tính tăng 5,31% so với năm 2015. Theo khu vực kinh tế, năng suất lao động bình quân trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt thấp nhất với 32,9 triệu đồng/lao động; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 112,0 triệu đồng/lao động; khu vực dịch vụ đạt 103,5 triệu đồng/lao động.
Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm[9] nhưng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Xin-ga-po; 17,4% của Ma-lai-xi-a; 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Phi-li-pin và 48,8% của In-đô-nê-xi-a.
Năm 2016, cả nước có 265,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, tăng 16,7% so với năm trước, tương ứng với 1.099 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, tăng 16,4%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 19,4 nghìn tấn lương thực, riêng tháng 12/2016 hỗ trợ 988 tấn lương thực.
Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 ước tính 5,8%-6,0%. Nếu theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo ước tính khoảng 10%.
Theo báo cáo sơ bộ, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong năm 2016 là 7303 tỷ đồng, bao gồm: 3786 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 2470 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 1047 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, đã có hơn 18,3 triệu bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí đã được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.
Tại thời điểm khai giảng năm học 2016-2017, cả nước có trên 4,9 triệu trẻ em đi học mầm non, bao gồm 0,7 triệu trẻ em đi nhà trẻ và 4,2 triệu trẻ em đi học mẫu giáo; 15,7 triệu học sinh phổ thông đến trường, bao gồm 7,7 triệu học sinh tiểu học; 5,5 triệu học sinh trung học cơ sở và 2,5 triệu học sinh trung học phổ thông.
Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trong đó 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2.
Năm 2016, cả nước có gần 47,5 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (1 trường hợp tử vong); 106,3 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (36 trường hợp tử vong); 469 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 962 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (34 trường hợp tử vong); 59 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu (5 trường hợp tử vong) và 152 trường hợp nhiễm vi rút Zika.
Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 17/12/2016 là 231,6 nghìn người, trong đó 87,8 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Số người tử vong do AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 89,5 nghìn người.
Năm 2016, trên địa bàn cả nước xảy ra 129 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 4.139 người bị ngộ độc, trong đó 12 trường hợp tử vong.
Hoạt động văn hóa năm 2016 tập trung chào mừng các ngày Lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước; chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Các hoạt động văn hóa được tổ chức dưới nhiều hình thức, bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; tạo không khí hồ hởi, phấn khởi trong nhân dân.
Trong năm 2016, ngành Thể dục thể thao tiếp tục duy trì và đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Tại Thế vận hội Paralympic Rio 2016, đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam đã xuất sắc đoạt 01 huy chương vàng; 01 huy chương bạc và 02 huy chương đồng, xếp thứ 55/83 đoàn giành được huy chương trong tổng số 162 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.
Hoạt động thể thao thành tích cao đạt được nhiều kết quả nổi bật, giành được 1097 huy chương trong các giải đấu, bao gồm: 51 huy chương tại đấu trường thế giới (13 huy chương vàng, 15 huy chương bạc, 23 huy chương đồng); 405 huy chương tại đấu trường châu Á (146 huy chương vàng, 124 huy chương bạc, 135 huy chương đồng); 579 huy chương tại đấu trường ASEAN (277 huy chương vàng, 201 huy chương bạc, 151 huy chương đồng) và 12 huy chương tại các giải mở rộng khác. Đặc biệt, Thể thao Việt Nam lần đầu tiên giành được 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc, xếp vị trí thứ 48/206 quốc gia, vùng lãnh thổ tại Thế vận hội Olympic Rio 2016.
Năm 2016, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 21.589 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 10.349 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 11.240 vụ va chạm giao thông, làm 8.685 người chết; 6.180 người bị thương và 13.100 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông năm nay giảm 5,5% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 1,1%; số vụ va chạm giao thông giảm 9,2%); số người chết giảm 0,5%; số người bị thương tăng 3,3% và số người bị thương nhẹ giảm 13,2%. Bình quân 1 ngày trong năm 2016, trên địa bàn cả nước xảy ra 59 vụ tai nạn giao thông, gồm 28 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 31 vụ va chạm giao thông, làm 24 người chết, 17 người bị thương và 36 người bị thương nhẹ.
Trong năm 2016, rét đậm, rét hại trên diện rộng ở miền núi phía Bắc, mưa lũ, ngập lụt nghiêm trọng ở miền Trung, khô hạn ở Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất và đời sống của dân cư. Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai làm 248 người chết và mất tích; 470 người bị thương; gần 4,6 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 361,7 nghìn ngôi nhà bị ngập, sạt lở, tốc mái; 258,3 nghìn ha lúa, 113,2 nghìn ha hoa màu và 49,8 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng; 52,1 nghìn con gia súc, 1.679,5 nghìn gia cầm và hơn 1 nghìn tấn thủy sản các loại bị chết. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm ước tính gần 18,3 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2016 đã phát hiện 14.580 vụ vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 8.249 vụ với tổng số tiền phạt hơn 462 tỷ đồng. Tính chung năm 2016, cả nước xảy ra 3.256 vụ cháy, nổ làm 135 người chết và 278 người bị thương, thiệt hại ước tính 1.474 tỷ đồng.
[1] Mức tăng so với năm trước của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản một số năm: Năm 2011 tăng 4,23%; năm 2012 tăng 2,92%; năm 2013 tăng 2,63%; năm 2014 tăng 3,44%; năm 2015 tăng 2,41%.
[2] Mức tăng/giảm so với năm trước của ngành khai khoáng một số năm: Năm 2011 tăng 2,90%; năm 2012 tăng 5,14%; năm 2013 giảm 0,23%; năm 2014 tăng 2,26%; năm 2015 tăng 6,50%.
[3] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
[4] Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
[5] Chủ yếu do nhu cầu cho chế biến phục vụ hàng Tết Nguyên đán tăng và giá gạo ở một số tỉnh miền Trung tăng cao do ảnh hưởng mưa lũ.
[6] Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa so với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa.
[7] Lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sảnbao gồm những người không làm việc trong khu vực hộ nông nghiệp và thuộc một trong ba nhóm sau: (i) lao động gia đình không được hưởng công hưởng lương; (ii) người chủ hoặc xã viên hợp tác xã của cơ sở chưa có đăng ký kinh doanh và (iii) người làm công ăn lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc.
[8] GDP bình quân 1 lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc.
[9] Năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2011-2016 lần lượt là: 55,2 triệu đồng/người; 63,1 triệu đồng/người; 68,7 triệu đồng/người; 74,7 triệu đồng/người; 79,4 triệu đồng/người; 84,5 triệu đồng/người.
[10] Chưa kể thiệt hại do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Nam Trung Bộ,
Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Vui lòng cung cấp phản hồi của bạn bên dưới:
Bạn đã tìm thấy thông tin này hữu ích?
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |