ường lối đổi mới do Đại hội VI (12.1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, được Đại hội VII, VIII, IX, X, XI, XII và các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương của Đảng bổ sung, cụ thể hóa và phát triển
Đường lối đó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được thực tiễn cuộc sống kiểm nghiệm, khẳng định là đúng đắn. Đường lối đó là cả một quá trình Đảng ta tìm tòi, nghiên cứu tổng kết từ thực tiễn cách mạng nước ta trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp thu có phê phán, chọn lọc kinh nghiệm của cách mạng thế giới, tham khảo kinh nghiệm phát triển của nhiều nước, đặc biệt là các nước trong khu vực.
Đầu thập niên 70 - 80 của thế kỷ XX, trước những sự kiện, những nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội diễn ra với nhịp độ dồn dập, tính chất phức tạp và với một qui mô to lớn chưa từng thấy, tất cả đang đặt ra yêu cầu bức thiết là cần phải có sự phát triển, bổ sung lí luận cho phù hợp mà trước tiên phải có cách nhìn mới, nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội. Đây chính là cơ sở khách quan của đường lối đổi mới, cải cách mà nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã và đang tiến hành, trong đó có Việt Nam.
Một trong những đặc điểm lớn nhất của thời đại là sự phát triển "kiểu dòng thác" chưa từng có trong lịch sử loài người đó chính là thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ được tiến hành từ giữa thế kỉ XX đã tạo ra những lực lượng sản xuất to lớn và mới về chất, góp phần thúc đẩy nhiều quá trình hiện đại của xã hội loài người như: cấu trúc lại các nền kinh tế, thay đổi, chuyển hướng các kết cấu hạ tầng của sản xuất, tăng cường xu thế toàn cầu hóa trên nhiều lĩnh vực quan trọng của các quốc gia, ảnh hưởng to lớn đến các thiết chế xã hội, đến văn hóa, lối sống các dân tộc...
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đã đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa nền kinh tế và đời sống kinh tế thế giới. Các quốc gia lần lượt bị cuốn hút vào quá trình phân công lao động, hợp tác hóa quốc tế và thị trường thế giới...
Tình hình trên vừa tạo ra những thời cơ hiếm có đồng thời cũng đặt ra những thách thức gay go cho mọi quốc gia, đặc biệt là các nước chậm phát triển.
Bên cạnh đó, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, thế giới đang đứng trước những vấn đề toàn cầu và việc giải quyết những vấn đề đó đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của toàn nhân loại, ở các quốc gia với những chế độ chính trị khác nhau. Đó là vấn đề bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh hạt nhân hủy diệt, đó là vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên môi trường, phòng chống bệnh hiểm nghèo, vấn đề bùng nổ dân số, sự nghèo đói...Trước tình hình đó, mỗi quốc gia, dân tộc trong việc lựa chọn con đường phát triển của mình không thể không quan tâm đến những vấn đề chung, vì "giải quyết những vấn đề đó chính là điểm hội tụ, nơi gặp gỡ của các dân tộc vì số phận và tương lai của chính mình cũng như của toàn nhân loại"[1] .
Chính vì vậy, những vấn đề chung của nhân loại trở thành yêu cầu khách quan tác động đến sự phát triển và đổi mới của chủ nghĩa xã hội trong đó có Việt Nam. Và chỉ có như vậy, chủ nghĩa xã hội hiện thực mới chứng minh bản chất ưu việt của mình, chứng minh chủ nghĩa xã hội tất yếu là con đường đi tới của các dân tộc.
Sau hơn 70 năm tồn tại, đến cuối thập niên 80 của thế kỉ XX, toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng toàn diện và sâu sắc. Đứng trước sự thủ thách, nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã tìm cách thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng bằng nhiều cách khác nhau. Trước hết, phải kể đến công cuộc “cải cách, mở cửa” với những thành tựu rõ rệt của Trung Quốc - một nước xã hội chủ nghĩa láng giềng và cuộc “cải tổ” ở Liên Xô - một cường quốc xã hội chủ nghĩa đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới với những diễn biến phức tạp, đầy sóng gió.