1. Biện pháp chơi chữ
Chơi chữ là lợi dụng những hiện tượng đồng âm, đa nghĩa của từ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước… làm câu văn hấp dẫn, thú vị. Chơi chữ thường được dùng trong đời sống sinh hoạt, văn chương trào phúng, câu đố, câu đối.
Các lối chơi chữ thường gặp: Dùng từ đồng âm, dùng lối nói trại âm, dùng lối nói lái, dùng từ ngữ trái nghĩa, đồng nghĩa, gần nghĩa.
Ví dụ 1:
“Nước chảy riu riu,
Lục bình trôi ríu ríu;
Anh thấy em nhỏ xíu, anh thương.”
Ví dụ 2:
“ Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ, có chồng lợi chăng?
Thầy bói gieo quẻ mà rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn.” → Đồng âm.
2. Biện pháp điệp ngữ
Điệp ngữ là biện pháp tu từ nhắc đi nhắc lại nhiều lần một từ, cụm từ làm tăng cường hiệu quả diễn đạt như nhấn mạnh, tạo ấn tượng, gây sự chú ý, gợi liên tưởng, cảm xúc, vần điệu cho người đọc. Từ đó, người ta phân chia làm 3 dạng: điệp ngữ cách quãng, điệp ngữ nối tiếp và điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng). Học sinh cần lưu ý phân biệt giữa điệp ngữ và lỗi lặp từ do có sự giống nhau dễ bị nhầm lẫn.
Ví dụ:
“Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…”
3. Biện pháp liệt kê
Liệt kê là cách sắp đặt các từ ngữ hoặc các cụm từ cùng loại nhằm diễn đạt sâu sắc và đầy đủ hơn các khía cạnh. Liệt kê được chia làm 2 dạng: liệt kê cùng loại và liệt kê không cùng loại. Hoặc có thể chia liệt kê theo thứ tự và không theo trình tự. Biện pháp liệt kê thường được sử dụng trong các tác phẩm văn chương, chính luận, khoa học, được sắp xếp theo trình tự khách quan tùy thuộc vào mục đích của người viết.