Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Thứ nhất, bài viết sử dụng phương pháp so sánh bản chất giữa chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa với chủ nghĩa xã hội. Theo đó chỉ rõ, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó, những bất công xã hội và đời sống của đa số dân cư lao động trong các nước tư bản chủ nghĩa bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc. Đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa chỉ là vì lợi nhuận của giai cấp tư sản. Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra một lần nữa chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của nó. Tổng Bí thư đã phân tích, khẳng định các cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ làm trầm trọng thêm mâu thuẫn vốn có và không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa. Các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua càng làm bộc lộ rõ sự thật về bản chất của các thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa.
Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; đó là yếu tố bản chất nhất để so sánh sự khác nhau giữa chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa và chủ nghĩa xã hội. Hệ thống quyền lực ở các nước tư bản chủ nghĩa vẫn chủ yếu thuộc về giai cấp tư sản (thiểu số giàu có) và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào “99 chống lại 1” diễn ra ở Mỹ đầu năm 2011 và nhanh chóng lan rộng ở nhiều nước tư bản. Trong đời sống chính trị, một khi quyền lực của đồng tiền chi phối thì quyền lực của Nhân dân sẽ bị lấn át. Vì vậy mà tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là “tự do”, “dân chủ” dù có thể thay đổi chính phủ nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản và quyền lực của Nhân dân lao động chỉ là lý thuyết.
Thứ hai, khẳng định mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Tổng Bí thư đã khẳng định bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam xây dựng dựa trên học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực sự vì lợi ích của Nhân dân lao động.
Thứ ba, bản chất kinh tế của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ, vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ. Tổng Bí thư cho rằng đó là “sự sáng tạo của Đảng ta”, vì kinh tế thị trường là giá trị chung của nhân loại, chứ không phải là giá trị riêng của giai cấp tư sản và chủ nghĩa xã hội kế thừa giá trị nhân loại để phát triển hơn là hợp quy luật khách quan.
Thứ tư, về bản chất chính trị của xã hội XHCN mà Việt Nam xây dựng là xã hội của dân, do dân, vì dân và quyền lực thuộc về Nhân dân. Tổng Bí thư khẳng định: “Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân là chủ”. Hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích. Đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Sự khác nhau giữa Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nhà nước pháp quyền tư sản là: “pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số Nhân dân”. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam.
Thứ năm, về bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng là xã hội phát triển hài hòa, tiến bộ, công bằng vì con người. Trong bài viết Tổng Bí thư đã khẳng định ở những nước tư bản thường diễn ra: Những tình huống “phát triển xấu”, những nghịch lý “phản phát triển”, từ địa hạt kinh tế - tài chính đã tràn sang lĩnh vực xã hội, làm bùng nổ các xung đột xã hội… Còn ở nước ta thường xuyên đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các dịch vụ công ích khác, nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa cho Nhân dân. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, thực hiện tốt hơn nữa các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng, nhằm làm cho tổ chức đảng và bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ vững bản chất cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Sự khác biệt rất cơ bản giữa bản chất xã hội của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam với chủ nghĩa tư bản là: chúng ta không chạy theo kinh tế đơn thuần và bằng mọi giá mà luôn luôn gắn kết hài hòa với yếu tố xã hội, bảo đảm lợi ích chân chính của Nhân dân lao động. Sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Việt Nam chưa phải là nước giàu, đang ở giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng khoảng cách giàu nghèo ngày càng thu hẹp, bình đẳng và công bằng xã hội ngày càng được tăng cường. Hiện tượng cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm được xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Mỗi chính sách kinh tế của Đảng là gắn với chính sách xã hội, coi trọng và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vì một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn và vì khuyến khích Nhân dân làm giàu.
Trong xã hội con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Phát triển giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh. Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội. Chúng ta luôn luôn chăm lo thúc đẩy sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo. Xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam…
Thứ sáu, thực tiễn chứng minh bản chất ưu việt của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng. Trong bài viết Tổng Bí thư đã đưa ra dẫn chứng thực tế, với kết quả “Công cuộc đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thực sự đem lại những thay đổi to lớn, rất tốt đẹp cho đất nước trong 35 năm qua” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó đáng chú ý: Về kinh tế, trước Đổi mới (năm 1986), Việt Nam vốn là một nước nghèo lại bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề, để lại những hậu quả hết sức to lớn cả về người, về của và môi trường sinh thái. Sau chiến tranh, Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt cấm vận kinh tế với Việt Nam trong gần 20 năm… Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ đôla Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008.
Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỷ USD vào cuối năm 2020. Về cơ cấu nền kinh tế xét trên phương diện quan hệ sở hữu, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam hiện nay gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Về xã hội, hiện dân số của Việt Nam là hơn 97 triệu người, gồm 54 dân tộc anh em, trong đó hơn 60% số dân sống ở nông thôn. Phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội những năm 80 và cải thiện đáng kể đời sống của Nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước).
Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại. Trong khi chưa có điều kiện để bảo đảm giáo dục miễn phí cho mọi người ở tất cả các cấp, Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết. Trong khi chưa thực hiện được việc bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Cũng nhờ kinh tế có bước phát triển nên chúng ta đã có điều kiện để chăm sóc tốt hơn những người có công, phụng dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm lo cho phần mộ của các liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Đời sống văn hóa cũng được cải thiện đáng kể; sinh hoạt văn hóa phát triển phong phú, đa dạng.
Hiện Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Những kết quả, thành tích đặc biệt đạt được của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ đầu năm 2020 được Nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Như vậy, có thể nói, việc thực hiện đường lối đổi mới đã đem lại những chuyển biến rõ rệt, hết sức sâu sắc và tích cực ở Việt Nam: kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống Nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố.
Cuối bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã nhận định: Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Đảng ta đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi…
Thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội, thể hiện tập trung ở giải trình bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam của Tổng Bí thư trong bài viết. Đó là cơ sở phản bác một cách thuyết phục, đanh thép các luận điệu sai trái, thù địch; củng cố niềm tin của Nhân dân vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; kiên định với công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ năng lực, uy tín để tiếp tục lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thành tựu mà đất nước đạt được trong 35 năm đổi mới đã chứng minh đường lối lãnh đạo của Đảng ta là đúng đắn, không có một lực lượng chính trị nào có thể thay thế được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, tiếp tục chỉ đạo nhiệm vụ quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong đời sống. Những nội dung cơ bản của bài viết cần tiếp tục được nghiên cứu, luận giải, làm cơ sở cho quá trình quán triệt, tổ chức thực hiện. Đường lối, quan điểm của Đảng chỉ trở thành lực lượng vật chất khi được thâm nhập, quán triệt sâu sắc và tổ chức trong hoạt động thực tiễn ở mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Chúng ta tin tưởng rằng, với trí tuệ, bản lĩnh chính trị vững vàng, đường lối lãnh đạo công cuộc đổi mới đúng đắn, sáng tạo của Đảng; khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của Nhân dân sẽ trở thành hiện thực.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |