Kai nhìn Mami rùi khoanh tay và cười thật hiền “Kai xin lỗi Mami”. Mẹ ôm em thật chặt. Mẹ vui lắm con biết không. Cảm ơn con thật nhiều!Buổi chiều, trên đường về nhà, hai em bé lắc xắc ngồi trên đùi mẹ líu lo đủ chuyện. Rồi tự nhiên luyên thuyên tới đoạn “cảm ơn cô Mai, cảm ơn cô Hương … cảm ơn Mami, cảm ơn Papa”. Mẹ nghe thấy thì tranh thủ hỏi: “thế Kai có biết nói “Xin lỗi” không?”
Đấy là câu chuyện của chiều hôm sau. Buổi tối hôm trước đó là một đêm mất ngủ của mẹ. Em Kai hờn dỗi mẹ. Lần đầu tiên.
Chuyện là trong lúc cho các em xem hình papa gửi về từ Moskva, Kai cứ muốn xem đi xem lại tấm hình “Papa ăn kem”, rồi xem những icon Papa cười Haha và thả tim cho mẹ. Xem mãi không chịu thôi. Đến lúc mẹ kiên quyết tắt điện thoại thì Kai không chịu, vùng vằng khua tay đánh vào chân mẹ. Mẹ nghiêm giọng và yêu cầu em xin lỗi, nhưng em đánh trống lảng chạy ra phía bà chơi. Khi nhận ra sự kiên quyết của cả bà và mẹ thì em quay nhìn mẹ và khoanh tay trước ngực. Nhưng chỉ có thế thôi, không nói thêm một lời. Khi tiếp tục yêu cầu em nói ra từ “Xin lỗi”, em ấm ức, úp mặt vào gối. Nghe tiếng em khóc “Á Papa, á papa” vừa buồn cười vừa thương. Em giận hờn mẹ từ lúc đó. Với cái mặt tội nghiệp ấy, em không nói một lời, ôm bình sữa chui vào một góc nằm, tự ngủ. Nước mắt còn ướt mi.
Đáng lẽ, ngay sau khi em khoanh tay trước ngực, mẹ đã có thể xoa dịu em rồi. Hoặc sau đó, khi em lụi cụi ra ngồi vào lòng mẹ để được ôm, thì sao mẹ lại nỡ hỏi em là “Kai đã xin lỗi mẹ chưa” để em bé cảm giác tủi thân quá đỗi, bỏ ra chỗ khác mà khóc gọi Papa – chắc là hi vọng cuối cùng của em lúc đó? Sao mẹ nỡ để em đem cơn giận hờn và tủi thân vào giấc ngủ? Chúng mình còn không kịp ôm nhau và “good night” yêu thương. Mẹ đã sai rồi.
Nói từ “Xin lỗi” thật ra không quan trọng bằng cảm giác hối lỗi và những hành động hoà giải mà em đã chủ động dành cho mẹ ngay sau đó.Có thể em chưa quen nói từ “Xin lỗi” chứ chưa hẳn em không chịu nói. Thực tế, mẹ cũng chưa trực tiếp dạy em. Không thể mặc định là các cô ở lớp hay một ai khác đã dạy em được.Khi em sai, em cần được mẹ nói chuyện nhẹ nhàng để hiểu và nhận thức được vấn đề. Mẹ đâu muốn em miễn cưỡng hay chỉ hình thành phản xạ nói “Xin lỗi” khi được yêu cầu.Mẹ phải bình tĩnh hơn, cất cái tôi của mẹ và tôn trọng cái tôi của em đang lớn dần.
Mẹ đã luôn tự nhắc mình: Nguyên tắc để giải quyết mọi vấn đề là bắt đầu bằng một cái ôm. Dù em sai hay đúng, mẹ cũng phải cho em biết là mẹ luôn yêu em. Đó là tình yêu mẹ luôn dành cho em, vô điều kiện. Vậy mà hôm qua mẹ quên.
May mà em luôn là chàng trai hiểu chuyện. Cả đường về hôm nay ngập nắng. Em bé âu yếm vòng tay qua cổ mẹ, ôm. Mẹ cười, hạnh phúc gì đâu.