Trong số những thói quen của con người, đọc sách là một thói quen tốt, đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời, trong đó có việc phát triển văn hóa đọc. Vì vậy, rèn luyện thói quen đọc sách của mỗi người là một trong những cách thức hiệu quả thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.Lê Quý Đôn nói: "Đọc sách không cần nhiều, đọc một chữ đem áp dụng làm việc được một chữ, thế là được". Vì vậy, đối với người lớn khi đọc sách nên theo nguyên tắc "quý hồ tinh, bất quý hồ đa", bạn không nên tham đọc nhiều, đọc lung tung mà đọc phải chọn cho tinh, đọc cho kỹ, hiểu cho sâu những quyển sách thật sự cần thiết, thật sự có giá trị và thật sự hữu ích, nhất là cần đọc kỹ, hiểu sâu các cuốn sách, tài liệu cơ bản thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình; trong khi đọc các tài liệu chuyên sâu cũng lưu ý là không được quên đọc các loại sách phổ thông, thường thức, loại sách ở các lĩnh vực kề cận, gần gũi; bạn không nên đọc một cách tràn lan, tùy hứng mà cần phải đọc có kế hoạch và có hệ thống. Có thể xem đọc sách của người lớn không chỉ là việc học tập, tích lũy tri thức mà còn là chuyện rèn luyện tính cách, là chuyện học làm người, là một công việc rèn luyện, một cuộc chuẩn bị âm thầm và gian khổ, rất cần nghị lực.Văn hóa đọc là việc vận dụng các nhân tố văn hóa (giá trị, truyền thống, tập quán, thói quen, tâm lý…) vào hoạt động đọc của các chủ thể, là cái văn hóa mà các chủ thể đọc tạo ra trong quá trình đọc có tác dụng cổ vũ, lôi cuốn mọi người tạo lập thói quen, phương pháp lựa chọn và cách đọc sách có văn hóa. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, có một thực trạng rất đáng lo ngại là sự suy giảm của văn hóa đọc bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như: sự thiếu hụt về thời gian do áp lực ngày càng lớn của công việc, thói quen sử dụng smart phone và các thiết bị điện tử. Muốn nâng cao văn hóa đọc, trước hết phải rèn luyện để hình thành thói quen đọc của mỗi người, từ người lớn đến con trẻ. Trách nhiệm này phải là của toàn xã hội.