Tố Hữu là nhà thơ lớn của dân tộc, là một trong những người khai sinh ra nền văn học Việt Nam hiện đại. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp thi ca của ông hòa quyện vào nhau trong từng bước đi của lịch sử và thời đại. Trong lời tự bạch của mình, in trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, ông viết: “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi: “Trăm năm duyên kiếp: Đảng và Thơ”.
Toàn bộ thế giới nghệ thuật thơ Tố Hữu chính là sự quán xuyến thống nhất mối quan hệ đó. Từng tập thơ trong từng giai đoạn đều đánh dấu những bước ngoặt trọng đại của cách mạng Việt Nam. Thơ ông là tiếng nói đồng hành cùng lịch sử - dân tộc - thời đại - cách mạng, thể hiện sự nhạy cảm thi sĩ của ông trước những vấn đề lớn lao của hiện thực và tình cảm của con người Việt Nam yêu nước, yêu lý tưởng. Nó là sức mạnh tinh thần của nhiều thế hệ cho đến hôm nay và mai sau. Từ những vần thơ giàu nhiệt huyết tuổi trẻ. “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ - Mặt trời chân lý chói qua tim”, đến những vần thơ cuối đời khát khao bỏng cháy lòng yêu đời: “Ta bước tiếp trên đôi chân tráng kiện - Lại nghĩ suy bằng chính óc tim mình - Mừng thế kỷ hai mươi mốt đến - Cho sáng bừng mặt đất, ánh bình minh”, Tố Hữu đã đi trọn một hành trình thơ và hành trình đời tuyệt đẹp. “Duyên kiếp Đảng và thơ” đã làm nên một Tố Hữu - công dân và một Tố Hữu - thi sĩ hài hòa, cao cả. Từ tác phẩm đầu tay Từ ấy đến Việt Bắc, Ra trận, Máu và hoa đến tác phẩm sau cùng Một tiếng đờn là minh chứng cho cuộc sống - thơ và thơ - cuộc sống của Tố Hữu.
Từ ấy ghi lại một thời kỳ lịch sử của phong trào đấu tranh cách mạng Việt Nam, thông qua sự nhận thức, hoạt động và chứng nghiệm của nhà thơ. Vì vậy, rất chân thành và nồng nhiệt. Một tâm hồn luôn mở rộng, thiết tha khi “chân lý chói qua tim”, Tố Hữu đã để tình mình “trang trải khắp trăm nơi” với bao số phận hẩm hiu, trôi nổi như em bé mồ côi, vú em, lão đầy tớ... và kêu gọi mọi người cùng đồng cảm: “Tôi không muốn mời anh đi xa lạ - Tìm đau thương trong xã hội điêu tàn - Kể làm sao cho hết cảnh lầm than - Lúc trái ngược đã tràn đầy tất cả”.
Hiện tại phũ phàng ấy càng lúc càng làm cho nhà thơ dửng dưng, giận dữ: “Ta nện gót trên đường phố Huế - Dửng dưng không một cảm tình chi - Không gian sặc sụa mùi ô uế - Mà nước dòng Hương mãi cuốn đi”.
Vì vậy mà tác giả nguyện “Tôi buộc hồn tôi với mọi người” để đấu tranh, hy vọng. Sau bao “máu lửa” và “xiềng xích”, Tố Hữu đã reo vui trong ngày hội Huế và Việt Nam giải phóng năm 1945.
Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!
Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi
(...) Ai dám cấm ta say, say thần thánh
Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời.