Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
“Hoàng Lê nhất thống chí” là bộ tiểu thuyết chương hồi xuất sắc nhất của nền văn học trung đại Việt Nam do một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai truyền đời sáng tác. “Hồi thứ 14” thể hiện niềm tự hào dân tộc của các tác giả qua việc tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống. Đặc biệt, trong lời phủ dụ binh lính của vua Quang Trung Nguyễn Huệ, đã thể hiện rất rõ niềm tự hào lớn lao của vị chủ tướng về truyền thống yêu nước của dân tộc ta từ xưa đến nay và ý chí chí chiến đấu, chiến thắng kẻ thù xâm lược.
Quang Trung là một vị vua văn võ toàn tài, có công lao lớn trong sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhân vật lịch sử đi vào văn chương như một hình ảnh đẹp, đậm chất sử thi. Hồi thứ 14 trích “Hoàng Lê nhất thống chí” đã làm toát lên vẻ đẹp hào hùng của người anh hùng áo vải trong chiến công lừng lẫy đại phá quân Thanh: là một vị vua yêu nước thương dân; là người có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén; có tầm nhìn xa trông rộng; hành động mạnh mẽ quyết đoán, tài dụng binh như thần; ý chí quyết chiến quyết thắng…
Lòng yêu nước được hiểu là tình cảm, thái độ của con người đối với quê hương đất nước, luôn lo lắng cho sự tồn vong của dân tộc, sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân khi Tổ quốc cần. Lời phủ dụ binh lính của vua Quang Trung Nguyễn Huệ được truyền trước binh lính tại Nghệ An vào ngày 29 tháng Chạp, trước khi hành quân ra Tam Điệp. Trong lời dụ, vua Quang Trung khẳng định chủ quyền dân tộc bằng cách nhắc đến lịch sử chống ngoại xâm của dân ta. Đồng thời qua đó, khơi gợi lòng yêu nước, quyết chiến quyết thắng ở binh sĩ.
Nhà vua mở đầu bằng lời cảnh báo: “Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện đang ở thành Thăng Long các người có biết?”. Câu hỏi có tác dụng đánh thức lương tri của binh sĩ. Ngay sau đó, ông lập tức khẳng định chủ quyền của dân tộc: “Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng…” Đó cùng là lời tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của dân tộc trong “Nam quốc sơn hà” (Lý Thường Kiệt): “Nam quốc sơn hà Nam đế cư – Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” (Sông núi nước Nam vua Nam ở – Rành rành định phận ở sách trời); trong “Bình Ngô đại cáo” (Nguyễn Trãi): “Như nước Đại Việt ta từ trước – Vốn xưng nền văn hiến đã lâu – Núi sông bờ cõi đã chia – Phong tục Bắc Nam cũng khác – Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập – Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”.
Tiếp đến, ông nêu bật dã tâm của giặc để thổi bùng lên ngọn lửa căm thù giặc trong lòng tướng sĩ: “Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi”, “Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa”. Hành động xâm lược của “giặc dữ” (nghịch lỗ) là hành động phi nhân nghĩa, trái đạo trời.
Tội ác của giặc ngoại xâm được Trần Quốc Tuấn chỉ rõ “Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ…thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho để khỏi tai vạ về sau” (Hịch tướng sĩ). Nguyễn Trãi cũng đã vạch trần: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn – Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ – Dối trời lừa dân đủ trăm ngàn kế…”, “Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội…” Đúng là tội ác “Trời không dung, đất không tha”.
Để khơi gợi ý chí đánh giặc, ông nhắc lại truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta: “Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ, các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa quân, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc”.
Lời phủ dụ binh lính, tướng sĩ của người anh hùng áo vải Quang Trung trong cuộc đại phá quân Thanh đã nhắc đến Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn – một tấm gương yêu nước bất khuất có tác dụng động viên to lớn đối với các tướng sĩ. Ý chí tinh thần chống giặc ngoại xâm, xả thân vì nước trong bài hịch như còn mãi âm vang: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa… Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng” (Hịch tướng sĩ).
Lại nhắc đến tấm gương Lê Thái Tổ không nỡ ngồi nhìn giặc Minh làm điều tàn bạo, đã dấy nghĩa quân: “Gươm mài đá, đá núi cũng mòn…Tổ kiến hổng phá toang đê vỡ”. Đó là những dẫn chứng xác thực về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc: “Tuy mạnh yếu nhiều lúc khác nhau – Song hào kiệt đời nào cũng có”, “Việc xưa xem xét – Chứng cứ còn ghi” (Bình Ngô đại cáo).
Từ đó, ông bày tỏ lòng tin vào binh lính và kêu gọi họ dốc lòng, dốc sức vì sự nghiệp chung đánh đuổi kẻ thù để bảo vệ chủ quyền của dân tộc: “Vì vậy, ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng. Các ngươi đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn”.
Lời hiệu triệu toàn dân đứng lên đánh giặc giữ nước của vua Quang Trung cũng là lời khích lệ tinh thần chiến đấu của Trần Quốc Tuấn đối với các tướng dưới quyền: nêu cao tinh thần cảnh giác, chăm lo tập luyện cung tên, học tập “Binh thư yếu lược”. Đó cũng là lời của Nguyễn Trãi: “Nhân dân bốn cõi một nhà … Hoà nước sông chén rượu ngọt ngào”.
Cuối cùng, ông khẳng định quyết tâm sắt đá đánh đuổi quân xâm lược nhà Thanh, đồng thời cũng tuyên bố kỷ luật nghiêm minh của quân đội để răn đe những kẻ bạc nhược có ý ăn ở hai lòng: “Chớ có quen theo thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra, sẽ bị giết chết ngay tức khắc, không tha một ai, chớ bảo là ta không nói trước!”. Đó cũng là thái độ nghiêm khắc của Trần Quốc Tuấn chỉ ra con đường: sống – chết, vinh – nhục; đạo thần chủ – kẻ nghịch thù để tướng sĩ thấy rõ chỉ có thể chọn một hoặc địch – hoặc ta chứ không có chỗ đứng cho những kẻ bàng quan thờ ơ trước thời cuộc.
Qua lời phủ dụ binh lính chứng tỏ vua Quang Trung là nhà chính trị, quân sự, ngoại giao có trí tuệ sáng suốt, nhìn xa thấy rộng, biết mình biết người, sâu sắc và tâm lí, ân uy gồm đủ. Âm vang trong lời phủ dụ của vua Quang Trung có tinh thần của “Nam quốc sơn hà”, có hào khí của “Hịch tướng sĩ”, của “Bình Ngô đại cáo”. Tất cả bắt nguồn từ cảm hứng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Lòng yêu nước của nhà vua đã truyền thấm vào binh sĩ.
Lời phủ dụ tướng sĩ của vua Quang Trung Nguyễn Huệ tại cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An có thể xem như một bài hịch ngắn gọn, lập luận chặt chẽ, lời lẽ đanh thép, giọng điệu hào hùng mà ý tứ thật phong phú sâu xa, có tác dụng kích thích lòng yêu nước và truyền thống quật khởi của dân tộc. Trí tuệ, tấc lòng của một vị vua vì nghĩa lớn đã mạnh hơn thiên kiến giai cấp của các tác giả. Chính vì vậy mà các tác giả của “Hoàng Lê nhất thống chí” đã xây dựng một tượng đài bất hủ về người anh hùng Nguyễn Huệ – một hình ảnh hiếm thấy trong lịch sử.
Qua lời phủ dụ binh lính ta cũng thấy rõ Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ người anh hùng dân tộc hội đủ đức tài, là bậc kì tài hiếm có trong lịch sử dân tộc. Khi trở thành hình tượng văn học thì vẻ đẹp ấy lại càng uy nghi. Tác phẩm của Ngô gia văn phái không chỉ phản ánh một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn lưu lại ánh hào quang về người anh hùng kiệt xuất với lòng yêu nước mãnh liệt ở thế kỉ XVIII.
Tinh thần yêu nước, ý chí , quyết tâm đánh giặc cứu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong lịch sử mấy nghìn năm của nước ta. Những năm đất nước có chiến tranh, tuổi trẻ yêu nước là phải biết ra chiến trường. Ngày nay, trong thời kỳ xây dựng đất nước, để thể hiện tinh thần yêu nước, tuoir trẻ phải biến thành hành động cụ thể trong đời sống: giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, hoàn thành tốt nhiệm vụ lao động, học tập, đua tài đấu trí trên đấu trường quốc tế…
Phê phán, lên án những người sống thực dụng, chỉ biết vun vén cho quyền lợi cá nhân, biết đòi hỏi mà không biết cống hiến hoặc vô tâm, thờ ơ trước thời cuộc, luôn mang tu tưởng vọng ngoại, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc…
Lời phủ dụ binh lính của vua Quang Trung thể hiện sự anh minh sáng suốt và mang âm hưởng hào hùng của các tác phẩm: Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi). Đó mãi là những viên ngọc quý của văn chương dân tộc, lấp lánh nguồn cảm hứng yêu nước. Các tác giả Ngô gia văn phái viết Hoàng Lê nhất thống chí đã dành cho vua Quang Trung những trang đẹp nhất, hào hùng nhất. Ngô gia văn phái là những người cầm bút chân chính, biết tôn trọng lịch sử. Ca ngợi Quang Trung là ca ngợi ý chí và trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Tự hào về chiến công của cha ông khi phá Tống, đuổi Nguyên, bình Ngô, đạp Thanh… ta cần giữ gìn phát huy truyền thống ấy hơn nữa để xứng đáng là con Lạc, cháu Hồng.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |