Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Ca dao là thể loại văn học dân gian diễn tả chi tiết đầy đủ nhất đời sống tư tưởng, tình cảm của nhân dân ta. Ca dao đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống, nhưng nổi bật hơn cả là ca dao than thân yêu thương tình nghĩa. Đó là những câu hát thể hiện đời sống tình cảm, tiếng hát cất lên từ cuộc đời còn nhiều đắng cay, khổ cực,…
Trước hết, hai bài ca dao đầu tiên viết về chủ đề than thân. Cả hai bài đều mở đầu bằng motip thân em một motip quen thuộc, thường xuất hiện trong ca dao:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
và
Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen
Ai ơi nếm thử mà xem
Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.
Đây là tiếng than thân của những người phụ nữ, cho thấy số phận chịu nhiều bất hạnh, bất công. Câu thơ mang đến cảm xúc ngậm ngùi, thương cảm cho số phận bất hạnh của những người con gái. Cùng là tiếng than nhưng ở mỗi bài thơ có những nét riêng, không hòa lẫn. Bài thơ thứ nhất, người con gái tự ví mình với tấm lụa đào – miếng vải cao quý, hiếm và rất đẹp. Cô gái ý thức sâu sắc về vẻ đẹp, giá trị của bản thân. Ấy thế nhưng số phận của cô lại hết sức lênh đênh, bị phụ thuộc phất phơ giữa chợ - thân phận lệ thuộc, bị động, không được tự quyết định cuộc đời mình. Ở bài ca dao thứ hai, câu thơ thứ nhất dường như khiến người đọc chưa thể định hướng gì về vẻ đẹp hay phẩm chất của đối tượng. Câu thơ nói lên đặc điểm của củ ấu gai: bên ngoài xấu xí nhưng bên trong trắng trong, đẹp đẽ, đó cũng chính là vẻ đẹp phẩm chất của người con gái. Dù hình thức bên ngoài không hấp dẫn nhưng sức hấp dẫn nằm ở bên trong, ẩn sâu. Để tìm được vẻ đẹp ấy cần có con mắt tinh tế, tấm lòng thấu hiểu. Câu thơ cuối như một lời mời gọi, lời nói tha thiết, thể hiện mong mỏi của cô gái:
Ai ơi, nếm thử mà xem
Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.
Đằng sau lời đề nghị còn ẩn chứa cả một bi kịch: chính vì vẻ đẹp khuất lấp nên giá trị thực không có nhiều người nhận ra, trở thành vô giá trị trong mắt người khác. Qua đó tác giả dân gian đã khắc họa nỗi đau của người phụ nữ: xã hội không cho người phụ nữ thể hiện giá trị thực của mình. Từ bi kịch của hai cô gái trong bài ca dao, họ đã cất lên tiếng nói tố cáo xã hội: không cho họ quyết định cuộc đời, không cho họ thể hiện giá trị của mình, xã hội đã kiềm tỏa, khống chế người phụ nữ khiến họ không được hưởng hạnh phúc. Đồng thời còn cất lên lời ca ngợi và thể hiện thái độ trân trọng với vẻ đẹp của người phụ nữ.
Những bài ca dao còn lại thuộc chùm ca dao yêu thương tình nghĩa. Nhưng mỗi bài ca dao lại có cách thể hiện rất riêng, rất đặc sắc, biểu hiện những cung bậc tình cảm khác nhau của nhân vật trữ tình. Bài ca dao thứ ba thể hiện tình nghĩa bền vững sắt son dù duyên kiếp không thành. Bài ca dao cũng bắt đầu bằng một motip quen thuộc Trèo lên đây là motip dùng để diễn tả những hành động trái với tự nhiên. Ở đây để diễn tả những cảm xúc xáo trộn, bất an trong tâm hồn của các chàng trai khi lỡ duyên, thất tình. Bài thơ sử dụng hàng loạt câu hỏi tu từ kết hợp với đại từ phiếm chỉ ai, đã xoáy sâu tố cáo các thế lực, đối tượng gây nên nỗi đau khổ của chàng trai, cũng tức là gây nên sự chia cắt tình yêu của đôi lứa, và đó không gì khác chính là những hủ tục, bất công, ngang trái của xã hội phong kiến. Hình ảnh ẩn dụ: mặt trăng – mặt trời; sao hôm – sao mai như một lời khẳng định, nhấn mạnh dù chúng ta không thể nào trùng phùng, không thể đến được với nhau như mặt trăng và mặt trời, như sao hôm và sao mai thế nhưng chúng ta vẫn tương xứng trong vẻ đẹp vĩnh hằng. Và câu thơ cuối, nhân vật trữ tình đã khẳng định lòng thủy chung son sắt của mình: Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời. Bài thơ là lời khẳng định tình cảm thủy chung, son sắt, gắn bó đồng thời lên án, tố cáo những hủ tục đã chia rẽ tình yêu đôi lứa.
Bài ca dao thứ tư lại diễn tả một cung bậc cảm xúc khác nữa của tình yêu chính là nỗi nhớ. Bài có cấu trúc khác so với những bài thơ trên, đó là sự kết hợp giữa thể vãn bốn và thể lục bát, giúp thể hiện rõ hơn tư tưởng, cảm xúc, tình cảm của nhân vật. Tác giả đã kết hợp linh hoạt các biện pháp nghệ thuật: nhân hóa, hoán dụ, câu hỏi tu từ và các biểu tượng khăn, đèn, mắt cho thấy nỗi nhờ thường trực, da diết khắc khoải của cô gái với người mình yêu thương. Nỗi nhớ của nhân vật trữ tình được thể hiện kín đáo qua các vật dụng quen thuộc: khăn, đèn nhưng trạng thái của sự vật không tĩnh tại mà liên tục biến đổi: rơi xuống, vắt lên, chùi nước mắt,… cho thấy nỗi nhớ bồn chồn, khắc khoải của những kẻ đang yêu. Nỗi nhớ mong ấy còn được biểu hiện qua hàng loạt các câu hỏi: Đèn thương nhớ ai; Mắt thương nhớ ai. Dường như nỗi nhớ lúc này đã không thể kìm nén mà bật thành tiếng lòng thổn thức, khắc khoải nhớ thương: đèn không tắt vì nhớ thương, mắt ngủ không yên vì đèn, khăn cũng đang thao thức, đây chính là hình ảnh, biểu hiện cụ thể nhất của tình yêu đôi lứa. Hai câu thơ kết là những âu lo, dự cảm của cô gái:
Đêm qua em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên một bề.
Cô lo lắng, bất an, dự cảm về những bất trắc vì người con gái không được tự quyết định tương lai, hạnh phúc của mình. Những vẫn thơ đã chứng tỏ tình yêu chân thành, tha thiết, khắc khoải của cô gái với người mình yêu.
Bài ca dao thứ năm thể hiện những mong muốn mãnh liệt trong tình yêu:
“Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi”.
Câu thơ sử dụng hình ảnh biểu tượng quen thuộc: dòng sông – cây cầu. Dòng sông biểu tượng cho sự cách trở. Cây cầu là biểu tượng cho sự vượt lên cách trở để đến được với nhau trong tình yêu. Điều ước của cô gái thật chân thực mà vô cùng đáng yêu: Sông rộng một gang, dòng sông chỉ xuất hiện trong tưởng tượng, trong mong ước của cô gái. Ước muốn rằng khoảng cách của hai ta, những cách trở của đôi mình được rút ngắn một cách tối đa. Cầu dải yếm – để tương xứng với dòng sông rộng một gang. Cây cầu này là biểu tượng vượt lên những cách trở. Đây cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng của cô gái, nói lên ước muốn của cô gái – muốn rút ngắn khoảng cách: khoảng cách về mặt địa lí, khoảng cách của trái tim, vượt qua những ngáng trở để đón nhận tình yêu.
Bài ca dao cuối cùng không thể hiện những cảm xúc mãnh liệt, nỗi nhớ nhung trong tình yêu nữa mà thể hiện tình nghĩa gắn bó thủy chung của vợ chồng. Câu thơ sử dụng hình ảnh biểu tượng quen thuộc: muối – gừng, để nói về nghĩa tình sâu nặng, bền chặt, sự thủy chung, gắn bó của vợ chồng. Ngoài ra tác giả còn sử dụng biện pháp lặp cấu trúc: Muối ba năm muối đang còn mặn, gừng chín tháng gừng hãy còn cay, cho thấy sự bền chặt của nghĩa tình vợ chồng. Bài ca dao là lời khẳng định, ngợi ca nghĩa tình vợ chồng gắn bó thủy chung, sâu nặng.
Các bài ca dao sử dụng các motip quen thuộc: thân em, trèo lên, ước gì kết hợp linh hoạt các biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, hoán dụ,… giúp diễn tả tâm tư, tình cảm của nhân vật trữ tình. Ngôn ngữ chọn lọc, giàu giá trị biểu cảm. Hình ảnh giàu giá trị biểu tượng. Nhịp thơ chủ yếu là 2/2/2 êm ái, dịu dàng diễn tả được đa dạng các cung bậc cảm xúc khác nhau của nhân vật.
Những bài ca dao trên đã bộc lộ một cách chân tình và sâu sắc nỗi niềm chua xót, đắng cay trong cuộc sống và tình yêu; tình cảm yêu thương, chung thủy của người bình dân trong xã hội cũ. Qua đó giúp người đọc biết thấu hiểu và cảm thông hơn với những đau khổ mà người lao động bình dân trong xã hội xưa phải gánh chịu, đặc biệt là người phụ nữ và hơn nữa biết trân trọng những vẻ đẹp tâm hồn của họ.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |