Những đặc trưng riêng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
- Về hệ thống mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rỏ: phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để thực hiện được mục tiêu đó trong phát triển nền kinh tế thị trường, phải tạo điều kiện để giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất và không ngừng phát triển lực lượng sản xuất; phát triển lực lượng sản xuất hiện đại gắn với xây dựng quan hệ sản xuất mới XHCN phù hợp trên cả ba mặt: sở hữu, quản lý và phân phối; phát triển kinh tế thị trường để từng bước xây dựng hạ tầng kinh tế cho chủ nghĩa xã hội; cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Mục tiêu kinh tế - xã hội - văn hóa mà nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta phải đạt là:
Làm cho dân giàu: Nội dung căn bản của dân giàu là mức bình quân GDP đầu người tăng nhanh trong một thời gian ngắn và khoảng cách giàu, nghèo trong xã hội ngày càng được thu hẹp.
Làm cho nước mạnh: Thể hiện ở mức đóng góp to lớn của nền kinh tế thị trường cho ngân sách quốc gia; ở sự gia tăng ngành kinh tế mũi nhọn; ở sự sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn tài nguyên quốc gia; ở sự bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ các bí mật quốc gia về tiềm lực kinh tế, khoa học, công nghệ và an ninh, quốc phòng.
Làm cho xã hội công bằng, văn minh: Thể hiện ở việc xử lý các quan hệ lợi ích ngay trong nội bộ nền kinh tế thị trường, ở đó việc góp phần to lớn vào giải quyết các vấn đề xã hội, ở việc cung ứng các hàng hóa và dịch vụ có giá trị không chỉ về kinh tế mà còn có giá trị cao về văn hóa, xã hội.
Về mục tiêu chính trị: Làm cho xã hội dân chủ, biểu hiện ở chỗ dân chủ hóa nền kinh tế, mọi người, mọi thành phần kinh tế có quyền tham gia vào hoạt động kinh tế, vào sản xuất kinh doanh, có quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của mình; quyền của người sản xuất và người tiêu dùng được bảo vệ trên cơ sở pháp luật của nhà nước.
- Về chế độ sở hữu và các thành phần kinh tế: Nền kinh tế có nhiều thành phần, với nhiều hình thức sở hữu. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với nhau trên cơ sở pháp luật của nhà nước, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, từng bước được xác lập và sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối khi chủ nghĩa xã hội về cơ bản được xây dựng xong.
- Về chế độ phân phối: Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, thực hiện phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu; đồng thời có các hình thức phân phối khác nữa (phân phối theo vốn, theo tài năng cùng các nguồn lực khác đóng góp vào sản xuất kinh doanh), vừa khuyến khích lao động, vừa bảo đảm phúc lợi xã hội cơ bản, bảo đảm sự phân phối công bằng, hợp lý và hạn chế sự bất bình đẳng trong xã hội.
- Về vai trò quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự quản lý và điều tiết nền kinh tế của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, sự quản lý của nhà nước trong nền kinh tế thị trường phải định hướng cho nền kinh tế phát triển có hiệu quả trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân lao động thông qua hệ thống pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, có sử dụng cơ chế thị trường (vận dụng các quy luật kinh tế thị trường để đưa ra những công cụ tác động vào thị trường) kích thích sản xuất, giải phóng sức sản xuất, phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường.
Sự quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường nhằm giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Nhà nước thực hiện chính sách xã hội, một mặt, khuyến khích làm giàu hợp pháp, mặt khác phải thực hiện xóa đói, giảm nghèo.
- Về nguyên tắc giải quyết các mối quan hệ chủ yếu: Kết hợp ngay từ đầu giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, bảo đảm giải phóng sức sản xuất; xây dựng lực lượng sản xuất kết hợp với củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới XHCN, nhằm phục vụ cho phát triển sản xuất và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giữa phát triển sản xuất với từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; giải quyết tốt các vấn đề xã hội và công bằng xã hội, ngăn chặn các tệ nạn xã hội; giải quyết tốt các nhiệm vụ chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường và an ninh, quốc phòng.
- Về tính cộng đồng và tính dân tộc: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta mang tính cộng đồng cao theo truyền thống của xã hội Việt Nam, phát triển kinh tế thị trường có sự tham gia của cộng đồng và vì lợi ích của cộng đồng, hướng tới xây dựng một cộng đồng xã hội Việt Nam giàu có, đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần, dân chủ, công bằng, văn minh, đảm bảo cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.
- Về quan hệ quốc tế: Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta dựa vào sự phát huy tối đa nguồn lực trong nước và triệt để tranh thủ nguồn lực nước ngoài theo phương châm “Kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại” và sử dụng các nguồn lực đó một cách hợp lý, đạt hiệu quả cao, để phát triển nền kinh tế đất nước với tốc độ nhanh, hiện đại và bền vững.
Như vậy, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta vừa mang tính phổ biến (đặc trưng chung) của mọi nền kinh tế thị trường; vừa có đặc trưng riêng của tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Hai nhóm nhân tố này cùng tồn tại, kết hợp và bổ sung cho nhau. Trong đó, nhóm đặc trưng chung đóng vai trò là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhóm đặc trưng riêng đóng vai trò hướng dẫn nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xem thêm (+)