Xuôi dòng văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, đề tài viết về người nông dân luôn là mảnh đất thu hút ngòi bút, sự khai phá của rất nhiều tác giả. Trong bức tranh phong phú và đa dạng đó, "Lão Hạc"của Nam Cao là một trong những sáng tác tiêu biểu viết về cuộc đời, số phận của người nông dân. Bằng tài năng trong việc xây dựng tình huống truyện, tác giả đã khắc họa bức chân dung người cố nông nghèo với những phẩm chất cao quý, tốt đẹp. Đó là những vẻ đẹp về tâm hồn và nhân cách như giàu tình cảm, yêu thương con, sống vị tha, có ý thức giữ gìn lòng tự trọng của bản thân.
Trước hết, lão Hạc là một người cha rất mực thương con và có trách nhiệm. Người con trai phẫn chí bỏ nhà đi phu đồn điền cao su đã để lại trong lòng lão Hạc một vết thương tinh thần không thể chữa lành. Đó là nỗi day dứt, đau đớn khôn nguôi của một người cha không thể lo cho đứa con trai duy nhất của mình cưới vợ. Bởi vậy, lão yêu thương, chăm sóc chú chó mà anh con trai để lại như chăm sóc chính đứa con ruột của mình. Không chỉ dừng lại ở đó, dù cho cảnh cái đói, cái nghèo luôn đeo bám, bủa vây, sống trong cảnh lay lắt qua ngày nhưng người cố nông nghèo vẫn kiên quyết chịu kham khổ để thu vén, dành dụm cho con. Tất cả đã cho thấy vẻ đẹp trong tấm lòng của một người cha vị tha, giàu đức hi sinh và quên đi bản thân vì con cái.
Lão Hạc còn là người nông dân hiền lành, có tấm lòng nhân hậu, giàu tình cảm. Tất cả những vẻ đẹp này đã được thể hiện thông qua cách mà lão chăm sóc, nâng niu cậu Vàng. Lão xem cậu Vàng là chỗ dựa tinh thần, như người bạn để tâm sự, sẻ chia những nỗi niềm lúc tuổi già. Lão gọi nó bằng một cái tên đầy âu yếm và thân mật là cậu Vàng và dường như bao nhiêu tình yêu thương mà lão dành cho người con trai đều được sẻ chia với cậu Vàng: "Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm. Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu. Lão ăn gì lão cũng chia cho nó cùng ăn". Lão yêu thương, chăm sóc cậu Vàng như một đứa con cầu tự.
Tuy nhiên, vẻ đẹp nổi bật nhất trong tâm hồn người cố nông nghèo chính là giàu lòng tự trọng. Mặc dù sống trong cảnh nghèo đói, phải ăn củ khoai, củ sắn sống lay lắt qua ngày nhưng lão từ chối mọi sự giúp đỡ từ ông giáo với thái độ gần như là "hách dịch". Và rồi khi không thể tiếp tục nuôi cậu Vàng, lão phải bán đi cậu Vàng nhưng cũng từ đó, lão luôn sống trong ân hận và day dứt khi "trót lừa một con chó". Nỗi đau đó đã khiến lão chọn cái chết đầy dữ dội và đau đớn bằng bả chó như thể lão muốn tự trừng phạt bản thân và chuộc lỗi với cậu Vàng. Cái chết đó còn là sự lựa chọn của lão để gìn giữ nhân cách cao đẹp của mình trước cái đói và sự khốn cùng. Trước khi ra đi, người cố nông nghèo còn gửi tiền cho ông giáo để lo ma chay cho mình và không muốn phiền lụy đến hàng xóm. Những câu văn đầy ám ảnh về sự ra đi đau đớn, quằn quại của lão Hạc đã tô đậm và khẳng định hơn nữa nhân cách cao đẹp của lão Hạc, đồng thời thể hiện tiếng nói cảm thông của tác giả Nam Cao trước bi kịch của người nông dân, từ đó gián tiếp lên án, phê phán xã hội phong kiến nửa thực dân phi nhân đạo đã đẩy người nông dân vào bước đường cùng không có lối thoát.
Bằng tài năng trong việc miêu tả tâm lí nhân vật, tác giả Nam Cao đã tái hiện thành công bức chân dung của người cố nông lương thiện với những nét đẹp về phẩm chất như giàu tình cảm, giàu lòng tự trọng, sống trong sạch, lương thiện. Chính những điều này đã góp phần làm nên giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc cho tác phẩm.