Trong xã hội phong kiến xưa, người nông dân nói riêng và những người ở tầng lớp thấp kém của xã hội nói chung đã phải chịu bao áp bức, bóc lột do bộ máy thống trị thối nát gây ra. Hình tượng ấy đã đi vào thơ ca, nhạc họa, là đề tài cho nhiều tác phẩm văn học. Một trong số ấy là tức nước vỡ bờ của Ngô Tất Tố. Văn bản khắc họa hình tượng nhân vật chị Dậu - một người phụ nữ dịu hiền, đảm đang, yêu thương gia đình và sẵn sàng vùng dậy để bảo vệ gia đình ấy. Cai lệ là tên cai chỉ huy một tốp lính, tuy chỉ là một tên tay sai mạt hạng nhưng hung dữ và sẵn sàng gây tội ác không hề chùn tay, ngôn ngữ của hắn là quát, thét, chửi, mắng, hầm hè, cử chỉ thô bạo, hắn là hiện thân đầy đủ và tàn bạo nhất nhà nước lúc bấy giờ. Còn những người nông dân hiền lành, tiền sưu cao ngất ngưởng cùng bao thứ thuế vô lí chèn ép con người vào bước đường cùng. Khi bọn tay sai xông vào nhà để đòi đánh anh Dậu, mặc dù đã bán tất cả những gì có kể cả đứa con mình mang nặng để đau sinh ra cũng phải bán nốt nhưng vẫn chưa đủ tiền sưu. Chị thành khẩn xinh khất, ra sức can ngăn để không ai động vào chồng mình nhưng chị càng nhân nhượng, càng mềm mỏng, chúng càng lấn tới, người đàn bà lực điền ấy đã vùng lên đánh trả tên cai lệ, liều lĩnh nhưng cho thấy được ý chí không chịu khuất phục trước cái xấu, cái ác. Gia đình chị Dậu chính là hình ảnh tượng trưng cho tầng lớp nông dân lúc bấy giờ, hiền lành, chất phác, chăm chỉ nhưng vẫn giữ được lòng tự tôn, sẵn sàng vùng lên đấu tranh nếu có áp bức.