Nếu hỏi rằng câu chuyện cổ tích nào mà người Việt Nam biết và yêu thích nhiều nhất, có lẽ là truyện Tấm Cám. Biết bao giá trị làm người mà ông cha ta từ xa xưa đã đúc kết nhằm răn dạy con cháu những thế hệ sau. Về cuộc đời cô Tấm, có câu thơ nói rằng: Dẫu phải khi cay đắng dập vùi, Rằng cô tấm cũng về làm hoàng hậu. Câu thơ đã nhấn mạnh đến số phận nhiều cơ cực, gian truân mà cô Tấm phải trải qua nhưng kết cục lại đầy viên mãn và hạnh phúc. Điều đó khiến chúng ta có nhiều suy ngẫm về cuộc sống của chính mình. “Cay đắng, dập vùi” có lẽ ai cũng gặp phải trong cuộc sống, chỉ khác là ở mức độ khác nhau. Nhưng đó là những khó khăn, gian khổ trên đường đời mà mỗi người đều gặp phải. Nếu hỏi những người thành công nhất trên thế giới, thì đằng sau họ là cả một câu chuyện dài của sự nỗ lực. Chẳng có thành công nào dễ dàng đến với chúng ta nếu không trải qua những khó khăn như vậy. Điều duy nhất chúng ta phải làm đó là kiên trì, nhẫn nại, đôi khi phải nhẫn nhục để sau này gặt hái thành công. Triết lý rất lớn mà truyện Tấm Cám để lại được từ cuộc đời cô Tấm, đó là “Ở hiền gặp lành”. Cay đắng, dập vùi là vậy, nhưng con người phải luôn sống chân thành, sống đúng với bản chất tốt đẹp, đam mê và tin tưởng chính mình. Bởi vậy cái kết có hậu của Tấm, không còn là ao ước của người dân xưa, mà đó là bài học về cách sống, là kinh nghiệm đúc kết của bao đời. Cho nên hãy cứ để cuộc đời vần vũ mình đi, việc của mình là phải nỗ lực, cố gắng, sống có đạo đức để đón chờ một tương lai tươi sáng ở phía trước.