Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Trong quá trình sáng tác của mình, mỗi người nghệ sĩ lại lựa chọn không gian nghệ thuật riêng, những đề tài riêng, những góc nhìn riêng để đi về. Cũng bởi điều này đã tạo nên sự đa dạng trong những tác phẩm của nền văn học hiện đại Việt Nam. Đến với Nguyễn Tuân là đến với những trang văn khác biệt độc đáo bởi lối viết, cách xây dựng cốt truyện, tình huống, nhân vật mà không một nhà văn nào trùng lặp. Nét độc đáo ấy được thể hiện rất rõ qua tác phẩm “Chữ người tử tù” – một truyện ngắn xuất sắc trong tập “Vang bóng một thời”. Với bàn tay tài hoa của mình, Nguyễn Tuân đã dựng lên một nhân vật Huấn Cao - với vẻ đẹp văn võ song toàn.
Tiếp xúc với văn chương của Nguyễn Tuân, ta bắt gặp ẩn tàng trong những trang văn là “cảm xúc mạnh, là hơi thở nồng” (Nguyễn Đăng Mạnh) của cái tôi trữ tình nghệ sĩ mang khát vọng cuồng nhiệt, muốn biến những trang văn thành những trang hoa lộng lẫy, yêu kiều vừa mê hoặc, vừa thách đố người đọc. Được biết tới trong nền văn học Việt Nam với hình ảnh của một người nghệ sĩ ngông nghênh, kiêu bạc. Dùng cả cuộc đời của mình để theo đuổi chủ nghĩa xê dịch, đi một lối đi riêng biệt trong văn chương, Nguyễn Tuân in dấu đậm nét bản ngã của mình trong từng tác phẩm, từng hình tượng. Và Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” là một hình tượng điển hình cho vẻ đẹp xưa cũ. Tác phẩm lúc đầu tên là “Dòng chữ cuối cùng” đăng trên tạp chí Tao đàn số 29 năm 1938, sau đó được in trong tập “Vang bóng một thời” (một tập truyện ngắn có giá trị như một kiệt tác viết về những thú chơi tao nhã, về những con người tài hoa thời phong kiến) và đổi tên là “Chữ người tử tù”. Tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên năm 1940.
Nguyễn Tuân tài tình lắm, tài tình nhất là trong việc lựa chọn những nhân vật chính trong tác phẩm của mình. Tôi còn nhớ hình ảnh ông Lý Văn trong truyện “Ném bút chì”, với sức ngang tàng của cái “bút chì” ấy có thể lụy cả một cành tre, cho đến cái nghệ thuật cầu kỳ trong việc lồng ghép cả một tích truyện vào trong chiếc đèn xẻ rãnh của ông Cử Hai làm cho cậu con Ngộ Lang. Và cách lựa chọn nhân vật của Nguyễn Tuân, vẫn luôn cầu kỳ như vậy. Nguyễn Tuân tìm đến với nhân vật Huấn Cao cũng là thêm một lần nữa tìm về cái đẹp, thêm một lần nữa ghi dấu ấn bản ngã của chính bản thân mình lên những trang văn. Huấn Cao vốn là một anh hùng sa cơ lỡ vận, thủ lĩnh của những người “phản nghịch” đứng lên chống lại triều đình. Bị kết án tử, giam trong ngục tù chờ ngày xét xử nơi pháp trường. Chí lớn của cả một đời người nay bị kìm kẹp bởi vẻ ngoài của một người tử tù sắp đi vào cõi chết. Trước hết, Huấn Cao hiện lên là con người hết mực tài hoa, qua lời nhận xét của quản ngục và thầy thơ lại: “Văn võ đều toàn tài cả”. Ông có tài viết chữ rất nhanh, rất đẹp khiến mọi người ở vùng tỉnh Sơn khen ngợi không dứt miệng “chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm” hay “có được chữ Huấn Cao mà treo là có một báu vật trên đời.” Chữ được ví như một báu vật trên đời thì chắc hẳn trong con chữ ấy đã phải kết tinh đủ cái Tâm, cái Tầm của người nghệ sĩ. Cốt cách phi thường của một bậc đạo Nho đã khước từ Huấn Cao theo lễ nghi Nho học truyền thống mà chống lại những áp bức bóc lột của triều đình xuống dân mọn. Nếu ông theo triều đình, chắc hẳn ông đã được hưởng lộc trọn đời không hết. Nhưng không, trước cái khổ đau của người dân, ông không nỡ và càng không thể làm ngơ mà vạch ra con đường chính nghĩa: đứng lên đấu tranh đòi quyền cho những người dân vô tội. Nghiệp lớn không thành ông đã phải chịu cảnh tù đày, chờ ngày xử tử. Tiếng đồn ông có tài “bẻ khóa, vượt ngục” càng khẳng định sự vẹn toàn văn võ của ông.
Không chỉ vậy, Huấn Cao còn mang trong mình một khí phách hiên ngang, không chịu khuất phục trước quyền uy bạo lực. Thử hỏi trong xã hội đương thời rối ren đầy những bất công ấy, có mấy ai có đủ khí dung như Huấn Cao mà đứng lên lãnh đạo để phản kháng lại? Ngay cả đến khi mang phận tử tù ông cũng rất ung dung tự tại, không hề tỏ ra lo sợ. Thể xác ông tuy bị giam cầm mà tâm hồn vẫn tự do sảng khoái bằng hành động đáp lại sau lời dọa và giễu cợt của tên lính: “Huấn Cao lạnh lùng chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thanh gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”. Ông đứng đầu gông, cổ tuy chịu sự gông kìm nhưng vẫn mang trong mình tướng tá của một vị chủ soái: thất thế nhưng vẫn giữ được uy thế của mình. Ngay cả với viên quan coi ngục – kẻ tay sai đại diện cho tầng lớp thống trị “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây “, “đến cái cảnh chết chém, ông còn chẳng sợ nữa là cái trò tiểu nhân oái thị này”. Từ ngôn từ cho đến nếp nghĩ đều thể hiện sự hung hăng ngang tàn mà không một thế lực cường quyền nào có thể đè nén. Ông không hề sợ những sự trả thù mà mình có thể gánh chịu. Với ông, đó đều là những trò tiểu nhân ông đáng khinh gườm mà ông không cho phép mình cùng ngang với chúng “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (đói nghèo không thể lay chuyển, uy lực không thể khuất phục). Cái chết gần kề mà ông vẫn ung dung, bình thản đón nhận “thản nhiên nhận rượu thịt, coi đó như việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh lúc chưa bị giam cầm”. Tinh thần vẫn thoải mái, vẫn tự do hưởng lộc tự nhiên. Hỏi mấy ai trong thiên hạ gặp thế sa cơ còn có thể thư thái nhường vậy?
Sau tất cả, Huấn Cao chính là người có thiên lương trong sáng, nhân cách cao đẹp. Khi biết được tấm lòng viên quản ngục, Huấn Cao cũng ngỡ ngàng và vui vẻ nhận lời cho chữ “Ta rất cảm kích tấm lòng biệt nhãn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu
một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Huấn Cao bình sinh rất hiếm khi cho chữ, “không vì vàng ngọc hay quyền thế mà bắt mình phải viết câu đối bao giờ”. Ông cho việc chơi chữ là một thú vui tao nhã và cũng chỉ xứng đáng với những người có lương tri hướng về cái thiện. Hành động chấp nhận cho chữ của ông chứng tỏ ông là người yêu cái đẹp, mến cái tài, ông trân trọng mọi tấm lòng trong thiên hạ. Và đêm hôm đó, tại nơi ngục tù tối tăm bẩn thỉu đã diễn ra cảnh cho chữ mà thông thường nên phải ở những tầng lầu trăng thanh gió mát bên tách trà ấm của người quân tử. Sau cảnh cho chữ ấy, Huấn Cao càng khiến ta nể phục khi không chỉ biết cách giữ đức tính lương thiện của lòng mình mà cũng khuyên người khác cố giữ bản tính còn chưa bị chốn này làm vẩn đục: “Thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi”. Lời nói với viên quản ngục phải chăng là nói với cả một lớp người ngoài kia, Huấn Cao không hề muốn bùn nhơ làm vẩn đục những nhân cách đáng quý ấy. Nguyễn Tuân đã tạc cho nhân vật Huấn Cao một vẻ đẹp khá toàn diện: vừa tài hoa, vừa hiên ngang khí phách lại vừa mang một lý tưởng cao đẹp trong nhân cách bất chấp mọi quyền uy lẽ trái trên đời. Ông luôn đặt chữ “Tâm” lên trên chữ “Tài” và có quan niệm thống nhất giữa cái đẹp và cái thiện: cái đẹp và cái thiện chỉ có thể đi đôi với nhau, song hành với nhau, không bao giờ có thể tách rời nhau được. Đó cũng là quan niệm thẩm mĩ của Nguyễn Tâm đã hết lòng gửi gắm trong đó. Huấn Cao là một hình mẫu lý tưởng mang thiên lương thật đáng ngưỡng mộ.
Nhà phê bình văn học người Nga Bêlinxki từng viết: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó”. Nghệ sĩ là con người suốt đời đi tìm kiếm cái đẹp và làm rực sáng những cái đẹp, thiên nhiên tuyệt mỹ con người phải tài hoa, uyên bác. Và Nguyễn Tuân chính là một người nghệ sĩ tài hoa như vậy. Ông đã đem đến cho cuộc đời, cho nền văn học Việt Nam những quan niệm sáng tác lớn lao đầy triết lý. Ngòi bút của ông luôn hướng đến cái cao cả, lý tưởng và uyên thâm và làm cho nó cháy sáng như ngọn đuốc tỏa ra những miền nghệ thuật khác. Những tác phẩm của ông có giá trị như cốt lõi của cuộc sống, là những hiện tượng lớn lao, là sự lên tiếng của nghệ thuật. Ngòi bút ông làm nên tất cả! Bởi lẽ tất cả đã chiếu vào kiệt tác “Chữ người tử tù” của ông cũng cùng quan điểm ấy.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |