Truyện ngắn “Lão Hạc” đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc sâu sắc. Thông qua câu chuyện, Nam Cao muốn bày tỏ sự cảm thông với tình cảnh thống khổ của người nông dân và ca ngợi những phẩm chất quý báu ở họ; tố cáo, lên án xã hội cũ đã đẩy con người vào bi kịch đói khổ, bị tha hóa biến chất. Qua cái nhìn của ông giáo, Nam Cao đã gián tiếp thể hiện tấm lòng của mình với người nông dân và đặt ra vấn đề về “đôi mắt” : “Than ôi!Nếu những người ở xung quanh, ta không cố mà tìm hiểu họ, ta chỉ thấy họ bần tiện, ngu ngốc, xấu xa, bỉ ổi, toàn những lí do để ta không thương và không bao giờ ta thương”. Tác giả cũng đã sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật rất rõ nét được thể hiện qua những hành động, lời nói, nhiều đoạn đối thoại, độc thoại, sử dụng nhiều khẩu ngữ. Đặc biệt, để ông giáo vừa đóng vai trò người kể chuyện, vừa đan xen bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc về lão Hạc, về người vợ, về chính bản thân mình, tác giả đã tạo nên chất triết lí sâu sắc cho tác phẩm – một đặc điểm khá nổi bật trong sáng tác của nhà văn Nam Cao.