Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích tại sao anh ấy yêu công việc (Lặng lẽ Sapa)

phân tích tại sao anh ấy iu công vc
Bài lặng lẽ sapa
3 trả lời
Hỏi chi tiết
122
0
1
yukj
09/12/2021 09:20:25
+5đ tặng

Truyện Lặng lẽ Sa Pa được Nguyễn Thành Long sáng tác năm 1970. Tác phẩm xây dựng từ một tình huống thật đơn giản. Với câu chuyện bàng bạc chất thơ, Tác giả đã đưa người đọc đến với Sa Pa thơ mộng để cảm nhận về những con người lặng lẽ làm việc và lo nghĩ cho đất nước. Nhân vật chính trong truyện là anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Suy nghĩ và việc làm của anh thể hiện một vẻ đẹp tâm hồn, một tính cách của thế hệ thanh niên. Có thể nói chất thơ của truyện không chỉ ở những hình ảnh đẹp của thiên nhiên mà còn toát lên từ vẻ đẹp tâm hồn nhân vật chính trong truyện - Anh thanh niên.

Nhân vật chính của truyện - anh thanh niên - chỉ xuất hiện trong chốc lát nhưng là điểm sáng nổi bật nhất trong bức tranh mà tác giả tập trung thể hiện. Sức thu hút của anh chính là ở thái độ và những suy nghĩ về cuộc sống và công việc của một người sốngvà làm việc một mình giữa lặng lẽ của thiên nhiên. Tác giả khắc hoạ nổi bật hình ảnh anh thanh niên ở một hoàn cảnh sống và làm việc thật đặc biệt: Một mình trên đỉnh Yên Sơn, quanh năm suốt tháng giữa cái lặng lẽ mênh mông của cỏ cây, mây núi. Công việc của anh thật gian khổ, thật vất vả. Anh "Đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất". Anh phải dậy vào lúc 1 giờ đêm, khi bên ngoài rét đến nỗi lúc vào lại không ngủ được". Anh kể "Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: Nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung" Lời kể ấy chứng tỏ anh đã nếm trải gian khổ để mà hoàn thành công việc. Nhưng cái khó khăn, thách thức lớn nhât đối với anh chính là sự cô đơn thường trực, lúc nào cũng "thèm người".

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
Trọng
09/12/2021 09:27:09
+4đ tặng

Puskin từng viết: "Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút". Và trong tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa", Nguyễn Thành Long đã để tiếng lòng của mình cất lên, để linh hồn tác phẩm bay lên qua hình tượng nhân vật anh thanh niên. Tác phẩm có cốt truyện khá đơn giản. Tất cả xoay quanh cuộc gặp gỡ tình cờ giữa các nhân vật: ông họa sĩ, cô kĩ sư và anh thanh niên làm việc trên đỉnh núi Yên Sơn. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi chỉ có 30' nhưng đã để lại những dư vị ngọt ngào.

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến đi Lào Cai trong mùa hè 1970 của tác giả. Truyện rút từ tập “Giữa rừng xanh” in năm 1972. Truyện ca ngợi những con người sống đẹp. Trước hết đây là câu chuyện về anh thanh niên sống một mình trên đỉnh núi cao “bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”, anh vẫn chủ động gắn mình với cuộc sống chung.

Chất trữ tình trong tác phẩm trước hết là ở bức tranh thiên nhiên thẫm đẫm chất thơ, mơ mộng và đầy lãng mạn. Mỗi khi nhắc đến Sa Pa có lẽ người ta chỉ nghĩ đến những khung cảnh lạnh lẽo, với mưa phùn rả rích, cái lạnh thấm vào da thịt và cảnh vật. Nhưng SaPa dưới ngòi bút Nguyễn Thành Long lại hiện lên rất khác, rất mộng mơ, trữ tình.

Đó là những rặng đào, với những chú bò cổ đeo chuông đang thủng thẳng gặm cỏ ở thung lũng hai bên đường. Và cả một thiên đường đã vẽ ra trước mặt tác giả, bằng con mắt tinh tế và vô cùng tài hoa, người nghệ sĩ già đã vẽ ra trước mắt người đọc thật tuyệt mĩ: “Nắng bây giờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc, dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng.

Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luôn cả vào gầm xe”. Bằng điểm nhìn từ trên cao hạ thấp dần xuống dưới người họa sĩ đã nắm bắt trọn vẹn cái thần, cái hồn của cảnh vật. Bức tranh thiên nhiên Sa Pa tươi sáng, rực rỡ với ánh nắng ngập đầy đã khiến cả không gian trở nên ấm áp, và dường như ánh nắng vàng óng ả kia như những cái mật ong, rót xuống triền thung lũng, cỏ cây khiến chúng ngọt ngào hơn bao giờ hết. Hòa trong khung cảnh ấy là cái bồng bềnh, lãng đãng trôi của những đám mây. Chính trong khung cảnh đó đã tạo nên cuộc gặp đầy chất trữ tình ở phía sau.

Nhân vật chính của truyện là anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m. Anh không xuất hiện ngay từ đầu truyện mà chỉ hiện ra trong cuộc gặp gỡ chốc lát giữa anh với bác lái xe, cô kĩ sư, ông hoạ sĩ khi xe của họ dừng lại nghỉ. Mặc dù anh chỉ hiện ra trong chốc lát nhưng cũng kịp để các nhân vật khác kịp ghi nhận một cách ấn tượng, một kí hoạ chân dung thật đẹp về anh. Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, nhân vật anh thanh niên hiện ra đủ để cho mọi người cảm nhận được rằng “Trong cái lặng im của SaPa ... Sa Pa mà chỉ nghe tên người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”. Hoàn cảnh sống và công việc gian khổ giúp ta nhìn thấy những phẩm chất tốt đẹp của anh. Phẩm chất của anh thanh niên hiện ra qua góc nhìn, đánh giá của các nhân vật: Bác lái xe, ông hoạ sĩ, cô kĩ sư. Qua cách nhìn nhận và cảm xúc của mỗi người, hình ảnh anh thanh niên hiện ra rõ nét hơn và đáng mến hơn bao giờ hết.

Trước tiên ta thấy, hoàn cảnh sống và làm việc của anh đặc biệt gian khổ. Anh sống và làm việc một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m so với mặt biển, xung quanh không hề có một bóng người “bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”. Công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Công việc của anh không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ chính xác và phải có tinh thần trách nhiệm cao. Một ngày anh phải vào ốp bốn lần, nửa đêm đúng giờ ốp thì dù có mưa gió cũng phải trở dậy xách đèn ra ngoài trời làm công việc đã qui định. Những lúc ấy, anh cảm thấy “gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới”. Nhưng cái gian khổ nhất mà anh phải vượt qua chính là sự cô đơn buồn tẻ, quanh năm suốt tháng sống cô độc một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người.

Anh coi công việc chính là người bạn đồng hành với mình trong cuộc

sống.Thậm chí anh hiểu sự cống hiến của mình và nó sợ dây để gắn kết anh với mọi người xung quanh anh. Đối với anh, hạnh phúc là khi được cống hiến, tận tụy với công việc. Khi biết một lần tình cờ phát hiện ra một đám mây khô mà không quân ta hạ được bao nhiêu là phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng, anh thấy mình “thật hạnh phúc”.

Hạnh phúc đối với anh thật ý nghĩa biết bao khi anh cảm thấy mình đã góp phần vào thắng lợi của đất nước trong kháng chiến chống Mĩ. Có lẽ, chính những suy nghĩ với thái độ sống tích cực ấy đã khiến anh vượt qua khó khăn trong hoàn cảnh sống và công việc của mình mà hướng tới cuộc sống đẹp và ý nghĩa hơn.

Mặc dù sống có một mình trên núi cao, nhưng trong cuộc sống thường ngày, anh luôn sống có kỷ luật cao, luôn sống gọn gàng, ngăn nắp, đúng giờ giấc. Còn trong công việc anh luôn tôn trọng nghề nghiệp của chính mình. Ngày nào cũng thế, nửa đêm đúng giờ “ốp”, dù mưa tuyết lạnh giá thế nào anh cũng trở dậy ra ngoài trời làm việc.

Anh làm việc đều đặn, chính xác đủ bốn lần trong ngày vào lúc bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối và một giờ sáng. Để bớt đi cô đơn và tự thưởng thú vui tinh thần của chính mình, anh tự trồng hoa, nuôi gà, cấy rau... Nét đáng quý nhất của anh thanh niên là đức tính khiêm tốn giản dị. Cuộc sống riêng của anh thu gọn trong gian trái của căn nhà với một chiếc giường con, cái bàn học và chiếc giá sách. Những đóng góp của anh tuy thầm lặng nhưng rất lớn. Vậy mà anh luôn coi những đóng góp của mình là nhỏ bé, không có gì là đáng kể. Thấy ông hoạ sĩ vẽ phác họa chân dung của mình, anh tìm cách từ chối và nhiệt tình giới thiệu với ông hoạ sĩ những người mà theo anh là đáng khâm phục hơn. Trong giao tiếp với mọi người, ở anh toát lên một phong cách đẹp, một nét đẹp trong cử chỉ,

hành động, lời nói khiêm tốn, vui vẻ, chân tình, chu đáo và lịch sự: anh tặng củ tam thất cho vợ bác lái xe bị ốm, tặng hoa và tặng trứng cho cô kĩ sư nông nghiệp và ông họa sĩ già. Và khi chia tay thì anh cảm thấy thật lưu luyến và không quên hẹn gặp lại mọi người...

Có thể nói, ở anh thanh niên hình ảnh tiêu biểu đại diện cho những con người ở Sa Pa, là chân dung của người lao động mới mang trong mình sự hiểu biết về tri thức, sống tận tụy với công việc, luôn lạc quan, tin tưởng mạnh mẽ trong cuộc sống với một lí tưởng sống có ích cho cuộc đời. Chính điều đó đã giúp anh hoàn thành công việc xuất sắc, tỏa nắng và sưởi ấm cho mọi người xung quanh, ngay từ giây phút gặp gỡ ban đầu.

Với tình huống truyện nhẹ nhàng, đơn giản, ngôn ngữ giàu chất thơ, chất họa, truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long đã xây dựng thành công nhân vật anh thanh niên với những phẩm chất, cách sống đẹp điển hình cho thế hệ trẻ trong thời kỳ mới. Anh thanh niên cùng với các nhân vật khác như cô kĩ sư, ông hoạ sĩ , ông kĩ sư vườn rau ... đã tạo nên một tập thể những con người lao động khoa học lặng lẽ mà khẩn trương vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống của mọi người. Với những thành công như thế, truyện được xem là một trong những truyện ngắn hay nhất của nền văn học hiện đại Việt Nam. Hình ảnh anh thanh niên đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ bạn đọc. Để mỗi lần lần giở trang văn của Nguyễn Thành Long chúng ta cảm thấy rung lên cảm xúc yêu mến, cảm phục, tự hào để sống có ích hơn.

1
0
D•Akiko(„ಡωಡ„)
09/12/2021 09:30:13
+3đ tặng
Thông qua câu chuyện giữa bốn nhân vật: bác lái xe, ông họa sĩ già, cô gái trẻ mới ra trường và anh thanh niên cán bộ khí tượng, tác giả muốn giới thiệu với ta về một vùng đất “lặng lẽ” đang có những con người “lặng lẽ” âm thầm nhưng mê say hiến dâng tuổi trẻ và tình yêu của mình cho đất nước quê hương.
 
Câu chuyện giữa họ diễn ra trong một khung cảnh đầy ấn tượng: trên đỉnh cao hai ngàn sáu trăm thước. Càng lên cao, cảnh “đẹp một cách kì lạ”. Người lái xe bắt đầu kể với họa sĩ về một thanh niên “cô độc nhất thế gian”. Có lẽ trong chuyến đi thực tế cuối cùng của họa sĩ, ông lại không ngờ có một câu chuyện cuốn hút ông đến vậy. Ông “xúc động” còn cô gái trẻ đi bên ông thì víu chặt lấy vai ông “nửa vì tò mò, nửa vì để tự vệ chống lại một cái gì đó”. Không tò mò, không xúc động sao được khi có người “một mình trên đỉnh núi”, bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo, cô độc, “thèm người” đến nỗi từng hạ cây chắn đường ô tô để được… nghe thấy tiếng người. Gặp bác lái xe (giờ đã là người quen) anh thanh niên hết sức chu đáo gửi tam thất cho vợ bác vì “bác gái vừa ốm dậy”. Chi tiết này cho thấy, dẫu phải sống một mình, anh thanh niên vẫn dành sự quan tâm của mình cho người khác. Nhận được sách anh “mừng quýnh” vì sách chính là người “trò chuyện” với anh, nhờ có sách mà anh chống chọi được với sự vắng lặng gần như tuyệt đối ở xung quanh, nhờ có sách mà anh tiếp tục học hành mở mang kiến thức.
 
Khi được nghe bác lái xe kể, họa sĩ đã bất ngờ. Đến khi được lên thăm nơi ở, nơi làm việc của anh thanh niên, họa sĩ lại càng bất ngờ. Ông cứ nghĩ, việc anh thanh niên về nhà trước là để “chuẩn bị”. Ai dè, anh hái hoa để tặng khách. Ngôi nhà của anh thật đơn sơ, nhưng hoa thì đủ loại: “hoa đơn, hoa thược dược vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong”… vườn hoa cùng với sắc màu của nó nói với ta về tâm hồn anh, về cách sống của anh. Trên đỉnh núi lạnh lẽo, không một bóng người, người ta có thể cho phép mình một chút cẩu thả, một chút chán buồn lắm chứ? Và nếu thế, ai nỡ trách, người ta có thể thông cảm mà bỏ qua. Người thanh niên không như vậy, mà trái lại, trong lòng anh luôn sáng lên một niềm tin yêu đời. Chính ở trong ngôi nhà ấy, họa sĩ mải mê nghe người cán bộ khí tượng tự kể về mình, và ông không lường được rằng, tại đây ông “đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết” và chỉ cần điều đó thôi đã “đủ là giá trị một chuyến đi dài”.
 
Hồ hởi, thích giao tiếp nên anh khao khát được trò chuyện, được giãi bày. “Trời ơi, chỉ còn có năm phút.” anh giật mình nói to, nhoẻn cười nhưng lại là nụ cười “tiếc rẻ”. Khách ra đi, anh lại phải một mình “đo nước”, “đoán gió”, lội qua mưa tuyết để phục vụ sản xuất và chiến đấu. Cuộc đối thoại ngắn ngủi đã giúp họa sĩ nhận ra tinh thần “đoàn viên” hết lòng vì công việc của anh thanh niên. Chính anh đã góp công không nhỏ vào việc hạ máy bay Mĩ trên cầu Hàm Rồng. Nhưng khi thấy họa sĩ “bất giác hí hoáy” vẽ chân dung, anh khiêm tốn “Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu vối bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn”. Rồi anh kể về anh bạn trên đỉnh Phăng Xi Păng cao 3.142 mét, đồng chí nghiên cứu sét “mười một năm không một ngày xa cơ quan”, về người bố của mình.
 
Cũng như anh thanh niên, họ sẵn sàng hi sinh quyền lợi riêng vì công việc. Trong họ, luôn luôn cháy lên ngọn lửa lí tưởng cao đẹp “mình sinh ra làm gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc”.
 
Có thể nói, nhà văn đã hóa thân vào nhân vật họa sĩ để ngẫm về đất Sa Pa, người Sa Pa: “Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.” Những con người ấy, giờ đang đối diện với ông, bằng xương bằng thịt – anh thanh niên khí tượng kiêm vật lý địa cầu hai mươi bảy tuổi. Chính anh đã giúp ông thêm yêu cuộc sống. Giờ đây, lồng ngực ông như có thêm một trái tim nữa, hay trong ông quả tim cũ đã được “đề cao” lên? Ông thấy anh thanh niên, mặc dù “đáng yêu thật”, nhưng khiến ông “khó nhọc quá”?
 
Người họa sĩ thấy khó nhọc bởi biết làm sao để bức họa của ông có thể nói được nhiều nhất, diễn tả một cách có thần nhất những điều kì diệu mà ông đã từng chứng kiến. Về một phương diện nào đó, chuyến đi đã thành công ngoài dự kiến của họa sĩ, và cái nhọc kia cũng là một niềm hạnh phúc đấy thôi.
 
Còn cô gái? Những gì cô đã nghe, đã thấy đã làm cho cô thêm tin vêu cuộc đời. Bó hoa mà cô đón nhận từ chàng trai làm cho cô cảm động bởi hơi ấm tình người. Đến với cô, hóa ra không chỉ âm vang của một vùng đất mà còn có hương vị của vùng đất ấy. Trên “con đường cô đang đi tới” cái hương sắc của những bông hoa kia sẽ giúp cho cô vượt bao khó khăn. Phút chia tay, cô gái “cẩn trọng, rõ ràng, như người ta cho nhau cái gì chứ không phải là cái bắt tay”. Có lẽ, cô muốn gửi lại cho người con trai một kỉ niệm, và trong cái liếc mắt rất nhanh nhìn bác già, lòng hồi hộp nhưng vẫn im lặng kia biết đâu sẽ… phía sau cái lặng im, lặng lẽ kia, những âm thanh sống động của cuộc đời vẫn ngân lên những giai điệu riêng của nó. Đó là giai điệu của niềm tin, của sự mê say đến quên mình.
 
Không có những tình tiết li kì, phức tạp, Lặng lẽ Sa Pa cuốn hút người đọc ở sự giản dị đến mức không ngờ của nó! Các nhân vật, kể cả nhân vật chính đều không có tên. Đây là dụng ý nghệ thuật của tác giả. Nhà văn muốn nói về những người vô danh, họ xuất thân từ những vùng đất khác nhau, làm những công việc khác nhau, nết tính khác nhau nhưng lại gặp nhau ở một điểm: “Lặng lẽ dâng cho đời” “tình yêu của mình”.
 
Được biết, trước khi Lặng lẽ Sa Pa được in trên tạp chí Tác phẩm Mới, Nguyễn Thành Long rất công phu rút gọn, ông chỉ giữ lại những chi tiết gây ấn tượng nhất với người đọc. Quả thật, cũng giống như họa sĩ và cô kĩ sư nông nghiệp, người đọc cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì vẻ đẹp của đất Sa Pa, người Sa Pa. Vẻ đẹp ấy được thể hiện qua một lời văn trau chuốt, mượt mà và đầy chất thơ. Ngay cả nhan đề tác phẩm cũng là một nhan đề rất thơ mộng.
 
Chỉ cần non tay một chút thôi, dài lời một chút thôi, thật khó mà có Lặng lẽ Sa Pa, bởi câu chuyện chỉ viết về những người bình thường trong một nhịp sống bình thường. Thế nhưng, nhà văn đã phát hiện ra phía sau cái lặng lẽ kia là những âm vang và sắc hương của cuộc sống. Có lẽ, nhân vật chính còn có nhược điểm là nói hơi nhiều (lẽ ra chỉ suy nghĩ) song câu chuyện về anh vẫn cuốn hút người đọc bởi sự chân thực của cảm xúc, sự trong sáng của ngôn từ. Viết về một thời kì lịch sử, khi phong trào “Ba sẵn sàng”, “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, đang triển khai, Lặng lẽ Sa Pa thêm một tiếng nói để ngợi ca cuộc sống và tái hiện một cách khá thành công tinh thần của thời kì lịch sử ấy. 

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo