Từ TP. Quy Nhơn, đi theo quốc lộ 19 về hướng tây bắc hơn 42km, du khách sẽ đến thị trấn Phú Phong quê hương của 3 anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ... Qua cây cầu Kiên Mỹ bắc ngang sông Côn với hai bên bờ là những nương dâu xanh mướt, những nếp nhà thấp thoáng sau rặng tre, du khách sẽ đến quần thể di tích bảo tàng Quang Trung, gồm hai công trình chính là bảo tàng Quang Trung và đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt.
Bảo tàng Quang Trung tọa lạc trong một khuôn viên rộng 150.000m², bao gồm các hạng mục: nhà trưng bày, nhà biểu diễn nhạc võ Tây Sơn, nhà rông Tây Nguyên... Đây là một trong những bảo tàng Danh nhân lớn nhất và thu hút lượng khách đến tham quan du lịch, học tập nhiều nhất trong cả nước.
Nhà trưng bày có kiến trúc vừa hiện đại vừa cổ kính với hệ thống mái lợp ngói âm dương tráng men mang dáng dấp mái đình, chùa Việt Nam vào thế kỷ 18. Công trình gồm 9 phòng, trưng bày hơn 11.000 tư liệu, hiện vật xuyên suốt qua các thời kỳ phát triển của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung (1788-1792) với các chủ đề: “Bối cảnh lịch sử trước khởi nghĩa Tây Sơn”, “Quê hương và thời niên thiếu của các thủ lĩnh Tây Sơn”, “Chuẩn bị khởi nghĩa”, “Bước phát triển của phong trào giải phóng phủ Quy Nhơn và Quảng Ngãi”, “Chống phong kiến và thống nhất đất nước”, “Chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập”, “Xây dựng đất nước”, “Bày tỏ lòng biết ơn người anh hùng áo vải Quang Trung”.
Phía trước nhà trưng bày là tượng đài Hoàng đế Quang Trung dáng điệu oai phong, lẫm liệt.
Nằm cạnh nhà trưng bày là nhà biểu diễn nhạc võ Tây Sơn - nơi biểu diễn võ thuật cổ truyền và trống trận Quang Trung phục vụ du khách. Tương truyền, 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã có vai trò rất lớn trong việc sáng tạo, phát triển và hoàn thiện các môn võ Bình Định, cải cách nâng cao các bài quyền, côn, binh khí để truyền dạy cho nghĩa quân Tây Sơn. Cũng chính Nguyễn Huệ đã chủ trương đưa nhạc trống vào luyện võ nhằm khích lệ tinh thần chiến đấu của quân lính, tạo thành tác phẩm khí nhạc góp phần vào thắng lợi đánh tan 29 vạn quân Thanh, tiến vào giải phóng thành Thăng Long mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789). Nhạc trống Tây Sơn còn truyền lại tới ngày nay với tên gọi trống trận Quang Trung. Dàn trống trận Quang Trung gồm 12 chiếc, tượng trưng cho 12 con giáp. Mỗi bài trống gồm 3 hồi mang âm hưởng các bài nhạc tuồng. Hồi Xuất quân có sử dụng khổ Trống khách với nhịp điệu chậm, kêu gọi tập hợp lực lượng chuẩn bị xuất phát lên đường, hồi Xung trận - Phá thành sử dụng bài trống Tẩu mã với nhịp điệu nhanh, dồn dập, hùng mạnh, thúc giục quân sĩ tiến lên, hồi Khải hoàn ca mang âm hưởng của bài trống Ba bảy với nhịp điệu vui tươi.
Tọa lạc tại vị trí đẹp trong khuôn viên bảo tàng với lưng tựa núi, mặt hướng ra dòng suối trong xanh, nhà rông Tây Nguyên được xây dựng theo lối kiến trúc nhà rông truyền thống của dân tộc Ba Na. Nhà cao 17m, rộng 9m, dài 19m, gồm 6 cây đà dài 9m, 6 vì kèo và 12 cây cột cao 9m, đường kính 0,4m,... Đây là công trình do UBND tỉnh Gia Lai xây tặng tỉnh Bình Định nhằm ghi nhớ sự đóng góp tích cực của đồng bào Ba Na và các dân tộc Tây Nguyên vào phong trào khởi nghĩa Tây Sơn từ những buổi đầu thành lập. Tại đây, du khách còn có dịp thưởng thức văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với nhiều tiết mục múa đặc sắc và các trò chơi dân gian hấp dẫn