Theo nghĩa rộng, các quan hệ lao động bao gồm: quan hệ lao động của cán bộ, công chức nhà nước, quan hệ lao động của người làm công ăn lương và quan hệ lao động mang tính tự nguyện của các xã viên hợp tác xã...
Trong điều kiện nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, luật lao động điều chỉnh cả quan hệ lao động của công nhân và quan hệ lao động của công chức, viên chức nhà nước. Hiện nay, trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ lao động trên mang các đặc điểm khác nhau nên do nhiều ngành luật khác nhau điều chỉnh (luật lao động, luật hành chính, luật hợp tác xã...). Đó cũng là thông lệ chung trên thế giới.
Quan hệ xã hội hình thành giữa người lao động làm công và người sử dụng lao động phát sinh trên cơ sở hợp đồng lao động.
Đây là quan hệ lao động đặc trưng của nền kinh tế thị trường, phát triển đồng bộ với sự phát triển của nền kinh tế; còn được gọi là quan hệ lao động làm công ăn lương để phân biệt với quan hệ lao động của công chức nhà nước và một số quan hệ lao động khác. Trong nền kinh tế thị trường, luật lao động chủ yếu điều chỉnh quan hệ lao động này.