1. Đa dạng hoá chủng loại rau:
Việc đa dạng hoá các loại rau – luân phiên thay đổi chủng loại trong các năm, là một trong những biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vì kẻ thù của cây rau (sâu, động vật ký sinh…) sẽ biến mất trước khi loài rau yêu thích được gieo trở lại, bởi loài rau ấy không được gieo trồng quá lâu nên sâu bọ không có điều kiện sinh sôi, phát tán rộng.
2. Định hướng chọn loại rau:
Trong tự nhiên, một số loài rau có khả năng chống chịu tốt với sâu, bệnh. Giải pháp này tỏ ra rất hiệu quả trong trường hợp muốn hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không quá đặt nặng mục tiêu đạt sản lượng cao, khá phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ lẻ ở địa bàn tỉnh ta. Khi đó, người nông dân có xu hướng lựa chọn những giống rau ít bị sâu bệnh, thu hoạch ngắn ngày để bổ sung vào nguồn thu nhập từ nông nghiệp của mình.
3. Diệt cỏ dại tận gốc:
Thường chúng ta diệt cỏ chỉ xới trên mặt hoặc phun thuốc, nhổ bằng tay… Tuy nhiên, cỏ có hệ rễ rất phát triển, có khả năng tái sinh rất nhanh, với phần rễ củ còn lại, dù là ít hoặc bị tổn thương. Cỏ dại lại là môi trường tốt để sâu bệnh phát triển. Chính vì vậy, trước khi trồng, phải diệt cỏ tận gốc, moi cả rễ…. nhằm ngăn cỏ dại tranh chất dinh dưỡng của cây rau…
4. Tăng cường công tác dự tính dự báo:
Một số bệnh phát sinh, phát triển và nhanh chóng phá hoại rau ngay khi vừa xuất hiện. Do đó, cần phun thuốc kịp thời khi thời tiết có dấu hiệu thuận lợi cho sự phát triển của mầm bệnh. Tiến tới dự báo tình hình sâu, bệnh thông qua hệ thống mô hình hoá rủi ro có tính đến những dữ liệu cụ thể (giống cây, đặc điểm thời tiết của địa phương, thời điểm gieo trồng và nảy mầm, tưới tiêu…) cho phép giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng.
5. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng :
Khi sâu, bệnh đã đến ngưỡng phải phun trừ, bà con nông dân phải tuân thủ theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, Đúng liều lượng và nồng độ, Đúng lúc, Đúng cách.
Ngoài ra, trong việc lựa chọn thuốc, bà con có thể ưu tiên lựa chọn các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vi sinh để hạn chế tồn dư, bảo đảm an toàn đối với thực phẩm
Như vậy, muốn đạt được mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất rau, đồng thời hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì người nông dân là nhân tố quyết định quan trọng từ các khâu chọn giống, canh tác đến thu hoạch. Việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng rau nếu được thực hiện sâu rộng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo hài hòa với yếu tố an toàn thực phẩm./.