Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Từ Đại hội Đảng lần thứ VI đến Đại hội Đảng lần thứ XII, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được hoàn thiện và được chứng minh tính đúng đắn trên thực tế khi đã giúp đất nước ta thoát khỏi thời kỳ khó khăn về kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng có lúc thuộc nhóm cao nhất thế giới. Từ nước nghèo, thu nhập thấp, Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới của nền kinh tế Việt Nam để đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, Đảng và Nhà nước đang nghiên cứu, xem xét những vấn đề đặt ra để hoàn thiện hơn thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong đó, vai trò kiến tạo của Nhà nước, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, vai trò của kinh tế tư nhân được nhìn nhận sẽ là những trụ cột để tạo nên sức mạnh kinh tế cho quốc gia. Nhận diện và chấn chỉnh các biểu hiện chệch hướng trong quá trình xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng là vấn đề thường xuyên, không thể xem nhẹ.
Lịch sử kinh tế thế giới đã và đang ghi nhận hai sự kiện tầm cỡ quốc tế lớn lao: Thứ nhất, sự sụp đổ Liên Xô trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX như là minh chứng cho sự thất bại của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ theo mô hình Xô-viết. Thứ hai, cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính khởi đầu năm 2008 ở Mỹ và lan tỏa toàn cầu trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI như là minh chứng cho sự thất bại của mô hình kinh tế thị trường tự do tối đa kiểu Mỹ.
Nhân loại đứng trước sự lựa chọn và yêu cầu mới về sự kết hợp hài hòa bàn tay thị trường với bàn tay nhà nước trong mô hình kinh tế mới phù hợp với điều kiện cụ thể và đặt mục tiêu lợi ích quốc gia lên hàng đầu theo yêu cầu phát triển bền vững của mỗi nước.
Một định hướng phát triển phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Trong bối cảnh đó, sự phát triển nhận thức của Đảng từ Đại hội VI đến Đại hội XII về mô hình kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), cũng như mối quan hệ và sự kết hợp giữa Nhà nước với thị trường là cả một quá trình tìm tòi, trải nghiệm, phát triển từ thấp lên cao, ngày càng đầy đủ và hoàn thiện hơn.
Đến Đại hội XII, mô hình KTTT định hướng XHCN ở nước ta đã được khắc họa rõ nét và đầy đủ hơn. Báo cáo do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc Đại hội XII của Đảng sáng 21-1-2016 đã nhấn mạnh: “Thống nhất nhận thức nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường; đồng thời, bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội…”.
KTTT có tính đa dạng và gắn liền với sự phát triển của sản xuất hàng hóa tại những quốc gia có những chế độ chính trị-xã hội khác nhau. Quan hệ Nhà nước với thị trường trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam không phải là quan hệ xung khắc, loại trừ và kiềm chế nhau, mà là mối quan hệ tương hỗ, chế định, cùng vận động và bổ sung cho nhau trong một chỉnh thể và cùng hướng tới mục tiêu chung là xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Theo đó, một mặt, cần tôn trọng các nguyên tắc và quy luật KTTT và các cam kết hội nhập quốc tế nhằm tạo môi trường và động lực cạnh tranh đầy đủ, minh bạch, khai thác các nguồn lực và không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư xã hội. Mặt khác, không tuyệt đối hóa vai trò của thị trường, xem nhẹ vai trò kiến tạo và điều chỉnh theo tín hiệu thị trường, kiểm soát an toàn vĩ mô của Nhà nước. Một thị trường hoàn hảo, đồng bộ không chỉ giúp phát huy tính năng động, sáng tạo, trách nhiệm cá nhân và sự phân bổ các nguồn lực công bằng, hiệu quả, mà còn góp phần tạo áp lực hoàn thiện nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, sự minh bạch của các thể chế nhà nước. Hơn nữa, hệ thống thị trường hoàn hảo không thể hình thành đồng bộ và vận hành đầy đủ, lành mạnh trong điều kiện một Nhà nước yếu kém, thiếu trong sạch. Đến lượt mình, một Nhà nước vững mạnh là điều kiện và luôn có tác động tích cực cho sự phát triển đồng bộ, làm lành mạnh hóa các yếu tố thị trường và các loại thị trường, giúp khắc phục các thất bại, khuyết tật của thị trường và bảo đảm công bằng xã hội; giảm tác động mặt trái của tính tự phát, sớm nhận diện, ngăn chặn và kiểm soát khủng hoảng, bảo đảm tăng trưởng bao trùm và hài hòa lợi ích theo yêu cầu phát triển bền vững quốc gia và quốc tế…
Cần nhấn mạnh rằng, nếu như tính KTTT của nền kinh tế Việt Nam được thống nhất khẳng định là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật và tuân thủ đúng quy trình của KTTT, thì tính định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước lại được thể hiện ở mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và được bảo đảm bởi sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Sự kết hợp hiệu quả giữa tính KTTT và tính định hướng XHCN cũng chính là đáp ứng xu hướng mới mang tầm vóc thời đại, đòi hỏi có sự kết hợp tất yếu của bàn tay thị trường với bàn tay nhà nước trong một mô hình quản lý xã hội mới đang dần định hình trên thế giới, nhất là từ sau những cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội liên tiếp xảy ra trong những thập niên cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI trên quy mô toàn thế giới và trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Sự kết hợp bàn tay thị trường với bàn tay nhà nước là việc lựa chọn và kết hợp để tạo hiệu ứng tổng hợp tích cực những điểm tốt của mỗi cách thức quản lý kinh tế, đồng thời góp phần giảm những tác động mặt trái của chúng, tạo động lực mạnh mẽ, kiểm soát chặt chẽ các rủi ro và nâng cao hiệu quả, chất lượng tăng trưởng, hài hòa các mục tiêu, củng cố định hướng và yêu cầu phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Vai trò quan trọng của Nhà nước trong nền kinh tế
Nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta được hình thành và phát triển trên cơ sở phát huy vai trò làm chủ xã hội của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo. Nhà nước ngày càng tăng dần vai trò chủ thể quản lý và thu hẹp dần vai trò chủ thể về kinh tế. Theo đó, Nhà nước thực hiện quản lý nền kinh tế, định hướng, điều tiết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất, bảo đảm cho thị trường phát triển, tuân thủ các quy luật của KTTT, tương thích với thông lệ của các nước; kiến tạo được môi trường vĩ mô; xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở và bảo đảm an sinh xã hội; ban hành cơ chế chính sách về phân bổ nguồn lực, phân phối và phân phối lại theo hướng bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường. Đồng thời, Nhà nước phải bảo đảm được vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, hoàn thiện các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong việc chấp hành các chính sách chế độ, sử dụng các chương trình đầu tư tín dụng để tạo điều kiện và hướng dẫn sự phát triển của các ngành, các địa phương và các thành phần kinh tế.
Quản lý nhà nước đúng đắn không phải là bất chấp cơ chế thị trường, mà sử dụng cơ chế thị trường để điều tiết sự vận động của hàng, tiền, của các yếu tố thị trường, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực. Các chủ trương, chính sách kinh tế và tổ chức thực hiện chính sách của Nhà nước phải phù hợp với cơ chế thị trường, mang lại lợi ích và công bằng xã hội, ổn định và tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, ngăn ngừa tình trạng độc quyền, lạm dụng và nhân danh KTTT hay bàn tay nhà nước để can thiệp làm méo mó thị trường, lệch lạc các nguồn lực và tổn hại lợi ích cộng đồng, hạn chế các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, mà những bất cập trong quản lý đầu tư công và cả những dự án BOT giao thông đang minh chứng cho những điều đó…
Giải quyết quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong xây dựng nền KTTT định hướng XHCN là một sự nghiệp chưa có tiền lệ trong lịch sử và là một quá trình mở, đòi hỏi sự sáng tạo và bản lĩnh cách mạng của Đảng, trên cơ sở nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của KTTT, thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam.
Những vấn đề lớn đang đặt ra
Thực tế cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, về cơ bản Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền KTTT định hướng XHCN với những thành tựu KT-XH ngày càng to lớn. Thể chế KTTT, đặc biệt là hệ thống luật pháp và bộ máy quản lý ngày càng được xây dựng, hoàn thiện theo hướng tiến bộ, phù hợp. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả. Dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng. Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Tuy nhiên, do phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một sự nghiệp, một quá trình chưa có tiền lệ nên có những vấn đề đặt ra trong điều kiện hiện nay cần phải được tiếp tục xem xét, hoàn thiện:
Thứ nhất, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng là một nền kinh tế mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước và những giá trị XHCN mà chúng ta đang phấn đấu. Thế nhưng, vấn đề cần xem xét là liệu chúng ta có thể nghiên cứu để áp dụng nhiều hơn, đầy đủ hơn những quy luật, những giá trị chung của thể chế kinh tế thị trường-một thành tựu của nhân loại vào nền kinh tế của chúng ta, nhằm tạo thuận lợi sự phát triển vừa nhanh hơn, vừa bền vững hơn hay không? Nếu thế thì cần phải có những điều kiện nào kèm theo?
Thứ hai, định hướng của Đảng và Nhà nước và thực tiễn vừa qua đã chứng minh rằng, để phát triển nền kinh tế Việt Nam không thể chỉ dựa vào một thành phần kinh tế nào, mà cần phải khơi dậy được mọi tiềm năng, mọi nguồn lực của đất nước, với một khát vọng chung là xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. Để hiện thực hóa điều đó, cả nước đang phát động một tinh thần khởi nghiệp với mục tiêu là tới năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp. Như vậy, nòng cốt để phát triển kinh tế Việt Nam, là chỗ dựa bền vững cho kinh tế đất nước, phải chăng là mọi thành phần kinh tế trong nước, bao gồm cả: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân? Như vậy, về định hướng vĩ mô, liệu chúng ta cần có sự thay đổi nào không để khơi dậy được mọi tiềm lực kinh tế của đất nước, tạo ra một sân chơi thực sự công bằng, bình đẳng, trong thụ hưởng chính sách, được tiếp cận các nguồn lực và việc tuân thủ luật pháp?
Thứ ba, với những biểu hiện lợi ích nhóm, biểu hiện của chủ nghĩa tư bản thân hữu đang diễn ra trong nền kinh tế, cần phải có giải pháp gì để ngăn chặn, để bảo đảm rằng những lợi ích từ phát triển kinh tế đất nước sẽ không bị một bộ phận thiểu số trong xã hội chiếm dụng, mà sẽ được chia sẻ công bằng; bảo đảm rằng sự phát triển của đất nước là sự phát triển có tính bao trùm chứ không quá thiên lệch, tạo ra sự phân biệt về giàu nghèo quá lớn giữa các vùng miền, giữa các thành phần, đối tượng trong xã hội.
Thứ tư, cần có chiến lược, cùng những giải pháp hữu hiệu như thế nào để việc phát triển kinh tế của đất nước bảo đảm hài hòa hai yếu tố đó là: Phát triển “nhanh” và “bền vững”. Đây là hai yêu cầu song hành. Bởi với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam nếu không có giải pháp để đạt một tốc độ phát triển ở mức cao thì rất dễ bị tụt hậu, rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Thế nhưng, việc phát triển nhanh về kinh tế phải bảo đảm yếu tố bền vững, đó không phải là sự phát triển bằng mọi giá, đặc biệt không phải là việc hy sinh môi trường sống để phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế đất nước không ngoài mục đích nào khác là để bảo đảm cho mọi người dân có một cuộc sống sung túc, hạnh phúc.
Động lực và triển vọng hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục phụ thuộc vào những nhận thức và hành động thực tiễn mới, đầy đủ, sâu sắc hơn về phát triển KTTT định hướng XHCN tại Việt Nam.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |