Còn nhớ hồi nhỏ tôi được mẹ ru bằng những lời ru buồn, tôi cứ ngủ yên đi, chẳng hiểu đó là những vần điệu nào. Khi tôi lớn lên, giọng mẹ lại dìu dặt bên nôi em nhỏ tôi. Hóa ra mẹ đã ru chúng tôi bằng Truyện Kiều, bằng cái đoạn “buồn trông…”…cùng đôi đoạn sầu thương khác. Rồi đến lượt mình, chính tôi lại ru con , ‘ru’ nhiều lớp học bằng hợp khúc “buồn trông” của thi hào Nguyễn Du:
….Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dầu dầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi…
Lại nhớ thêm những dịp chuyện trò cùng anh bạn ham dốc sức vào ngôn ngữ văn chương. Anh bảo rằng lời thơ Nguyễn Du có ma lực ghê gớm. Tôi không am tường sâu phép tổ chức những con chữ và phối thanh bằng anh. Nhưng thú thật mỗi khi gợi nhắc đoạn thơ đó, đúng là một tổng thể tâm trạng cảm thương buồn nhớ, đợi chờ…ùa đến, xâm chiếm tức thời tim óc tôi, cứ y như của tôi, từ trong tôi bật ra vậy. Cả một khối lời, không ẩn chứa một tích cổ như thường thấy trong thơ xưa. Thử đọc lại và ngẫm thêm:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Sáu chữ thôi chẳng có tu từ gì cả, mà câu mở đoạn đã mở ra một tâm trạng thấm buồn (buồn trông), một không gian gợi buồn (cửabể) một thời gian đượm buồn (chiều hôm) của người đang lẻ loi, ngóng đợi. Bạn tôi gật gù tâm đắc: đọc kỹ mà xem, cả đoạn thơ chỉ gồm bốn cặp lục bát mà sao chất chứa lắm từ láy đến thế: thấp thoáng, xa xa, man mác, dầu dầu, xanh xanh, ầm ầm. Những con chữ láy lại làm ý tưởng trầm xuống, tỏa lan ra, nhập vào hồn mình.
Tôi nhẩm lại, quả thật những từ láy, những nốt luyến láy ấy cộng hưởng với bốn điệp ngữ “buồn trông” trỗi lên ngay đầu các câu lục , tạo nên một hợp âm dồi dào thanh bằng, thấm thía bao nỗi niềm. Đoạn thơ – cũng như nhiều khúc tiêu tao – chiếm lĩnh người đọc trước hết bằng thanh âm, bằng nhạc điệu. Những sóng âm huyền diệu đó chở các hình ảnh thơ đến thẳng lòng người. Vương trong mắt người con gái bán mình đang buồn trông, mọi hình ảnh vừa nổi chìm, trôi dạt (con thuyền, cánh buồm, ngọn nước sa,hoa trôi theo dòng chảy…) , vừa có gì như mù mịt, nhạt nhà (nội cỏ dầu dầu, chân mây mặt đất một màu…). Đây là hình ảnh thật hay, hình ảnh tưởng tượng, huyễn hoặc trong tâm trạng cô thiếu nữ đáng thương. Có thể cả hai. Lúc này, Kiều lần đầu xa nhà ,bị khóa trong lầu Ngưng Bích của Tú Bà. Nàng tuy phải thất thân cùng họ Mã nhưng cũng chưa dấn mình vào đời mưa gió ê chề. Phải chăng vì thế hình ảnh đầu tiên “thuyền ai thấp thoáng …” ẩn chứa thấp thoáng tia hy vọng. Nhưng rồi “chân mây mặt đất” mênh mang xóa đi tầm ngóng trông và lắng đọng lại nỗi buồn thất vọng. Cuối cùng â mthanh ghê người của tiếng sóng ầm ầm làm nổi lên nỗi sợ hãi như bắt Kiều nhận những thứ hữu hình: số phận, định mệnh khắc nghiệt! Nhưng dẫu sao đó mới chỉ là linh cảm về một sự đe dọa cuốn vùi cho nên buồn lo hãi hùng mà chưa đau đớn. Phải đến khi “bướm chán ong chường” trong cảnh “mưa dập gió dìu” chốn lầu xanh, Kiều mới thật thấm nỗi đau tê tái, sỉ nhục. Khi ấy, Nguyễn Du mới viết:
Ôm lòng đòi đoạn xa gần,
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau!
Cũng lúc đó, Kiều mới nghĩ mình “tan tác như hoa giữa đường”. Còn bây giờ, trước lầu Ngưng Bích khóa xuân, thân gái xa nhà chỉ thấy “hoa trôi man mác”. Cánh hoa thân phận Kiều nhi đang trôi theo dòng đời chẳng biết điểm dừng.
Trong không gian nghiệt ngã cầm hãm, con người lỡ bước luôn cố vọng trông, tìm ra không gian mơ ước. “Những con người thoát li của Truyện Kiều” – Tạp chí Ngôn ngữ số 3.1991. Từ trong cái “phòng giam” chật chội của mụ trùm nhà chứa, nàng Kiều hướng tới quê nhà, hướng tới một lối thoát. Nhưng ác thay, nàng chỉ đón nhận thêm lo buồn. Làm sao có đường thoát khi “ sóng gió” vây bủa bốn bên. Lạ lùng và ghê ghớm chưa, ‘tiếng sóng’ không chỉ ầm ầm một phía, “tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”!
Đúng như một ý kiến thẩm định rằng đọc Kiều, có thể mỗi sự kiện, mỗi tâm trạng là một câu , thì về phương diện ngữ pháp, mỗi câu ấy đều được kết thúc bằng một chấm than…Những dấu chấm than ấy, một mặt là những trùng điệp da diết của nhà thơ, mặt khác luôn mang thêm ý nghĩa mới. Nhận xét này rất hợp với đoạn “buồn trông” . Kết đoạn , đúng là một dấu than lớn. Và tôi muốn bổ sung thêm, trong mạch thơ ngổn ngang tâm trạng Kiều, không chỉ khép lại bằng dấu than mà còn ngầm trồi lên những dấu chấm hỏi, những câu hỏi:
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn bã xót xa và thắc thỏm lo sợ, đó là hai mạch chính của nỗi niềm buồn trông.
Với gam màu lạnh, nhà thơ – họa sĩ Nguyễn Du đã vẽ và treo liên tiếp bốn bức tứ bình liên hoàn tâm trạng (cứ mỗi cặp lục bát một bức họa) : từ mong đợi đến băn khoăn, day dứt, tiếp tới chán nản, thất vọng và cuối cùng là bàng hoàng ghê sợ.
Đồng thời, dùng giai điệu trầm, nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Du đã tấu lên tiếng tơ lòng nhân vật. Cho đến từng âm tiết cũng rung động nỗi buồn. Kết đoạn thơ, hòa tấu, phức điệu sóng biển – sóng lòng – sóng đời không chỉ vang lên tiếng gõ cửa của định mệnh mà rung chuyển tiếng gầm gào của hiểm họa muốn hất tung người con gái đơn côi yếu đuối trên điểm tựa chiếc ghế đời mỏng manh, chông chênh.
Người đối thoại với tôi bỗng như giật mình trước cái tiếng sóng ầm ầm ấy:
- Này, anh còn nghe thấy chứ, tiếng trống ngực Thúy Kiều dồn dập qua mấy chữ xô đẩy mạnh mẽ : “Gió cuốn - ầm ầm tiếng sóng?”. Trước đó, anh có cảm thấy tiếng thở dài của nàng qua năm thanh bằng ; “dầu dầu – màu xanh xanh” nối tiếp? Và thoạt đầu, anh có nhìn thấy cái nhướng mắt của người trông qua ba thanh trắc “thấp thoáng cánh…” đó không?
Tôi lặng đi mien man trong thế giới huyền vi của cõi thơ. Tâm trí tôi không còn tách bạch rạch ròi chỗ nào là hoa, là hình ảnh, chỗ nào là nhạc, là thanh âm, đâu thể hiện tâm tư chủ thể trữ tình ,đâu bộc lộ nỗi lòng đối tượng trữ tình và đâu mối đồng điệu của người tiếp nhận đã tinh. Bất giác, như một linh ứng màu nhiệm, những vần ca dao ùa đến.
...Buồn trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai.
Buồn trông chênh chếch sao mai,
Sao ơi, sao hỡi,nhớ ai sao mờ.
Nhân vật trong Truyện Kiều nhiều lần buồn trông (Kim Trọng cũng đã từng : “Buồn trông phong cảnh quê người – Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa…”). Nhân vật của ca dao cũng nhiều lần buồn trông. Phải chăng điệp khúc “buồn trông” của Tố Như âm vang nét điển hình của tâm trạng con người trong quá khứ. Mà có lẽ không chỉ vậy, con người ngày nay, và cả mai sau. “Mai sau dù có bao giờ” …vẫn cứ còn trải lòng mình trên khúc nhạc buồn trông…