Thành tựu và hạn chế trong phát triển nông nghiệp Việt Nam
Nông nghiệp Việt Nam được ghi nhận có sự tiến bộ vượt bậc. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng nông sản, lương thực và nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn nhất. Những thành tựu cơ bản nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam, đó là:
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp liên tục tăng. Trong 30 năm đổi mới (1986 - 2016), nông nghiệp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất nông nghiệp của Việt Nam tăng trưởng trung bình với tốc độ 4,06%/ năm giai đoạn (1986 - 2015). Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, mặc dù kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn nhưng nông nghiệp, nông thôn vẫn là ngành giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, bảo đảm cân bằng cho nền kinh tế. Việt Nam đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, bao gồm: gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản. Trong khi các ngành kinh tế khác còn đang chịu ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế, ngành nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt kết quả khá toàn diện, tăng trưởng ngành đạt tốc độ khá cao. Năm 2014, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 3,3% so với 2,6% (2012 - 2013), đánh dấu sự hồi phục và tăng trưởng cao.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 3,13%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra (2,6 - 3%). Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% (2010) lên 64,7% (2013); 67,8% (2014) và khoảng 68% (2015); năng suất lao động xã hội ngành nông, lâm, thủy sản tăng gần gấp đôi từ 16,3 triệu đồng năm 2010 lên khoảng 31 triệu đồng năm 2015. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt đã tăng từ 54,6 triệu đồng/ha năm 2010 lên 79,3 triệu đồng/ha năm 2014 và khoảng 82 - 83 triệu đồng/ha năm 2015; cứ mỗi ha mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng từ 103,8 triệu đồng/ha (2013) lên 177,4 triệu đồng/ha (2014) và khoảng 183 triệu đồng/ha (2015). Thu nhập của người dân nông thôn năm 2015 tăng khoảng 2 lần so với năm 2010 (đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XI đề ra). Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt tới 30,8 tỷ USD, mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Mặc dù, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh không cao, nhưng nông nghiệp là ngành duy nhất có xuất siêu, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về nhiều loại nông sản đa dạng như: gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su, các mặt hàng gỗ và thủy sản.
Thứ hai, chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước, nhờ đó nhiều vùng nông thôn đã đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã tăng. Năm 2015 đã có khoảng 1.500 xã và 9 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Chính sách phát triển nông nghiệp đã làm thay đổi rõ rệt nhiều vùng nông thôn, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống dân cư nông thôn. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ xóa đói, giảm nghèo với tốc độ khá nhanh trên thế giới. Trung bình mỗi năm khoảng 2% dân số thoát khỏi đói nghèo. Tính đến tháng 12-2015 có gần 15% xã và 11 huyện được công nhận nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thứ ba, hệ thống thủy lợi, đê điều tiếp tục được nâng cấp, đầu tư. Hệ thống thủy lợi, đê điều được phát triển theo hướng đa mục tiêu và tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tiếp tục được nâng cấp và hiện đại hóa; công tác quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đã được quan tâm chỉ đạo; hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường; tham gia tích cực đàm phán và tổ chức thực hiện các Hiệp định thương mại và tháo gỡ rào cản, phát triển thị trường. Với hơn 2,7 tỷ USD nguồn vốn ODA đầu tư cho phát triển nông nghiệp, mức kỷ lục trong giai đoạn 2010 - 2015, nhiều công trình thủy lợi, giao thông nông thôn… được xây dựng, nâng cấp, sửa chữa.
Hệ thống giao thông trong nông thôn từng bước được xây dựng đồng bộ, hình thành kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ cho việc xây dựng nền nông nghiệp bền vững, như hệ thống đường giao thông, hệ thống thủy lợi, hệ thống điện, hệ thống thông tin, hệ thống cơ sở giáo dục và y tế…
Thứ tư, tái cơ cấu nông nghiệp đã đạt được thành công bước đầu. Chương trình tái cơ cấu nông ngiệp được triển khai trên cơ sở phát huy lợi thế của cả nước và mỗi địa phương gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu. Giữ ổn định 3,8 triệu ha đất trồng lúa nhằm hỗ trợ và nâng cao đời sống người trồng lúa. Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Ngành trồng trọt giá trị tăng 3% (2013) và 3,2% (2014). Năng suất, chất lượng và giá cả nhiều loại sản phẩm đã được nâng cao. Thu nhập bình quân/ha đất trồng trọt đạt 78,7 triệu đồng (2014) và 82,5 triệu đồng (2015). Ngành chăn nuôi đã chuyển từ hình thức nhỏ, lẻ, phân tán sang hình thức trang trại, gia trại. Tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi trong tổng giá trị nông nghiệp tăng. Giá các sản phẩm chăn nuôi ổn định, bảo đảm thu nhập cho người chăn nuôi. Ngành thủy sản đã chuyển dịch cơ cấu giữa khai thác với nuôi trồng. Năm 2015, tổng sản lượng thủy sản đạt 6,55 triệu tấn (tăng 3,4%)(3).
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển nông nghiệp Việt Nam vẫn còn một số những hạn chế, đó là:
Một là, hạn chế trong cải cách đất đai và quyền sử dụng đất: Luật Đất đai năm 2013 ban hành nhằm tăng cường sự phát triển của thị trường đất đai, duy trì thời hạn quyền sử dụng đất, diện tích đất cho mỗi hộ gia đình, sự lựa chọn các loại cây trồng, chuyển giao và trao đổi đất. Những quy định này nhằm bảo đảm bình đẳng về tiếp cận đất đai giữa những người dân nông thôn, nhưng dẫn đến hạn chế khả năng tích tụ đất đai và gây trở ngại cho đầu tư dài hạn.
Khả năng tích tụ và tập trung ruộng đất của nông dân thấp dẫn đến mức lợi nhuận thu được từ những mảnh ruộng nhỏ không đủ để bảo đảm chi tiêu trong cuộc sống của người nông dân. Nhiều nông dân vì làm nông nghiệp không hiệu quả, đã phải kiếm thêm thu nhập bằng các hoạt động phi nông nghiệp phi chính thức. Nhưng nghịch lý là họ vẫn muốn giữ đất như một sự bảo hiểm rủi ro vì ở nông thôn thiếu hệ thống an sinh xã hội. Trong khi đó, với nguồn tích lũy hạn chế và thiếu hỗ trợ tín dụng nên sẽ khó khăn cho các nông dân giỏi, có nhiều tâm huyết, có đủ khả năng mua hoặc thuê lại đất của các nông dân khác. Kết quả là, nhiều đất nông nghiệp, đặc biệt tại khu vực ven đô hoặc đất rừng được các nhà đầu tư thành thị mua hoặc thuê để đầu cơ, sử dụng kém hiệu quả hoặc hoạt động theo hình thức phát canh thu tô. Chính sách giao đất bình quân khiến đất nông nghiệp trở nên manh mún. Diện tích quy mô trang trại của hộ gia đình nông nghiệp Việt Nam vào loại nhỏ nhất ở Đông Nam Á và trên thế giới, khó có thể cơ giới hóa, hiện đại hóa và tiến hành thực hiện nền sản xuất lớn. Thêm nữa, do số lao động rút khỏi ngành nông nghiệp không đủ lớn để làm giảm số lượng lao động nông nghiệp trên diện tích đất đai cùng với việc chuyển diện tích lớn đất nông nghiệp sang sử dụng với mục đích khác dẫn đến quy mô đất nông nghiệp bình quân đầu người tiếp tục giảm(4). Trong khi, sức ép về việc làm cho lao động nông thôn ngày một tăng. Do dân số tăng, hằng năm Việt Nam có thêm ít nhất 1,4 - 1,6 triệu người đến tuổi lao động được bổ sung vào lực lượng lao động, trong đó 0,9 triệu lao động tăng thêm ở khu vực nông nghiệp và nông thôn. Điều này tạo ra sức ép lớn về việc làm và dòng người di cư từ nông thôn vào thành thị.
Vì vậy, cần phải xây dựng chính sách để người dân coi đất đai là tài sản của mình, phải cải cách đất đai để nông dân tích tụ được đất đai với quy mô lớn. Có như vậy, nông nghiệp mới có thể sử dụng có hiệu quả khoa học công nghệ vào thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Thứ hai, khoa học công nghệ trong nông nghiệp vừa thiếu lại vừa lạc hậu. Mức độ đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp thấp mặc dù một số doanh nghiệp lớn đã bắt đầu chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp, nhưng nhìn chung vẫn còn rất ít, chỉ khoảng vài phần trăm; đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp không đáng kể. Việc xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao chậm chuyển biến, chưa tạo đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, tạo cơ sở vững chắc cho chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả bền vững, gắn theo chuỗi giá trị. Thiết bị và công nghệ chế biến sau thu hoạch còn lạc hậu, kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản chế biến còn chưa phát triển, quy mô nhỏ, tỷ lệ hao hụt, thất thoát cao. Phần lớn vật tư, thiết bị nông nghiệp dựa vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Trong đó hơn 90% số máy kéo bốn bánh và máy công tác kèm theo, máy gặt đập liên hợp phải nhập khẩu.
Đội ngũ khoa học nông nghiệp tuy đông nhưng không mạnh. Cán bộ có đủ năng lực chủ trì đề tài nghiên cứu đưa lại kết quả cao chiếm tỷ lệ thấp, còn thiếu cán bộ đầu ngành giỏi; nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ như công nghệ sinh học thiếu nhân lực trình độ cao nên chậm được triển khai; điều kiện vật chất kỹ thuật của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo còn lạc hậu, không đồng bộ, dẫn đến tình trạng đào tạo nhân lực cho khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn chưa gắn lý thuyết với thực hành, thiếu các nghiên cứu chuyên sâu trên một đơn vị sản phẩm.
Thứ ba, hạn chế tiếp cận tín dụng nông nghiệp. Thị trường tài chính nông thôn bao gồm một số tổ chức, trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (VBARD) và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) có vị trí hàng đầu, đại diện cho 66% của nguồn tín dụng nông thôn. Mặc dù các ngân hàng hợp tác xã là các Quỹ tín dụng nhân dân (PCFs) và các tổ chức tài chính tư nhân khác đã được thành lập, đến nay các tổ chức này không chiếm được vai trò đáng kể về tài chính nông thôn. Thực tế này hạn chế tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng chính thức ở khu vực nông thôn và lãi suất cao. Thiếu tài sản thế chấp cũng hạn chế tiếp cận tín dụng của các hộ nông dân quy mô nhỏ. Kết quả là, một nửa số hộ gia đình nông thôn vẫn không thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và tín dụng phi chính thức vẫn là nguồn tín dụng quan trọng nhất ở nông thôn.
Thứ tư, thiếu kết cấu hạ tầng ở các khu vực nông thôn. Mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ ấn tượng trong phát triển kết cấu hạ tầng, hiện có hơn 90% dân số nông thôn được tiếp cận với điện và hơn 98,5% tiếp cận các tuyến đường. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế nhanh đã dẫn đến tắc nghẽn nghiêm trọng về kết cấu hạ tầng. Kết cấu hạ tầng nông thôn ở Việt Nam nhìn chung vẫn lạc hậu. Hệ thống đường trục chính, đường vận tải còn thiếu. Hầu như không có đường sắt, đường cao tốc để phục vụ vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu. Kết cấu hạ tầng mới thường nằm trong các khu vực đô thị để kết nối các thành phố lớn, sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, trong khi kết cấu hạ tầng nông thôn thường là trong điều kiện nghèo nàn và không được bảo dưỡng đúng mức. Việc thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng của chính quyền địa phương triển khai chậm, dẫn đến cạnh tranh giữa các địa phương, cản trở sự phát triển toàn diện về kết cấu hạ tầng và kết quả là các dự án kết cấu hạ tầng bị phân tán, không được sử dụng tối ưu với tỷ lệ sử dụng thấp.
Thứ năm, việc sử dụng quá nhiều phân bón, nhất là phân đạm trong trồng trọt dẫn đến thừa nitrat (NO3) và gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Việt Nam có khoảng 26 triệu ha đất nông nghiệp với nhu cầu sử dụng phân bón trung bình mỗi năm khoảng 10 triệu tấn, trong đó gần 20% phân đạm. Để nâng cao năng suất cây trồng, nông dân đã tăng lượng phân bón gấp 2-3 lần, thậm chí là 5-7 lần so với nhu cầu, dẫn đến dư thừa lượng nitrat trong rau củ quả. Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc, cây trồng chỉ sử dụng khoảng 40-50% số phân bón, còn lại bị rửa trôi hoặc tồn tại trên các bộ phận của cây. Tập quán lãng phí và bữa bãi trong việc sử dụng đạm hóa chất khiến dư thừa nitrat và khi vượt ngưỡng nó sẽ biến thành nitrit gây nguy hại cho con người. Nitrat là một trong bốn yếu tố khiến rau không an toàn, cùng với kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật và vi sinh vật. Khi làm lượng chất nitrat vượt quá ngưỡng an toàn thì chúng được xem như độc chất, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng, gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Thứ sáu, biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm đất nông nghiệp. Mức độ biến đổi khí hậu những năm gần đây xảy ra nhanh, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng diễn biến phức tạp. Thời tiết khí hậu nóng bức ở miền Bắc không thuận lợi cho cây lúa phát triển. Đặc biệt, dịch bệnh xảy ra đối với gia súc, gia cầm có thể lây nhiễm sang người. Việc bảo vệ, ngăn chặn ngày càng khó khăn do nảy sinh thêm những chủng loại mới; Sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong thời gian dài đã sử dụng quá nhiều phân hóa học làm cho độ phì đất suy giảm, một khối lượng lớn về đạm, lân đã bị rửa trôi, nước bị ô nhiễm hữu cơ, hàm lượng nitrat, nitrit tăng mạnh đã làm cho môi trường nước, đất giảm chất lượng và ngày càng xấu đi. Việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các chất kích thích sinh trưởng một cách tùy tiện đã có dấu hiệu vượt quá giới hạn cho phép của môi trường sinh thái, dẫn đến thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước và gây hại đến sức khoẻ con người.
Tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam thời gian qua chủ yếu dựa trên thâm dụng tài nguyên thiên nhiên. Điều này gây tác động xấu đến môi trường, làm tăng mức độ ô nhiễm và suy yếu nguồn tài nguyên thiên nhiên (rừng đước ven biển, tài nguyên nước ngầm ở Tây nguyên, nguồn lợi hải sản ven bờ, đa dạng sinh học...). Môi trường ở nông thôn chưa được quản lý tốt. Ô nhiễm nước thải, khí thải ở các khu công nghiệp, làng nghề đang trực tiếp làm suy thoái môi trường, gây nguy hiểm cho sinh kế bền vững của người dân và cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Những hạn chế trong phát triển nông nghiệp Việt Nam là do những nguyên nhân cơ bản sau:
Một là, cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp chưa rõ ràng, thiếu tính đột phá. Chính sách tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn cần làm rõ vai trò trung tâm trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp để áp dụng các phương thức cho vay và cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp. Cho vay nông nghiệp không nhất thiết ngân hàng phải đưa vốn trực tiếp cho nông dân mà có thể thông qua doanh nghiệp ứng trước vật tư hàng hóa đầu vào, sau đó sẽ khấu trừ khi thu mua sản phẩm. Cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đối với diện tích đất cho xây dựng kết cấu hạ tầng chế biến nông nghiệp như đất cho phơi sấy, đất xây dựng cơ sở chế biển, đất kho chứa... Xây dựng và hoàn thiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ trong chọn tạo giống, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp chọn tạo giống.
Hai là, môi trường kinh doanh nông nghiệp không hấp dẫn. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có điểm số thấp về điều kiện quản lý, kinh doanh nông nghiệp. Môi trường kinh doanh giống cây trồng của Việt Nam ở mức 62,5/100 điểm, thấp hơn cả Campuchia, Bangladesh và Philippines(5). Thời gian đăng ký cấp giấy phép kinh doanh giống nông nghiệp mới ở Việt Nam lên tới 901 ngày so với Philippines (571 ngày) và Myanmar (306 ngày). Môi trường kinh doanh máy móc nông nghiệp chỉ đạt 24,4/100 điểm (hơn Lào và Myanmar). Thủ tục và quy định cho phép hưởng ưu đãi về thuế, phí còn nhiều bất cập. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn chủ yếu dưới dạng thô. Vì vậy, cần xây dựng mô hình mẫu, đầu tư vào khu vực, sản phẩm cụ thể để tạo nên sản phẩm, giá trị của Việt Nam.
Ba là, đầu tư từ ngân sách nhà nước và các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, điều kiện tiên quyết là tạo vốn cho nông nghiệp và khơi thông dòng tín dụng nông nghiệp. Mặc dù, dòng tín dụng nông nghiệp tăng trong thời gian qua, nhưng do năng lực sản xuất của lĩnh vực này vẫn còn rất lớn nên chính sách tín dụng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi. Để tín dụng nông nghiệp, nông thôn được khơi thông cần có điều kiện cần và điều kiện đủ. Điều kiện cần, đó là: Đơn giản hóa thủ tục vay vốn để nông dân không mất nhiều thời gian làm thủ tục tín dụng. Điều chỉnh linh hoạt điều kiện cho vay phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp, cải thiện điều kiện tiếp cận vốn (bao gồm cả điều kiện về tài sản thế chấp). Mở rộng gói tín dụng cho vay theo vụ cây trồng, cho vay tiêu dùng đối với hộ nông dân. Điều kiện đủ, bao gồm nghiên cứu cơ chế bảo lãnh tín dụng cho nông dân một cách đơn giản, rõ ràng thay vì phải cầm cố hay giao nộp sổ đỏ. Hỗ trợ mua bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp cho nông dân, bảo hiểm lãi suất cho vay đối với một số sản phẩm… Nhờ vậy, rủi ro trong hoạt động đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ giảm, thúc đẩy các ngân hàng mạnh dạn hơn trong đầu tư vốn vào lĩnh vực nông nghiệp.
Bốn là, công tác quy hoạch kết cấu hạ tầng cho các vùng sản xuất nông nghiệp chưa đầy đủ. Quy hoạch kết cấu hạ tầng nông thôn chưa bảo đảm cho nhu cầu phát triển, cơ giới hóa, hiện đại hóa (quy mô đồng ruộng, giao thông nội đồng); Kết cấu hạ tầng nông thôn còn nhiều yếu kém, chưa tạo điều kiện ứng dụng máy móc trong sản xuất. Bên cạnh đó, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp, vốn tích lũy bình quân một hộ nông thôn 16,8 triệu đồng (2011) và rất bấp bênh. Vì vậy, khả năng tích lũy để đầu tư, mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất của nông dân gặp nhiều khó khăn; công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện và quản lý nông nghiệp của nhà nước còn chưa hiệu quả; triển khai thực hiện các chính sách còn hạn chế.
Trong xu thế hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu cũng như với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội đặc thù thì đẩy mạnh phát triển nông nghiệp là một hướng phát triển phù hợp tại Việt Nam. Để phát triển nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh nhằm phát triển bền vững cần định hướng cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng thương hiệu nông sản. Chính hai định hướng cơ bản này sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và tạo lợi thế cạnh tranh cho nông sản nhằm góp phần nâng cao doanh thu trong sản xuất nông nghiệp và mức thu nhập cho nông dân./.