Cách mạng tháng Tám là tên gọi được ngành sử học chính thống tại Việt Nam hiện nay dùng để chỉ việc phong trào Việt Minh tiến hành khởi nghĩa chống Đế quốc Nhật Bản, buộc Đế quốc Việt Nam (chính phủ bù nhìn do Đế quốc Nhật Bản thành lập và bảo hộ) bàn giao chính quyền trung ương và các địa phương và buộc Bảo Đại (vua cuối cùng của nhà Nguyễn) phải thoái vị trong tháng 8 năm 1945.
Việc chuyển giao quyền lực được Chính phủ Đế quốc Việt Nam thực hiện cơ bản trong hòa bình, ít có đụng độ dù xảy ra tranh chấp với lực lượng Nhật, Đại Việt, Hòa Hảo,... ở một số địa phương. Trừ một số địa phương tỉnh lỵ như Hải Ninh (nay thuộc Quảng Ninh), Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Vĩnh Yên nằm trong tay các đảng phái khác như Đại Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng,... và quân Tưởng Giới Thạch (Trung Quốc); chỉ trong 10 ngày, cơ sở chính quyền Việt Minh đã được thiết lập trên toàn bộ các tỉnh lỵ trên khắp Việt Nam (muộn nhất 28/8: Đồng Nai Thượng, Hà Tiên), hầu hết địa phương trong cả nước. Một số nơi có khó khăn hơn như Hà Giang, quân Tưởng Giới Thạch bức rút quân Nhật (29/8) và giải phóng luôn tỉnh này, Cao Bằng (giành chính quyền 21/8 nhưng sau đó quân Tưởng tràn vào), Lạng Sơn (giành chính quyền sau đó quân Tưởng Giới Thạch tràn vào, tháng 10 mới thành lập chính quyền cách mạng), Vĩnh Yên (Quốc dân Đảng nắm giữ), Hải Ninh – Móng Cái (Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội nắm), một số địa bàn ở Quảng Ninh (do Đại Việt, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội nắm), ở Đà Lạt (quân Nhật còn kháng cự mạnh như ngày 3/10)...
Kết quả của cuộc cách mạng là ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời cũng chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại suốt 2.000 năm trong lịch sử Việt Nam. Sau đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức Tổng tuyển cử năm 1946 trên phạm vi cả nước.