Tôi không nhớ hết số lần đã đến thăm khu lưu niệm Bác Tôn, những lần tác nghiệp hay những lần tình nguyện là một hướng dẫn viên, hướng dẫn các đoàn khách về thăm quê Bác. Mỗi lần được đặt chân lên Cù lao ông Hổ xanh mát, được đắm mình trong không gian thoáng đãng nơi nhà lưu niệm, hay dành nhiều thời gian ngắm nhìn những kỷ vật trong nhà trưng bày, lòng tôi lại dạt dào bao cảm xúc: Nhớ Bác Tôn!
Còn nhớ lần đầu tiên tôi đến thăm quê Bác vào năm 1998, đúng dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Người. Ngày ấy, nhóm học sinh lớp 5 chúng tôi được tham quan và tìm hiểu về Bác Tôn cảm thấy rất vui và rất đỗi tự hào. Khi lớn lên, mỗi lần đến thăm quê Bác trong những dịp như: về nguồn hay tác nghiệp, học tập thực tế nâng cao tay nghề viết lách hay dẫn đoàn khách các ban, ngành tỉnh bạn đến thăm quê Bác, lòng tôi vẫn nguyên vẹn cảm xúc. Có khác hơn là giờ tôi đã hiểu biết nhiều hơn, biết học lịch sử, lắng nghe các câu chuyện kể qua từng kỷ vật. Tôi đã từng say đắm với giọng nói trong trẻo, truyền cảm của những thuyết minh viên khi giới thiệu về nhà sàn của Bác, về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác. Trong lúc đợi những vị khách đoàn chăm chú nghe, do tôi đã nghe nhiều lần nên ngồi lần giở từng trang giấy trong quyển Sổ ghi cảm tưởng, mới thấy vô vàn những dòng cảm xúc của những vị khách, đầy ắp xúc động khi được đến thăm Bác, được hiểu hơn chân dung một lãnh tụ cách mạng vĩ đại.
Một lần đến thăm quê Bác, Phó Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam Huỳnh Dũng Nhân đã nắn nót ghi lại cảm xúc: “Hôm nay đoàn báo chí 7 tỉnh, thành phố khu vực miền Đông, miền Tây đã về đây và thắp nén hương tưởng nhớ Bác Tôn Đức Thắng. 30 học viên đã ghi nhận được nhiều tư liệu quý giá và rất đỗi tự hào về Bác Tôn, người con ưu tú của quê hương An Giang, là người lãnh đạo kính yêu của đất nước Việt Nam. Tấm gương hoạt động cách mạng mẫu mực và đời sống thanh cao của Bác Tôn mãi mãi là một câu chuyện đẹp nhất về người chiến sĩ cách mạng mà các thế hệ nguyện học tập suốt đời”. Tôi đang lần giở xem từng trang giấy thì một chị thuyết minh viên chia sẻ thêm: “Số người đến thăm Bác trên mọi miền đất nước qua nhiều năm tháng đã không thể kể hết, họ còn lưu giữ những dòng cảm xúc vào Sổ ghi cảm tưởng và số sổ này đã tăng đến gần 40 quyển. Rất trân trọng những cảm xúc ấy, Ban Quản lý Khu lưu niệm đã cất giữ cẩn thận và trưng bày tại nhà lưu niệm phía trước”. Theo chân chị, tôi như thấy mình khám phá ra một kho báu quý giá. Đó tuy là những bút tích, những dòng cảm xúc bất chợt nhưng qua đó tôi mới thấy có biết bao nhiêu người con, nhiều vị lãnh đạo của đất nước đã nghiêng mình tưởng nhớ Bác và có những lời hứa chân thành với non sông đất nước. Bác Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước ghi vào Sổ cảm tưởng vào ngày 17-12-2011: “Nhân dịp về thăm đồng bào, đồng chí tỉnh An Giang, hôm nay trên quê hương Bác tôi vô cùng xúc động tưởng nhớ tấm gương đạo đức trong sáng và những công lao đóng góp đối với cách mạng Việt Nam của Bác Tôn Đức Thắng, người chiến sĩ cộng sản quốc tế, người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi nguyện học tập tấm gương đạo đức của Bác, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Đó còn là những bút tích được lưu giữ của nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trưng ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, hay các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, đoàn Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, các gia đình liệt sĩ, Đoàn Thanh niên, học sinh hay những du khách trong và ngoài nước… Tất cả đều chung một cảm xúc nhớ Bác, nhớ người con ưu tú của An Giang và nguyện một lòng noi theo chí khí kiên cường, anh dũng của Bác trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.