Đáng trân trọng làm sao tình yêu cuộc sống của người thi sĩ khi chúng ta biết rằng bài thơ Mùa xuân nho nhỏ ra đời lúc ông đang trên giường bệnh và chỉ ít ngày sau ông mất. Có phải chính giây phút giáp mặt với cái chết, giây phút chuyển từ mùa đông lạnh giá sang mùa xuân ấm áp, cái thời điểm kì diệu đó đã khiến tấm lòng con người bừng lên sự sống mới, khiến tâm hồn nhà thơ thăng hoa, ngòi bút cũng nở hoa. Tất cả như tràn ngập cánh xuân, cuộc đời xuân và những ước nguyện đẹp như mùa xuân.
Xuân của xứ Huế mộng và thơ
Mọc giữa dòng sông xanh
Một hông hoa tím biếc
Tại sao màu nước sông lại xanh, mà không là "dòng sông trong mát" (bài Vàm Cỏ Đông của Hoài Vũ), không là "dòng sông đỏ nặng phù sa" (bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi) ? Có phải đấy là màu nước của Hương Giang, hay chính là tín hiệu báo mùa xuân đang về ? Mùa xuân trang trải êm trôi một dòng xanh dịu mát, bỗng mọc lên ở giữa "Một bông hoa tím biếc". Cũng một gam màu lạnh, nhưng sắc tím biếc của bông hoa nổi trội, đậm đà, nồng ấm cả dòng sông xanh.
Bông hoa là có thật, hay cũng là dáng hình của niềm tin, niềm hi vọng, là sắc màu thân quen của quê hương xứ Huế mà đôi mắt nhà thơ từng bắt gặp, ngòi bút nhà thơ từng ghi chép ? Nghệ thuật dựng hình, pha màu, kết hợp đảo cấu trúc, tạo cho câu thơ nhịp đi mau lẹ, bất ngờ, nhịp của ngôn từ và nhịp của cảm xúc. Thiên nhiên, nhất là mùa xuân vốn hào phóng, sẵn sàng trao tặng con người mọi vẻ đẹp nếu con người biết mở rộng tấm lòng. Thì đây, một nét đẹp nữa của mùa xuân:
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Nhà thơ thực đã đón nhận mùa xuân với tất cả sự tài hoa của ngòi bút, sự thăng hoa của tâm hồn. Ông dùng từ cảm thán "ơi" để gọi chú chim xinh nhỏ và linh lợi, rồi hỏi "Hót chi", như ngỡ ngàng, thích thú, như đùa vui, níu kéo. Từ đó, ông lắng nghe tiếng chim hót. Nghe bằng tai chưa đã, ông nghe bằng ẹả trái tim xáo động, bằng trí tưởng tượng, liên tưởng độc đáo. Qua cụm từ "Tôi đưa tay, tôi hứng", tiếng chim đang vang xa bỗng gần lại, rõ ràng, tròn trịa như kết thành những giọt sương óng ánh sắc màu, rơi rơi, rơi mãi tướng chừng không dứt. Nghệ thuật ví ngầm, chuyển đổi cảm giác quả đã đạt tới mức tinh tế đáng khâm phục. Nói nghệ thuật cũng để hiểu nội dung, vì nhà thơ có bao giờ cố ý tỉa tót ngôn từ cho văn chương hoa mĩ, mà chủ yếu hướng về cuộc sống, sự sống, trong lòng đang dạt dào tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu cuộc đời.
2. Đất nước tràn ngập mùa xuân
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ.
Ở đoạn này có ba hình ảnh đẹp : vòng lá nguy trang của người chiến sĩ đang nảy những chồi non, lộc biếc như mang theo cả mùa xuân cùng các anh ra trận. Trên nương mạ, ruộng lúa của bác nông dân, mầm non, sức sống thanh xuân đang đua nhau trỗi dậy, giục giã, thôi thúc lòng người. Và hình ảnh thứ ba :
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.
Mùa xuân, sức sống thanh xuân lớn dần, lớn dần từ vòng lá nguy trang mở ra cả cánh đồng lúa, từ mỗi con người cụ thể trong chiến đấu, trong lao động hoà nhập, chung đúc thành "Đất nước bốn nghìn năm", hoá thành những vì sao đi lên, bay lên, ngời sáng lung linh. Nói rằng tác giả khéo chọn được từ "Lộc" đa nghĩa thật đúng, hoặc khéo dùng phép liên tưởng so sánh, cũng đúng. Bởi vì đến phút này, Thanh Hải đã chuyển lừ hiện thực sang lãng mạn, để biểu hiện tấm lòng yêu thương, mơ mộng, khao khát sống, khao khát hiến dâng, ca ngợi. Hiểu như thế, chúng ta sẽ đồng cảm được với nhà thơ khi ông kết thúc bài thơ bằng những dòng chữ cất lên từ gan ruột.
3. Những ước nguyện đẹp như mùa xuân
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời.
Đến đây, có lẽ nhà thơ không cầm bút nữa, mà đang ôm đàn, gõ phách hát vang bài ca mùa xuân, bài ca cuộc sống. Những biện pháp tu từ như điệp ngữ (ta làm, ta làm... nước non, nước non...) ; ẩn dụ (mùa xuân nho nhỏ, nốt trầm xao xuyến, nhịp phách tiền đất Huế...), hoán dụ (tuổi hai mươi, tóc bạc...), câu chữ, âm thanh, nhịp điệu... hài hoà, ríu rít, ngân nga lan toả hệt như một điệu dân ca xứ Huế vậy. Điệp ngữ "Ta làm..." nối tiếp với "Ta nhập", "Lặng lẽ dâng cho đời..." thể hiện niềm ước nguyện tha thiết của nhà thơ. Làm con chim hót, nhà thơ muốn cất tiếng thơ ca ngợi đất nước. Làm một nhành hoa, ông mong đem lại hương thơm cho cuộc đời. Bao trùm tất cả, ông ước nguyện hoá thành "Một mùa xuân nho nhỏ", lặng lẽ, âm thầm dâng hiến toàn bộ tâm hồn, trí tuệ, sức lực và cả sự sống của minh góp cùng mọi người... "Dù là tuổi hai mươi - Dù là khi tóc bạc" để dem lại no ấm cho nhân dân, giàu đẹp cho đất nước.
Mùa xuân - ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình.
Lời thơ của một người lay động trái tim muôn người. Ước ao, khát vọng của nhà thơ giục giã, vẫy gọi muốn người chúng ta. Bởi vì ước ao, khát vọng ấy giản dị mà thiêng liêng, đẹp như mùa xuân vậy !
Thơ viết trên giường bệnh xưa nay không hiếm. Nhưng để bài thơ thực sự sống thay tác giả, ở lại với mọi người, trò chuyện an ủi động viên mọi người là việc hiếm. Đọc văn học trung đại Việt Nam, nhiều người biết bài thơ Có bệnh bảo mọi người của Mãn Giác thiền sư thời Lí, thế kỉ XII. Chắc phải trải qua một chặng đường dài tu luyện vô cùng gian khổ để đạt tới độ uyên thâm, hoàn hảo của sự giác ngộ - sự "Mãn giác" - vị thiền sư ấy mới sáng tạo được một bài thơ với hình tượng tuyệt vời "Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết - Đêm qua sân trước một cành mai". Cành mai ấy chính là biểu tượng của tình yêu, niềm tin cuộc sống, đã bất tử đến nghìn năm nay. Với bài Mùa xuân nho nhỏ chưa ai dám đoán định nó sẽ tồn tại bao lâu. Người viết bài này cũng không có ý đem so sánh nó với Có bệnh bảo mọi người của Mãn Giác. Tuy nhiên, với Thanh Hải, nhà thơ chiến sĩ trải ba mươi năm vừa chiến đấu vừa sáng tác, sống và viết vì sự nghiệp lớn lao của nhân dân, đất nước, chúng ta cần biết trân trọng. Từ những bài thơ đầu, tiêu biểu là Mồ anh hoa nở viết năm 1956 với hình ảnh đặc sắc "Bông hồng nớ và nở - Hương thơm bay và bay...", đến Mùa xuân nho nhỏ, sáng tác năm 1980, trước lúc đi xa, ông đã cố gắng vượt lên từng bước, đã để lại cho dời những tiếng thơ "chân chất và bình dị, đôn hậu và chân thành". Riêng ở bài thơ cuối cùng Mùa xuân nho nhỏ, những đức tính chân chất, bình dị, đôn hậu, chân thành đã kết hợp thật nhuần nhuyễn giữa nội dung và nghệ thuật, nét tài hoa của ngòi bút và phút thăng hoa của tâm hồn, đạt tới vẻ đẹp của một bài thơ đích thực.
Có thể nói, bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời, thể hiện ước nguyện của nhà thơ chân thành, được cống hiến cho đất nước, góp một "mùa xuân nho nhỏ" của mình vào mùa xuân lớn cho dân tộc, cho cuộc đời. Bài thơ theo thể năm tiếng, có nhạc điệu trong sáng, gần gũi với dân ca, nhiều hình ảnh đẹp, giản dị gợi cảm, những so sánh và ẩn dụ sáng tạo. Nhờ vậy, ước nguyện của nhà thơ tuy giản dị mà vô cùng thiêng liêng, cao cả, đẹp như mùa xuân vậy!