Chủ trương đưa học sinh Việt Nam sang Nhật học tập của phong trào Đông du .Xuất dương cầu học là một quyết định mang tính đột phá, thay đổi hướng đi và phương pháp đấu tranh, mở cửa hướng ra bên ngoài để học hỏi, tiếp nhận những cái mới cho phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Phan Bội Châu, chính là con người với hoài bão cách tân, đứng trước bế tắc của lịch sử dân tộc đã cố gắng đi tìm lời giải đáp: tự cường để cứu nước. Xuất phát điểm của Phan chính là lòng yêu nước, thương dân - nền tảng cách tân vĩ đại đưa ông suốt cuộc đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng. Tư tưởng Đông Du vì thế có xuất phát điểm từ mục đích cứu nước, cho nên xét về bản chất chủ trương “vọng ngoại” của Phan Bội Châu cũng là một hình thức thể hiện của chủ nghĩa yêu nước chân chính và của tư tưởng duy tân tự cường.
Mục tiêu của phong trào là muốn tìm một thế lực mạnh bên ngoài có thể giúp Việt Nam chống lại Pháp để giành và giữ lấy độc lập sau đó phát triển đất nước giàu mạnh. Thế nhưng, khi chủ trương Đông Du cầu viện quân sự không được thực hiện thì các sĩ phu đã nhanh chóng chuyển thành phong trào Đông Du cầu học. Đây là một sự chuyển đổi hợp lý, có sức thuyết phục và có thể chuyển thành một phong trào yêu nước sẽ được nhiều người hưởng ứng. Phong trào đã nhen lửa cho sự thức tỉnh của dân tộc Việt Nam sau này. So với phong trào Duy Tân ở Nhật Bản, chúng ta nhận thấy con đường canh tân ở Việt Nam có cả những điểm tương đồng và dị biệt. Điều cần nhận biết là cả hai nước đều nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập khoa học kỹ thuật từ bên ngoài. Ở Nhật có phong trào Hà Lan học thì ở Việt Nam có trào lưu đổi mới canh tân đất nước của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch… cuối thế kỷ XIX và phong trào Đông Du, Duy Tân đầu thế kỷ XX. Chỉ có điều phong trào Duy Tân ở Nhật Bản được tiến hành sau khi đã xóa bỏ sự tồn tại của chính quyền phong kiến Mạc Phủ, còn phong trào Duy Tân ở Việt Nam được thực thi trong điều kiện chế độ phong kiến đang còn tồn tại và đất nước đang nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Kết quả khác nhau là điều dễ hiểu, tuy vậy sự thức tỉnh ở Việt Nam vẫn xứng đáng được coi là một tia sáng trên bầu trời ảm đạm.