Tác giả đã dùng lối lập luận chặt chẽ, sắc bén như: “Cựa gà trống không thể đâm thủng giáp của giặc; mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh; chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết; tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai”…
Đó là những điều hiển nhiên, ai cũng phải công nhận là đúng. Những lời phê phán mạnh mẽ được nêu lên dồn dập, kế tiếp giống như hàng loạt đạn bắn liên tục vào mục tiêu là các lối sống sai trái, hèn nhát, hưởng lạc và vụ lợi. Trong bài văn, lối lập luận chặt chẽ, sắc bén đó luôn kết hợp với lời văn giàu hình tượng, giàu cảm xúc, có sức thuyết phục caoo như: “Ta thường tới bữa quên ăn, nữa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”. “… Huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho mọi người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ; có thể bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai. Như vậy chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền, mà bổng lộc các ngươi cũng đời đời hưởng thụ; chẳng những gia quyến của ta được êm ấm gối chăn mà vợ con các ngươi cũng được bách niên giai lão (bách niên giai lão là cùng thọ trăm năm); chẳng những tông miếu của ta sẽ được muôn đời tế lễ, mà tổ tông của các ngươi cũng được thờ cúng quanh năm; chẳng những thân ta kiếp này đắc chí, mà đến các người trăm năm sau tiếng tốt lưu truyền (đắc chí là thỏa chí vì đạt được điều mong ước);chẳng những danh hiệu ta không bị mai một (mai một là bị chôn vùi, bị mất đi), mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu thơm…” Ta thấy như bài văn đã được viết bằng máu hòa với nước mắt của tác giả và lời văn sôi nổi tâm huyết cứ ào ào tuôn chảy dưới ngòi bút kì tài. Cũng chính vì thế mà bài văn đã trở thành một sức mạnh vật chất góp phần làm cho quân ta đánh thắng giặc Nguyên Mông sừng sỏ nhất vùng châu Á thời bấy giờ. Cũng chính vì thế mà tác phẩm giàu tính chất hùng biện, giàu sức thuyết phục này đã trở thành một bản hùng văn trong lịch sử văn học dân tộc.