Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc hóa học, nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của lực lượng vũ trang cách mạng. Thực tế chứng minh cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Theo Thông báo số 292- TB/TW ngày 18/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ rõ: “Việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là vấn đề vừa lâu dài, vừa quan trọng và cấp bách hiện nay. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có những biện pháp tiến hành cụ thể để giải quyết tốt nhiệm vụ này”
Với tinh thần chỉ đạo đó, nên từ lâu Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm sâu sắc đến vấn đề CĐDC và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Từ năm 2001 đến nay, trong Chương trình Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam hơn 30 đề tài khoa học cấp Nhà nước được triển khai đã phục vụ thiết thực cho việc khoanh vùng, tẩy độc và phục hồi môi trường, xây dựng chính sách hỗ trợ nạn nhân. Công tác tẩy độc, khắc phục ô nhiễm môi trường được triển khai tích cực. Công nghệ chôn lấp tích cực với quy mô 3.600 m3 đất nhiễm đioxin được thử nghiệm và hoàn thành việc xây dựng khu chôn cất, cô lập đất nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa. Một số phương pháp có hiệu quả nhằm ngăn chặn, chống lan tỏa chất độc ra môi trường như bê tông hóa 20.000 m2 đất bề mặt khu trộn và nạp chất độc ở Sân bay Đà Nẵng; xây dựng hệ thống mương nắn dòng chảy để hạn chế mưa chảy qua khu nhiễm và hiện đang chuẩn bị xử lý đất nhiễm ở Sân bay Đà Nẵng bằng phương pháp “giải hấp nhiệt”.
Mặt khác, công tác phục hồi các vùng đất suy thoái, phục hồi rừng, các hệ sinh thái vốn có, các loài động vật hoang dã được đẩy mạnh. Hiện nay có hơn 282.000 ha rừng được trồng mới trên các vùng đất bị phun rải chất độc hóa học là kết quả của sự lồng ghép với chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng. Các dự án phục hồi rừng đã đạt kết quả khả quan tại Đắk Lắk, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và rừng ngập mặn Cần Giờ, Cà Mau.
Với chủ trương của Đảng và Nhà nước là giải quyết hậu quả của Mỹ sử dụng chất độc hóa học ở nước ta là “cần phải có chế độ, chính sách và đầu tư kinh phí phù hợp để hỗ trợ, chăm sóc, chữa trị cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam”, vì thế trong những năm qua, công tác chăm sóc phục hồi sức khỏe cho các nạn nhân luôn được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Các đối tượng này đã được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Cả nước đã có trên 50% hộ gia đình có người tàn tật được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí, trên 200.000 người tàn tật nặng được chỉnh hình, phục hồi chức năng, 25% trẻ em tàn tật được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt. Các Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản di truyền tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang hoạt động tích cực nhằm giảm tỷ lệ sinh con dị tật…
Giải quyết hậu quả CĐDC, hàn gắn vết thương chiến tranh vừa là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vừa là vấn đề xã hội, vừa là vấn đề chính trị và ngoại giao. Chương trình hợp tác Quốc tế và hợp tác Việt Nam trong nghiên cứu, khắc phục hậu quả da cam đang được triển khai có hiệu quả trong những năm qua. Nhiều tổ chức Quốc tế, tổ chức Phi chính phủ, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Cục Hợp tác về phát triển Cộng hòa Séc đã có nhiều dự án giúp Việt Nam hoặc phối hợp với Việt Nam thực hiện các dự án khắc phục hậu quả CĐDC từ nguồn tài trợ Quốc tế. Từ năm 2007 đến nay, Quỹ Ford, Quỹ Bill&Melinda Gates, Quỹ Atlantic Philanthropies đã tài trợ một số dự án xây dựng các công trình chống lan tỏa tạm thời tại Sân bay Đà Nẵng, Dự án xây dựng phòng thí nghiệm đioxin, Dự án nghiên cứu các công nghệ sinh học tẩy độc đioxin…Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua khoản viện trợ 03 triệu USD/năm từ năm 2007 đến năm 2009, 15 triệu USD cho việc khắc phục hậu quả CĐDC ở Việt Nam…
Năm 2011 là năm đầu tiên nước ta tổ chức kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Đây là dịp để khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến của dân tộc và ghi nhớ để tri ân nhưng người đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Toàn xã hội phải hành động một cách tự giác, tích cực và hiệu quả với tình cảm, trách nhiệm cao nhất, thể hiện rõ nét nhất đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.