Trong quá trình nuôi dạy con trẻ, nhiều phụ huynh vẫn tin rằng phải đánh thì mới nên người với kiểu lý luận “ngày xưa tôi bị đánh nên bây giờ mới được như thế này”, một bộ phận xã hội vẫn cho rằng trẻ con phải bị trù dập, phải bị đánh, thì mới học cách để trở nên cứng cáp… Cũng có nhiều quan điểm cho rằng nếu không bị đánh, thì trẻ con sau này sẽ khó hòa nhập, khó thích nghi với xã hội.
Thực tế ở trường lớp, bạo lực với học sinh cũng được ủng hộ. Nhiều giáo viên cũng tin rằng dùng bạo lực là cách duy nhất để rèn trẻ em vào nề nếp và kỷ luật dù họ có nói ra điều đó hay không. Không ít phụ huynh nói với cô giáo rằng “nếu nó không chịu học, cô cứ đánh thẳng tay”. Thực tế là người ta không chỉ dùng bạo lực và cưỡng ép để buộc trẻ phải học và nghe lời, mà ngay từ khi trẻ còn chưa biết nói, người ta đã dùng bạo lực để bắt trẻ ăn.
Không được dùng bạo lực với trẻ, cả bạo lực thể chất lẫn bạo lực tâm lý.
Không được dùng bạo lực với trẻ, cả bạo lực thể chất lẫn bạo lực tâm lý
Khi nói đến bạo lực, chúng ta chỉ nghĩ đến các hình thức trừng phạt về thể chất như đánh, tát, phết đít, hoặc dùng thước kẻ, roi, chổi,… nhưng bạo lực còn rộng hơn thế rất nhiều, bao gồm:
Bạo lực thể chất: trừng phạt trẻ trực tiếp qua tác động tới cơ thể để gây đau đớn về thể xác. Bạo lực thể chất cũng vẫn bao gồm cả những cái tét đít, tát, cấu, véo cho dù không đủ mạnh để gây đau hoặc để lại dấu vết trên cơ thể. Về cơ bản, hình thức này là cách dùng tác động về thể chất để trừng phạt trẻ.
Bạo lực tâm lý: thường đi kèm với bạo lực thể chất, nhưng cũng có thể không. Mục này bao gồm cả bạo lực ngôn từ như quát mắng, hạ thấp, sỉ nhục, chửi, chì chiết, và tất cả những cách nói gây tổn thương. Dưới tác động của bạo lực ngôn từ, đứa trẻ không đau về thể chất, nhưng nó vẫn bị tổn thương, và tổn thương có thể ngang bằng hoặc nhiều hơn so với bạo lực thể chất.
Dùng bạo lực với trẻ chứng tỏ sự bất lực và bế tắc của người lớn
Bản chất của bạo lực rất đơn giản. Người sử dụng bạo lực sử dụng quyền lực của mình để khiến cho người khác (cụ thể trong trường hợp này là trẻ) cảm thấy sợ hãi và thấp kém. Những người lớn sử dụng bạo lực để dạy dỗ trẻ đều là những người lớn bế tắc. Họ không biết phải làm gì nữa nên trong lúc bí bách, khó chịu quá, đành dùng bạo lực.
Dùng bạo lực với trẻ chứng tỏ sự bất lực và bế tắc của người lớn. Tại sao nhiều người lại cho rằng bạo lực là một cách tốt để dạy trẻ, và nó thực sự có kết quả tới đâu?
- Người lớn khiến trẻ đau khổ, sợ hãi tột bậc, và trẻ không có cách nào để chạy thoát hay cách ly mình khỏi tình huống và người lớn đó. Trẻ chỉ còn duy nhất một cách để giải thoát bản thân. Đó là khuất phục về hành vi. Tức là nếu ban đầu trẻ còn chống đối thì nay trẻ sẽ làm theo một cách ngoan ngoãn bất kể yêu cầu của người lớn là gì.
- Đứa trẻ chỉ thay đổi về hành vi thôi và sẽ thay đổi ngay lập tức vì nó quá sợ. Nhưng hành vi ấy không hề đi kèm với nhận thức. Vì đứa trẻ đâu đã hiểu ra tại sao nó cần phải làm một điều gì đó mà người lớn yêu cầu. Khi hành vi thay đổi ngay lập tức, chỉ có hai nguyên do: hình phạt quá nặng hoặc phần thưởng quá hấp dẫn. Đó là thay đổi mang tính bề mặt, tức là nếu không có ai phạt nữa hay không có phần thưởng, hành vi đó sẽ biến mất, và hành vi cũ lại xuất hiện.
- Một người đặt nặng chuyện trẻ phải nghe lời và đã sử dụng đến bạo lực, thì có khả năng sẽ rất bị hấp dẫn bởi bạo lực. Nếu không có ai dọa nữa, hành vi không mong muốn lại xuất hiện; người lớn không thể chấp nhận được sự bất tuân (hay thực chất là hành vi người lớn không mong muốn ở đứa trẻ), người phạt lúc nào cũng phải cảnh giác cao độ để phạt đúng lúc.
Khi người lớn dạy trẻ bằng cách đánh trẻ hay gây tổn thương tâm lý cho trẻ, vô vàn hậu quả không mong muốn sẽ xảy ra. Hậu quả của bạo lực
Khi người lớn dạy trẻ bằng cách đánh trẻ hay gây tổn thương tâm lý cho trẻ, vô vàn hậu quả không mong muốn sẽ xảy ra.
Trẻ có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề
Khi dùng bạo lực với trẻ, người lớn đang gửi thông điệp: “Làm tổn thương người khác là cách tốt để giải quyết mâu thuẫn.” Trẻ thì học chủ yếu qua quan sát, bắt chước, và ngấm rất nhiều thông điệp qua cách người lớn đối xử với trẻ. Do đó, những trẻ là nạn nhân của bạo lực có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn với những trẻ khác, đặc biệt là trẻ nhỏ hơn, và cũng thể hiện lại bài học đó khi chơi tưởng tượng với gấu bông và búp bê. Những trẻ này có xu hướng hung hãn hơn hẳn so với những trẻ khác. (Tuy vậy, cần lưu ý rằng hành vi đánh của trẻ cũng có thể chỉ đơn thuần là đặc điểm phát triển tự nhiên.)
Bị đè nén về cảm xúc là một trong những hậu quả nặng nề mà bạo lực gây ra với trẻ. Trẻ luôn sợ hãi người trừng phạt mình
Nếu không cách ly được về thể chất do phải sống cùng nhà, trẻ sẽ không dám thể hiện bản thân một cách chân thật, và sẽ chọn cách ly người đó về mặt cảm xúc. Bạo lực phá vỡ kết nối giữa người lớn và trẻ. Mối quan hệ giữa trẻ và người lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cũng không khó để thấy rằng những người tiếp tục sử dụng bạo lực với trẻ thường không thấy được tác động của bạo lực tới cảm xúc của trẻ và mối quan hệ với trẻ vì 2 lý do. Một là họ không quan tâm tới xây dựng mối quan hệ đích thực với trẻ trong đó sự tin tưởng, thấu hiểu, chia sẻ là nển tảng. Hai là họ không quan tâm tới cảm xúc và tinh thần của trẻ.
Trẻ bị đè nén về cảm xúc
Những cảm xúc tiêu cực xảy ra trong quá trình trẻ bị phạt sẽ dần dồn nén lại, dẫn tới nhiều căng thẳng và bức bối về tâm lý. Đánh trẻ khác cũng là một cách giải tỏa stress dồn nén do bị đánh.
Trẻ có xu hướng che giấu bản thân, cụ thể là nói dối
Sự tin tưởng, thấu hiểu, chia sẻ và chấp nhận, nền tảng của mọi mối quan hệ đích thực đem lại hạnh phúc và thỏa mãn cho cả hai, dần biến mất. Trẻ sẽ có xu hướng che giấu bản thân, cụ thể là nói dối.
Khi trẻ nói dối mà người lớn xử trí bằng bạo lực, thì nghịch lý là bạo lực ấy sẽ lại vô tình khuyến khích nói dối. Khi trẻ có hành vi mà người lớn không thích và xử trí bằng bạo lực, thì nghịch lý là hành vi đó lại có thể tiếp diễn ở mức độ cao hơn, như một cách để giải tỏa do đã không được làm như vậy trước mặt người lớn. Trẻ sẽ chờ tới khi người lớn không có mặt để được làm điều trẻ muốn.
Điểm mấu chốt là vì hành vi là kết quả của nhận thức; trừng phạt không giúp trẻ thay đổi nhận thức, mà nó lại dạy những bài học khác.
Trừng phạt không giúp trẻ thay đổi nhận thức. Nhiều nghiên cứu chứng minh bạo lực gây hậu quả lâu dài với trẻ
Nhiều nghiên cứu chứng minh các hậu quả lâu dài của việc liên tục sử dụng bạo lực với trẻ (kéo dài từ thời điểm bắt đầu cho tới tuổi vị thành niên và độ tuổi trưởng thành) bao gồm:
- Phát triển não không bình thường.
- Phát triển ngôn ngữ kém.
- Nhận thức kém phát triển.
- Kỹ năng cảm xúc-xã hội kém phát triển; có vấn đề trong kiểm soát và thể hiện cảm xúc và hành vi; có các hành vi bất thường, thao túng người khác về tâm lý để được chú ý; sợ hãi khi có cơ hội kết nối với người khác.
- Với trẻ sơ sinh và trẻ bé, bạo hành thể chất có thể dẫn tới chấn thương não.
- Nguy cơ cao hơn mắc các bệnh mãn tính liên quan tới tim, phổi, gan, huyết áp cao, tiểu đường, ung thư, cholesterol cao.
- Rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, tự tử.
- Hút thuốc, nghiện rượu và ma túy; dễ có các hành vi tình dục không an toàn và khả năng phạm tội cao.
- Kết quả học hành ở trường kém.
- Lòng tự trọng thấp.
- Khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ nam-nữ lành mạnh.
Trẻ em càng được kết nối với cha mẹ và càng được thấu hiểu thì càng có mong muốn được hiểu cha mẹ và nghe lời cha mẹ. Trẻ em càng được kết nối với cha mẹ và càng được thấu hiểu thì càng có mong muốn được hiểu cha mẹ và nghe lời cha mẹ mà không cần cha mẹ phải bắt ép, dọa nạt hay dùng tới bất kỳ hình thức bạo lực nào.
Bạo lực đơn giản là do người lớn thất bại trong việc hiểu trẻ em trong đó có các phát triển ở trẻ, nhu cầu và phát triển cảm xúc, và các phản ứng tâm lý nói chung. Ở Việt Nam, chúng ta vẫn còn đề cao chuyện trẻ em phải nghe lời mà không tự đánh giá lại xem yêu cầu của chúng ta có hợp lý với trẻ hay không. Trẻ em không nghe lời rất có thể là vì chúng ta có yêu cầu vô lý, vì chúng không hiểu được yêu cầu của chúng ta, hay đơn giản hơn là vì chúng là những cá thể riêng biệt có những mong muốn, cảm xúc, suy nghĩ, tính cách và nhu cầu khác với mong muốn của chúng ta.
Cha mẹ đừng bao giờ nghĩ rằng ép buộc trẻ thực hiện hành vi nào đó bằng nỗi sợ là cách dạy hiệu quả. Nếu hiệu quả thì đó chỉ là những thay đổi hời hợt sẽ bốc hơi nhanh chóng và nhường chỗ cho những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài không gì có thể sửa chữa được.