LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Có ý kiến cho rằng đoạn trích Trao duyên thể hiện được bi kịch tình yêu thân phận bất hạnh và nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều, bằng sự hiểu biết của em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên

2 trả lời
Hỏi chi tiết
3.942
1
0
Lãnh Hàn Tử Nguyệt
09/04/2019 13:25:47
Tai biến ập đến, Thúy Kiều đã đi theo con đường quen thuộc của những con người hiếu thảo : "Để lời thệ hải minh sơn / Làm con trước phải đền ơn sinh thành." Khi mâu thuẫn giữa hiếu và tình đã được giải quyết, Thúy Kiều lại rơi vào một bi kịch khác, đau đớn và nhức nhối hơn. Đoạn trích Trao duyên đã khắc họa sâu sắc bi kịch đó của Thúy Kiều đồng thời cũng khiến chúng ta trân trọng hơn vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của nàng.
Đêm cuối cùng trước ngày ra đi theo Mã Giám Sinh, Thúy Kiều một mình đối diện với chính mình, với ngọn đèn in bóng đau khổ đã cạn dần với chiếc khăn thấm lệ đã đẫm nước mắt : "Dẫu chong trắng địa, lệ tràn thấm khăn". Điều gì đã khiến nàng "ngồi nhẫn tàn canh". Trong tâm trạng "bàn hoàn" đến vậy ? Chỉ đến khi Thúy Vân "ghé đến ân cần hỏi han" Kiều mới thổ lộ tâm sự sâu kín của nàng. Người con gái tài sắc ấy không chỉ có lòng hiếu thảo với cha mẹ mà trong tình yêu, nàng là con người thiết tha, sâu nặng, vị tha đến quên mình. Đó chính là vẻ đẹp tâm hồn ,nhân cách của Thúy Kiều. Số phận nàng ngày mai không biết sẽ ra sao nơi đất khách quê người, nhưng hiện tại trong giờ phút này, Kiều một lòng một dạ hướng về người yêu. Điều này được thể hiện rõ qua lời khẩn cầu thiết tha đối với Thúy Vân :
Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Cái sâu sắc nước đời của Tố Như thể hiện ở việc lựa chọn từ ngữ diễn tả tâm trạng nhân vật. Trong những từ biểu đạt sự nhờ vả : nhờ, mượn , phiền,... Nguyễn Du chọn từ cậy, vì chỉ từ này mới hàm chứa hai nội dung : nhờ và tin. "Chịu lời"chứ không phải nhân lời vì nhận lời là sự tự nguyện của Vân. Song việc Kiều sắp nhờ cậy em gái là một sự nài nỉ, bắt buộc , không nhận không được, là đưa cả chính nàng và Vân vào hoàn cảnh khó xử. Đó là việc Vân thay Kiều trả "nghĩa" cho Kim Trọng : xót tình máu mủ thay lời nước non ". Trong quan niệm của người trung đại tình thường gắn với nghĩa. Cả ba người trong cuộc đều coi viẹc trả nghĩa này là hợp lí. Nhưng cho dù đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của Vân : "Keo loan khắp mối tơ thừa mặc em". Thúy Kiều vẫn đưa ra những lí lẽ để thuyết phục em gái. Chính những lí lẽ ấy càng thể hiện rõ tình yêu sâu nặng Thúy Kiều dành cho Kim Trọng, càng khẳng định vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của nàng. Nói với em, thuyết phục em mà Kiều như sống lại những kí ức tình yêu với Kim Trọng : "Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề " ; trao kỉ vật tình yêu cho Vân : chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn, mảnh hương nguyền,...mà những mong thông qua đó, nàng có thể hiện diện trong tình yêu, trong nỗi niềm với Kim Trọng.
Song càng nặng tình với chàng Kim bao nhiêu, Kiều càng rơi vào bi kịch khổ đau bấy nhiêu. Đó trước hết là bi kịch của tình yêu lứa đôi đang đẹp đẽ, hạnh phúc bỗng chốc tan vỡ, chia lìa. Sự dở dang, tan vỡ này được thể hiện qua một câu thơ mang sắc thái thành ngữ : "Giữa đường đứt gánh tương tư ". Hình ảnh ẩn dụ này ta đã bắt gặp trong ca dao, hóa ra, những đau khổ của Kiều nào có xa lạ gì với những số phận của người phụ nữ xưa. Tuy nhiên bi kịch tình yêu tan vỡ ở nàng vẫn đau đớn và nhức nhối hơn bất cứ thiên tình sử nào trước đó. Một phần là bởi Thúy Kiều chỉ có thể trao duyên cho Vân chứ không thể trao tình yêu cho em gái. Nàng đã trao lại cho Vân những kỉ vật tình yêu đẹp đẽ và thiêng liêng. Trong mối quan hệ chàng Kim, bao giờ Nguyễn Du cũng dành cho người chị chữ "tình", và cô em chữ "duyên"
Khi ăn ở lúc ra vào,
Càng âu duyên mới, càng dào tình xưa
Kiều mong muốn thông qua những kỉ vật ,nàng có thể hiện diện trở về trong tình yêu, trong tâm thức của Kim Trọng : "Mất người còn chút của tin", nhưng có nghĩa gì đâu khi "chút của tin " còn mà người đã mất, con đường trở về với tình yêu bằng linh hồn bất tử : "Thấy hiu hiu gió thi hay chị về ". Nhưng nàng ý thức được rằng đó là cái chết oan nghiệt : "Rảy xin chén nước cho người thác oan ". Trong thiên tình sử xưa, giọt lệ Mị Nương rơi xuống chén trà và oan hồn Trương Chi được giải tỏa, còn trong Truyện Kiều giọt lệ của chàng Kim không thể làm tan mối tình oan khuất của nàng Kiều. Bởi sự trở về bằng linh hồn bất tử là sự trở về không có gặp gỡ, luôn luôn bị chia cắt bởi hai cõi âm dương : "Dạ đài cách mặt khuất lời " Sau này, trong màn "Tái hồi Kim Trọng " sự gặp mặt của Kim – Kiều cũng không còn là sự gặp lại của tình yêu, vì "sự đời đã tắt lửa lòng " "đem tình cầm sắt đổi ra cầm kì ".
Thông qua việc khám phá vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách Thúy Kiều cũng như bi kịch của nàng trong đoạn trích : "Trao duyên", người đọc nhận ra "sức cảm thông lạ lùng" của nhà đại thi hào dân tộc đối với những khổ đau và khát vọng tình yêu của con người.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
3
0
Quỳnh Anh Đỗ
09/04/2019 19:05:54
Ở bất cứ một thời đại nào, con người cũng có khao khát được hưởng hạnh phúc, khao khát yêu và được yêu. Nhưng dường như, không phải lúc nào hi vọng ấy cũng có thể thực hiện được. Điều này đã được thể hiện thông qua đoạn trích “Trao duyên” (Trích Truyện Kiều) của Nguyễn Du, đoạn trích đã thể hiện bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh và nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều khi ở trong một hoàn cảnh éo le và trớ trêu: Trao duyên cho người em gái của mình.
Tình yêu giữa Thúy Kiều và Kim Trọng đang tươi đẹp, nồng nàn thì Kim Trọng phải về Liêu Dương hộ tang chú. Trong khi đó tai họa đổ ập xuống gia đình Thúy Kiều. Của cải bị bọn sai nha vét sạch. Cha và em trai Thúy Kiều bị bắt, bị đánh. Bọn quan lại đòi đút lót “có ba trăm lạng việc này mới xuôi”. Trước biến cố đau lòng đó, một người giàu tình cảm, giàu đức hi sinh như Thúy Kiều không còn cách nào khác là phải bán mình lấy tiền cứu cha và em. Nhưng còn mối tình với Kim Trọng thì sao?
Bi kịch tình yêu của Thúy Kiều bắt đầu từ đây, nàng quyết định sẽ gửi chữ duyên của mình cho Thúy Vân.
“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”
Từ “cậy” được đặt lên đầu câu diễn tả hoàn cảnh ngặt nghèo, khó thưa, khó gửi của Thúy Kiều. Vốn dĩ Thúy Kiều là chi, sẽ không có chuyện “thưa”, “lạy” Thúy Vân bất cứ việc gì; nhưng trong hoàn cảnh này, nàng đã phải làm những việc tưởng chừng như nghịch lý như vậy. Mối duyên với chàng Kim là mối duyên trời cho, nhưng số phận của Thúy Kiều giờ nổi trôi, bấp bênh, nàng không muốn phụ chàng, nên đã muốn cậy nhờ em gái nối tiếp mối duyên dở dang ấy. Câu thơ như cứa vào lòng người đọc nỗi chua xót cùng cực. Từ “cậy” là điểm nhấn, là sự thành công về mặt ngôn ngữ của Nguyễn Du.
“Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”.
Thúy Kiều bắt đầu thuật lại câu chuyện tình của mình, những điều mà Vân hẳn đã biết. Nhưng có một điều mà đến lúc này Kiều mới tâm sự: nàng đang bị giằng xé giữa Hiếu và Tình. Sóng gió ập đến gia đình, lúc này nàng sẽ phải hi sinh đoạn tình của mình để cứu lấy cha và em.
“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”.
Hai chị em đều “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” vậy mà nàng nói “ngày xuân em hãy còn dài” đau đớn biết chừng nào! Dường như nàng xem sự sống của mình đến đây là hết, chỉ cần Thúy Vân và Kim Trọng hạnh phúc thì nàng cũng sẽ thỏa ước nguyện. Trong đau khổ tuyệt vọng, nàng còn biết lo cho hạnh phúc của người khác. Thật là một cô gái có đức hi sinh lớn lao.
“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung".
Có thể thấy, Kiều trao kỉ vật lại dùng dằng nửa trao, nửa níu. Tâm trạng của Kiều trong thời khắc đoạn trường này chính là Kiều đang mâu thuẫn giữa hành động và lời nói, lí trí và tình cảm. Kiều trao duyên chứ không muốn trao tình. Điều này cũng hợp nhẽ thôi, làm sao có thể lý trí hoàn toàn mà trao hết tất cả, không mảy may động lòng được chứ? Nguyễn Du thật tài tình khi đã miêu tả một cách tinh tế tâm trạng lúc này của Kiều:
“Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.”
Sau khi trao duyên cho Thúy Vân, ý thức về bi kịch tình yêu cùng thân phận bất hạnh của Thúy Kiều lúc này được bộc lộ thông qua cuộc độc thoại nội tâm đầy đau đớn:
“Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy, so tơ phím nàv.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai”.
Dự cảm về cái chết cứ trở đi trở lại trong lòng Kiều. Thúy Kiều tưởng tượng nàng chỉ còn là bóng ma. Nàng sẽ hiện lên trong hương trầm và âm nhạc. Hồn ma còn mang nặng lời thề với Kim Trọng, cho nên dẫu “thịt nát xương mòn” thì hồn nàng vẫn còn quanh quẩn với “ngọn cỏ lá cây”, với “hiu hiu gió...”. Tình của người bạc mệnh vẫn còn làm chấn động cả vũ trụ.
Đau đớn tột cùng trước sự đổ vỡ của tình yêu, nàng quên rằng trước mặt rành là Thúy Vân mà than khóc với Kim Trọng:
“Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Phận sao phận bạc như vôi!
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”.
Mức độ của nỗi đau cao hơn,xót xa hơn khi Kiều chuyển sang tự nói với bản thân mình, từ đau đớn chuyển thành tiếng khóc, khóc cho mình, khóc cho mối tình đẹp phải chia li. Thúy Kiều hướng một lòng về tình yêu thương mong nhớ người mình yêu. Trâm đã gãy, gương đã tan và tất cả đã là “nước chảy hoa trôi lỡ làng”. Những thành ngữ chỉ sự tan vỡ đã xoáy sâu vào nỗi đau của Kiều - một nõi đau chưa từng có trong đời. Giọng điệu chì chiết, đay nghiến số phận của nàng thì được diễn tả rất nổi bật ở câu: “Phận sao phận bạc như vôi” với sự trùng điệp của từ phận, như cứa vào lòng của độc giả.
“Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”
Lời than khóc cuối cùng này như những tiếng ngân dài, để rồi nấc nghẹn lại. Nàng nghĩ đến gia đình, nghĩ đến cha, nghĩ đến em, nghĩ đến cả Thúy Vân; và rồi cuối cùng, nàng nghĩ đến Kim Trọng, rằng nàng đã phụ mất tình yêu của chàng. Các thán từ “ôi, hỡi, thôi thôi” không ngớt muôn vàn đau khổ, tình cảm của Kiều đã lâm li tới cực đại.
Nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều đã được soi chiếu xuyên suốt cả đoạn trích. Nàng là người có tấm lòng cao cả, hi sinh hạnh phúc lứa đôi, hi sinh thân phận của mình để cứu lấy gia đình. ống trong xã hội nhiều bất công, những người đáng lẽ ra phải được hưởng một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn lại phải lựa chọn con đường đi nhiều nước mắt. Cái chết không phải là kết thúc đối với Kiều, vì nàng còn mang nặng món nợ lớn với đời, với Kim Trọng. Thúy Kiều chỉ có thể bất lực với tình yêu của mình, mong Kim Trọng có thể hiểu được. Sự bế tắc và đau khổ trong lòng Thúy Kiều dường như chồng chất và đè nén không thể thoát ra được. Điều đó càng làm ta thêm thương cảm cho một nhân cách cao đẹp như Kiều.
Với nghệ thuật miêu tả tinh tế diễn biến nội tâm nhân vật và ngôn ngữ độc thoại sinh động, đoạn trích Trao duyên đã ánh lên vẻ đẹp nhân cách Thúy Kiều thể hiện qua nỗi đau đớn khi tình yêu tan vỡ và sự hy sinh đến quên mình vì hạnh phúc của người thân.
Thông qua đoạn trích Trao duyên (Trích Truyện Kiều) của Nguyễn Du, ta có thể cảm nhận được bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh và nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều. Từ đấy, ta cũng nhận ra được tài năng lẫn tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du được gửi gắm vào trong tác phẩm. Với những giá trị như vậy, Truyện Kiều chắc chắn không chỉ ý nghĩa trong thời đại mà nó soi chiếu, mà tác phẩm vẫn sẽ luôn là viên ngọc quý tỏa sáng trong thời đại ngày nay.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 10 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư