1.
Năm 938, với chiến thắng hiển hách trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán, chấm dứt 1000 năm đô hộ của Phương Bắc, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài trên đất nước ta. Mùa Xuân năm 939, Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa – kinh đô cũ của nhà nước Âu Lạc thời An Dương vương.
Sử cũ đã ghi nhận vai trò quan trọng của Ngô Quyền trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Lê Văn Hưu, nhà sử học khai sáng nền sử học Đại Việt thời Trần, trong Đại Việt sử ký đã xác nhận: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được”. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên thời Lê cũng khẳng định: “Tiền Ngô (vương) nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của bậc đế vương”. Nhà sử học thế kỷ XVIII Ngô Thì Sĩ hoàn toàn có lý khi gắn chặt sự nghiệp trung hưng đất nước của Ngô Quyền với kỳ tích anh hùng của ông ngoài cửa biển Bạch Đằng. Nhà yêu nước kiệt xuất đầu thế kỷ XX Phan Bội Châu đã tôn vinh Ngô Quyền là vị “Tổ trung hưng nước ta”.