Sau Cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai năm 1917, ở Nga tồn tại tình trạng 2 chính quyền song song, một bên là Chính phủ lâm thời tư sản và một bên là Xô Viết các đại biểu công nhân và binh sĩ, đứng đầu là Xô Viết Pê-tơ-rô-grát. Trước tình hình đó, V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vích đã xác định cách mạng Nga là chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Tháng 4-1917, V.I.Lênin về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Nga. Đêm 24-10-1917 theo lịch cũ nước Nga (tức đêm 6-11-1917), khởi nghĩa vũ trang nổ ra ở thủ đô Pê-tơ-rô-grát. Ngày 25-10-1917 theo lịch cũ nước Nga (tức ngày 7-11-1917), các lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ tình hình ở thủ đô Pê-tơ-rô-grát, trừ cung điện Mùa Đông và một vài nơi. Tới 2 giờ 10 phút, rạng sáng 26-10-1917, cung điện Mùa Đông được giải phóng, các bộ trưởng trong chính phủ lâm thời bị bắt giữ. Cuộc khởi nghĩa vũ trang tại Pê-tơ-rô-grát kết thúc thắng lợi.
Ngày 25-10-1917 theo lịch cũ nước Nga (tức ngày 7-11-1917) đã được ghi vào lịch sử là ngày thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại.