Lời chào cao hơn mâm cỗ - Đây là một câu nói rất hay và rất văn hóa được lưu truyền từ đời này qua đời khác, không rõ có từ bao giờ và trở thành nề nếp, một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. "
Lời chào cao hơn mâm cỗ" hàm ý câu chào hỏi rất quan trọng, rất tình nghĩa, còn quý hơn cả việc mời nhau đến ăn uống tiệc tùng. "
Lời chào cao hơn mâm cỗ" ý muốn nói đến phép lễ nghĩa hơn cái ăn. Sâu hơn là nhân cách của con người cao hơn "vật chất". Mâm cỗ có đầy, có sang trọng mới thể hiện được sự no đủ và hiếu khách của chủ nhà. Lời chào có nồng nhiệt, thân thiện mới chứng tỏ phẩm chất một ngưới có phép tắc, lễ nghĩa với một nền giáo dục tốt, và đậm chất văn hóa của dân tộc. Mâm cỗ là sự no đủ về vật chất, lời chào thể hiện cho sự thân thiện giữa người với người. Lời chào là "phương tiện" tình cảm mang hơi thở của xã hội.
Chẳng thế mà ở làng quê trước kia cũng như hiện nay mọi người ra đường ra ngõ, đi chợ, đi làm đồng hay đi đâu đó gặp nhau là chào hỏi rất vui. Cả xóm chào nhau, cả làng chào nhau, rất thân mật, cởi mở, thân tình. Vì vậy mà ta thử xét lời chào là một biểu tượng văn hoá trong những đặc trưng của văn hoá như sau:
Việc chào hỏi rất sinh động, phong phú nhưng có thể hiểu tóm lược và đơn giản như thế này: Đó là dù thân hay sơ, là họ mạc ruột thịt hay chỉ là hàng xóm láng giềng quen biết, khi gặp nhau đều cần có lời chào. Con cháu từ nhà đi đâu hay đi đâu về nhà đều phải thưa chào ông bà cha mẹ và các bậc bề trên. Ở trường lớp hay tại bất cứ đâu, gặp các thầy cô giáo, học trò phải chào. Đến cơ quan, công sở, nhà máy… cũng vậy. Đó là lời chào nên đi đôi với câu hỏi ngắn gọn. Lời chào không cũng tốt nhưng đôi khi chỉ mang tính xã giao, thủ tục. Lời chào kèm theo câu thăm hỏi lại thể hiện sự quan tâm đến nhau. Cũng có thể dùng câu hỏi thay cho lời chào, đại loại: "Ông (bà) hồi này có khỏe không ạ?", "Ông (bà) đi đâu mà tay xách nách mang thế này?", "Hè này ông (bà) có đi nghỉ ở đâu không?"… Người Trung Quốc gặp nhau thường dùng hai câu cửa miệng "Khỏe không?", "Ăn cơm chưa?" để thay cho lời chào. Kể cũng hay, cũng là một nét văn hóa phương Đông độc đáo. Đã là lời chào hỏi thì phải thật lòng, tự nguyện, xuất phát từ đạo lý chứ không phải vì bị bắt buộc. Phải tránh các câu chào lấy lệ, chào để khỏi mang tiếng là không chào hay chào cộc lốc, cợt nhả, thiếu nghiêm túc, đại loại: "Hê lô đại ca", "Chào người đẹp", "Chào em cô gái Lam Hồng"…
Khi cất tiếng chào, nét mặt phải tươi vui, cởi mở cùng nụ cười thân mật trên môi.
Những người quen biết nhau, khi gặp gỡ nhau, chào nhau, đó là nét văn hoá biểu trưng cho con người. Ở trình độ nhận thức thấp, con vật chưa có được. Và lời chào đã có từ bao giờ??? Ngay từ xưa, con người đã biết chào hỏi nhau, dần dần, nó trở thành thói quen, thành biểu hiện của sự lịch sự, nhả nhặn, và cả sự tôn trọng lẫn nhau. Đó là tính lịch sử, tính nhân văn, tính giá trị của văn hoá.Còn ngày nay, việc chào hỏi dường như không được chú trọng lắm nhất là ở thành thị, cùng chung cư mà gặp nhau cứ tỉnh bơ như không. Thanh thiếu niên, nhi đồng gặp người lớn rõ ràng là quen biết, đáng tuổi ông bà cha mẹ mình mà cứ "giương mắt ếch" không chào hỏi gì.
Một cụ bà 80 tuổi đã từng kể cho tôi nghe một câu chuyện
cười ra nước mắt như thế này: "Gần nhà tui có một số cháu gặp người lớn không bao giờ chào hỏi. Có hôm đi ra cổng, tui gặp một cháu trai mặt mũi cũng sáng sủa, tôi cất lời chào trước: "Bà chào cháu !". Nghe tôi chào, cháu ngạc nhiên trân trân đứng nhìn, không nói gì. Tôi vừa đi qua thấy cháu chạy lại với mấy đứa bạn lớn tiếng nói: "Bà lão thế mà ngoan! Bà ta vừa chào tao đấy!". Cả bọn trẻ ồ lên cười khoái chí…
Điều này trách lớp trẻ thì ít mà trách bố mẹ chúng thì nhiều. Thực tế cho thấy, cũng cùng chung cư, ngõ phố lại có nhiều em rất ngoan, lễ phép, gặp người lớn đều chào tử tế. Thì ra những người nhà có các cháu này đã rất chú ý dạy bảo, nhắc nhở con cháu khi ra đường, khi lên xuống cầu thang gặp người lớn phải làm gì. Và bản thân các ông, các bà chủ gia đình này cũng rất niềm nở chào hỏi mọi người, nêu gương tốt cho con cháu làm theo. Văn hóa chào hỏi là một lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Qua văn hóa chào hỏi, người ta có thể nhận xét, đánh giá trình độ dân trí, văn minh của một cộng đồng dân cư, một quốc gia, một dân tộc.
Lời chào là một trong những nét đẹp truyền thống có ý nghĩa nhân văn cần được gìn giữ và phát huy. Cứ tưởng lời chào là chuyện nhỏ nhưng lại "
cao hơn mâm cỗ", đáng giá hơn những giá trị vật chất. Mong rằng trong mỗi gia đình, nhà trường hãy quan tâm hơn nữa, đừng để
lời chào dần bị mai một dần theo những bộn bề của cuộc sống.