1,
Một là, mâu thuẫn giữa trang bị kiến thức với phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Dự thảo Báo cáo chính trị nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học”. Quan điểm này xuất phát từ thực trạng nền giáo dục Việt Nam là chỉ tập trung trang bị kiến thức cho học sinh, chưa chú ý phát triển phẩm chất, năng lực. Trong giáo dục, để phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh phải trên cơ sở trang bị kiến thức. Nhưng do phương pháp giáo dục lạc hậu hiện nay nên việc trang bị kiến thức đang có sự mâu thuẫn với phát triển phẩm chất, năng lực. Ví dụ, giáo dục lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc cho học sinh là một yêu cầu để nâng cao phẩm chất. Nhưng với phương pháp dạy lịch sử như hiện nay cộng với việc đưa môn này vào tự chọn trong thi cử làm cho học sinh ngày càng ít hiểu biết về truyền thống dân tộc, khó nâng cao tinh thần yêu nước.